Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Màu: Lợi ích của người dân là trọng tâm

08:08, 06/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Màu khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với PV. Báo Quảng Ngãi trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Với tinh thần đổi mới và phát huy trí tuệ, Đại hội lần này sẽ đề ra những chủ trương, quyết sách cho sự phát triển của huyện ở nhiệm kỳ tới.

Xây dựng Đảng bắt nguồn từ công tác cán bộ

-PV: Thưa đồng chí, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, điều gì làm đồng chí tâm đắc nhất?

Đồng chí Nguyễn Màu: Tôi xin khẳng định rằng, ý nghĩa sâu sắc, đậm tính nhân văn của Nghị quyết Trung ương 4 là nâng cao trách nhiệm cá nhân và đánh thức lòng thiện trong mỗi con người. Khi Nghị quyết Trung ương 4 được triển khai, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tin tưởng nếu làm được ba vấn đề cấp bách và các nhóm giải pháp mà Nghị quyết đề ra sẽ tạo sự chuyển biến rất tốt trong công tác xây dựng Đảng.

Qua thực hiện Nghị quyết, Huyện ủy đã mạnh dạn chỉ ra những hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng. Từ cuối năm 2012, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, chất lượng hội nghị và chất lượng ban hành các nghị quyết và năng lực triển khai thực hiện, nhằm bám sát nhu cầu cuộc sống của nhân dân, thực tiễn đang diễn ra trên địa bàn huyện. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng hoạt động của khối Nội chính; việc giải quyết đơn thư khiếu kiện, phản ánh của nhân dân; những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn.

-PV: Đồng chí vừa nhắc đến “nhu cầu cuộc sống của nhân dân”. Vậy bằng cách nào huyện có thể nắm bắt được “nhu cầu” này?

Đồng chí Nguyễn Màu: Để hiểu được dân nói cái gì, cần cái gì, thì không có cách nào khác là phải gần dân, sát dân và lắng nghe dân. Muốn vậy, “mạng lưới” thu thập thông tin phải được trải đều khắp các địa phương. Do đó, huyện đã thành lập và đưa vào hoạt động CLB thông tin thời sự Nguyễn Tín; Tổ nắm bắt, nghiên cứu giải quyết thông tin ở huyện và Nhóm nắm bắt, nghiên cứu, xử lý thông tin ở xã, thị trấn, để kịp thời nắm bắt tình hình diễn biến thời sự, dư luận nhân dân. Từ những “dữ liệu” có được, lãnh đạo huyện đưa ra từng giải pháp xử lý “đúng và trúng”, nhanh chóng giải tỏa “điểm nóng”. Ngoài ra, những bất cập bắt nguồn từ các chủ trương mà huyện ban hành cũng được điều chỉnh kịp thời. Điều này thể hiện tinh thần cầu thị lắng nghe và tôn trọng ý kiến chính đáng của nhân dân.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy đề ra chủ trương các đồng chí cấp ủy tham gia sinh hoạt chi bộ ở chi bộ thôn, tổ dân phố; tổ chức đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân. Kết quả có 100% đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tham gia sinh hoạt tại chi bộ trực thuộc, tổ chức cơ sở đảng, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, mở ra “kênh” thu thập thông tin  hiệu quả. Bên cạnh đó, Bí thư cấp ủy từ huyện đến xã tham gia đối thoại và trực tiếp chỉ đạo giải quyết công việc cho người dân. Qua đó, nhiều vụ việc bức xúc ở cơ sở đã được giải quyết triệt để với sự đồng thuận cao của nhân dân.

-PV: Trong xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ được xem là khâu then chốt. Huyện đã có những chủ trương, giải pháp gì để thực hiện tốt công tác này?

Đồng chí Nguyễn Màu: Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, huyện chú trọng củng cố, kiện toàn bộ máy trong hệ thống chính trị đảm bảo yêu cầu, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Công tác cán bộ được thực hiện toàn diện ở các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, điều động... Nhờ đó, đội ngũ cán bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Huyện ủy ban hành Nghị quyết 05-NQ/HU về phát triển nguồn nhân lực. Đến nay, đội ngũ CB,CCVC của huyện đều đạt tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm. Giai đoạn 2010 - 2015, huyện đã cử 19 đồng chí đi đào tạo sau đại học, phối hợp đào tạo trình độ Trung cấp lý luận chính trị tại huyện cho 173 đồng chí. Huyện cũng đã bổ nhiệm 5 cán bộ trẻ là cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Đề án 1376 của Tỉnh ủy; thực hiện tuyển chọn, điều động, luân chuyển cán bộ một cách hợp lý, cơ bản phát huy được sở trường, năng lực, trách nhiệm cá nhân.

Phát triển kinh tế vùng

-PV: Mộ Đức là địa phương có diện tích lớn, bao gồm cả vùng núi, đồng bằng và ven biển. Huyện đã khai thác lợi thế này thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Màu: Huyện đã tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển các vùng kinh tế của huyện. Theo đó, trên địa bàn huyện được phân chia thành ba vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ nhất, đó là vùng kinh tế động lực, chạy dọc theo QL1 lấy thị trấn Mộ Đức làm trung điểm. Ở vùng kinh tế này, huyện tập trung xây dựng CSHT trong các Cụm công nghiệp Quán Lát, Thạch Trụ và Trung tâm thương mại - dịch vụ tổng hợp; quy hoạch và xây dựng đô thị thị trấn Mộ Đức, Thạch Trụ, Nam Sông Vệ, điểm phát triển kinh tế, thương mại và dịch vụ Quán Lát, Thi Phổ, Quán Hồng. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, huyện tích cực kêu gọi, thu hút nhiều nguồn lực khác để đầu tư xây dựng CSHT, bước đầu có sự chuyển biến tích cực trong phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Thứ hai, vùng kinh tế phía đông, bao gồm các xã nằm về phía đông QL1 đến ven biển. Huyện đầu tư CSHT về giao thông, thủy lợi, tạo điều kiện phát triển sản xuất đa dạng các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, phát triển dịch vụ biển. Các xã phía đông có lợi thế xây dựng vùng lúa năng suất cao, sản xuất rau tập trung và cây công nghiệp ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế khá; hình thành các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn.

Thứ ba, vùng kinh tế phía tây, với diện tích đồi núi và đất lâm nghiệp khá lớn, chiếm trên 30% diện tích toàn huyện. Khu vực này còn có nhiều hồ chứa nước lớn, thuận lợi trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Vùng kinh tế này sẽ được tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi để phát triển sản xuất cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, kinh tế trang trại, kinh tế vườn, rừng và chăn nuôi gia súc tập trung.   

-PV: Xin đồng chí cho biết rõ hơn về kết quả phát triển kinh tế của huyện trong nhiệm kỳ 2010 - 2015?

Đồng chí Nguyễn Màu: Trong giai đoạn 2010 - 2015, giá trị sản xuất bình quân toàn huyện là 3.429 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân gần 19%/năm. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 24 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ.

Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/HU của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng đổi mới, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiêp hiệu quả. Doanh thu bình quân trên mỗi hécta đất nông nghiệp  xấp xỉ 60 triệu đồng. Hiện nay, xã Đức Tân đạt 19/19 tiêu chí NTM; xã Đức Nhuận đạt 16 tiêu chí; xã Đức Thạnh đạt 15 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 10 - 12 tiêu chí.

Cụm công nghiệp Quán Lát, Thạch Trụ đã có 16 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký gần 140 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 87%, góp phần giải quyết việc làm cho gần 500 lao động. Huyện có hơn 3.349 hộ đăng ký kinh doanh, với số vốn đăng ký kinh doanh gần 300 tỷ đồng. Nhiều cơ sở kinh doanh được mở rộng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đặt lợi ích của người dân vào trọng tâm

-PV: Phát triển kinh tế chỉ thật sự có ý nghĩa khi đời sống văn hóa- tinh thần của người dân được chăm lo đầy đủ. Đồng chí nghĩ gì về điều này?

Đồng chí Nguyễn Màu: Đúng vậy! Thời gian qua, các thiết chế văn hóa được huyện đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Nhiều hoạt động VHVN, TDTT được khơi dậy với nhiều hình thức phong phú. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” có chuyển biến tích cực. Huyện có gần 80% số gia đình, hơn 78% thôn, tổ dân phố văn hóa và 3 xã đạt xã văn hóa NTM.

Tuyến đường trung tâm thị trấn Mộ Đức được xây dựng khang trang.         Ảnh: NT
Tuyến đường trung tâm thị trấn Mộ Đức được xây dựng khang trang. Ảnh: NT


Hiện nay, huyện có 13 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Công tác khám, chữa bệnh cho người dân ngày càng tốt hơn. Trong 5 năm qua, huyện giữ chuẩn được 23 trường, xây dựng mới 13 trường đạt chuẩn Quốc gia. Đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của huyện. Huyện sẽ tiếp tục phát triển giáo dục, mà trọng tâm là nâng cao chất lượng dạy và học. Huyện còn thực hiện tốt chính sách cho người có công cách mạng, giải quyết kịp thời chế độ cho các đối tượng. Từ năm 2010 - 2015, huyện xây dựng 328 ngôi nhà cho hộ nghèo và 1.177 nhà ở cho người có công cách mạng, với số tiền gần 58 tỷ đồng.

-PV: Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể gì?

Đồng chí Nguyễn Màu: Đại hội lần này sẽ dân chủ bàn bạc và đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội sát đúng với tình hình thực tiễn của huyện, đặt lợi ích của người dân vào trọng tâm. Cụ thể, huyện đề ra các chỉ tiêu chủ yếu như: Giá trị sản xuất của huyện đạt khoảng 11.300 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 19%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm; 90% số trường học đạt chuẩn Quốc gia; 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế; đến năm 2020, có 50% số xã đạt tiêu chí NTM; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 6%; số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh là 55% mỗi năm...

Muốn thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu trên, huyện đề ra hai nhiệm vụ đột phá là: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; tạo lập môi trường thuận lợi để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và ba nhiệm vụ trọng tâm gồm: Phát triển nông nghiệp toàn diện, trên cơ sở thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực, quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.


-PV: Xin cảm ơn đồng chí!


NGUYỄN TRIỀU
(thực hiện)

    
 


.