(Baoquangngai.vn)- Những dòng sông thơ mộng, êm đềm trong mùa cạn và dữ dội trong mùa lũ. Sông là nơi tắm mát, cung cấp cá, tôm nuôi sống bao kiếp người ở xứ Mộ Hoa. Dòng nước từ sông tưới mát cho ruộng đồng, mang lại những mùa vàng trong mắt bao phận đời lam lũ…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Xứ Mộ Hoa thời khẩn hoang giờ đổi tên thành Đức Phổ. Nơi đây có bốn dòng sông: Lò Bó, Trà Câu, sông Trường và sông Thoa hòa dòng nước trước khi đổ ra biển qua cửa Mỹ Á. Sông như nguồn sữa của mẹ thiên nhiên nuôi sống bao đời người dân quê lam lũ.
1. Lò Bó là con sông bắt nguồn từ những dãy núi cao nằm ở vùng giáp ranh giữa hai huyện Đức Phổ và Ba Tơ. Nước từ khe suối nơi miền ngược hòa chung dòng trôi về xuôi giữa những đồng lúa mướt xanh và làng quê yên ả. Khi quê hương sạch bóng quân thù, bao người dân Đức Phổ cần mẫn xẻ núi, đào đất xây dựng hồ chứa nước Liệt Sơn gần thượng nguồn dòng sông.
Với diện tích lưu vực gần 37km2, nguồn nước từ hồ Liệt Sơn tắm mát cho hàng ngàn mẫu lúa và hoa màu của cư dân trong vùng. Mặt hồ tựa tấm gương soi khổng lồ in hình nền trời xanh thẳm lơ lửng vầng mây trắng bay giữa chiều phai nắng. Những chiếc thuyền con lướt nhẹ trên mặt nước giữa ráng chiều hư ảo. Những mẻ lưới chìm vào làn nước xanh thẫm. Bóng hoàng hôn nhuộm mờ, cảnh vật chìm dần vào đêm.
Hồ chứa nước Liệt Sơn gần thượng nguồn sông Lò Bó |
Tôi cùng những người bạn quây quần bên đống lửa bập bùng cháy đỏ nơi mép nước mặt hồ trong đêm khuya vắng. Họ là những người thả nuôi và đánh bắt cá trong lòng hồ. Chuyện rì rầm trong đêm lẫn tiếng gió vi vu cùng cây lá. Ly rượu quê cay nồng làm ấm dần cơ thể trong đêm lạnh. Trăng thượng tuần hình lưỡi liềm treo đầu non tỏa sáng mơ màng. Tiếng cá quẫy làm xao động mặt hồ. Tiếng mang tác nơi rừng xa giữa mịt mờ tịch liêu, chợt nghe lòng xao xuyến. Tiếng vạc kêu sương lẻ loi gợi lên nỗi u hoài trong đêm trường hoang vắng…
Chiều hè thuở trước, từng bầy hoang thú nhẩn nha ven hồ, thưởng thức ngụm nước ngọt dịu sau cả ngày rong ruổi dưới tán rừng xanh. Cảnh xưa giờ đã lùi vào dĩ vãng bởi sự háu ăn của con người. Thú rừng trở thành đặc sản trong các nhà hàng, quán nhậu, dần vắng bóng giữa non xanh.
Mảng trăng gầy ngủ yên sau núi. Gà rừng cất tiếng gáy te…te gọi ánh hồng ở phương đông. Bạn vội vã bơi thuyền kéo lưới trước ánh đèn pin lấp lóa trên mặt hồ. Cá mè, chép, trôi, thác lác… mắc lưới bị lôi lên khỏi mặt nước lấp lánh vảy bạc. Thuyền quay vào bờ khi ánh bình minh ló dạng phía chân trời. Thương lái đón đợi nơi bến cá ngã giá bán mua rồi chuyển đến phiên chợ sớm. Đêm đã qua. Hồ Liệt Sơn chào đón ngày mới với nắng ban mai lấp lánh ánh vàng.
Sông Lò Bó phía hạ lưu hồ Liệt Sơn vẫn lặng lẽ xuôi dòng rồi hợp lưu với đầm Lâm Bình đổ vào sông Trường hướng ra biển. Nơi ngã ba sông nước ấy lượng tôm, cá khá phong phú, là nguồn thực phẩm chủ yếu hiện diện trong bữa cơm của người dân quanh vùng và chuyển đến phiên chợ làng xa. Đầm Lâm Bình còn là hồ điều tiết nước của sông Lò Bó, hạn chế ngập lụt vùng hạ du. Lũ về, nước từ sông chảy vào đầm nhấm chìm những cánh đồng bên cạnh chìm sâu trong làn nước. Ngưng lũ, nước lại chung dòng hướng về đông như bao đời vẫn thế.
2. Phía đông Ba Tơ với núi non hùng vĩ, chứa bao điều huyền dịu của tự nhiên. Bao suối khe dưới tán rừng mướt xanh góp nước tạo thành dòng sông Trà Câu tự thuở hồng hoang. Sông là chứng nhân lịch sử trong quá trình khai khẩn vùng đất Mộ Hoa thuở trước. Sử liệu cho biết, hơn 4 thế kỷ trước, Chánh đề lãnh, Vũ sơn hầu Huỳnh Công Thiệu, là tướng dưới quyền và là đồng hương của Chúa Nguyễn Hoàng, ở huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Trong công cuộc mở mang, khai phá đất phương nam, cụ được chúa Nguyễn giao trọng trách trấn thủ vùng đất phủ Tư Nghĩa. Cụ chiêu mộ hàng nghìn lưu dân cùng binh sĩ khẩn hoang, lập nên những xóm làng trên vùng đất mới.
Thuở ấy, nơi đây rất hoang vu với đất đai sình lầy và ẩm thấp, um tùm lau sậy, là nơi trú ngụ của rắn rết cùng nhiều loài dã thú hại người. Cụ cấp phát lương thực cho lưu dân đủ ăn để khuyến khích họ chung sức cùng binh sĩ mở mang vùng đất mới. Sau những tháng ngày nhọc nhằn khai phá, hơn 2.000 mẫu đất được cấp toàn bộ cho dân, khiến mọi người vui vẻ, ra sức cấy cày.
Cụ tổ chức “đào xẻ khe ngòi”, tạo nên hệ thống kênh mương dẫn thủy nhập điền, phục vụ tưới tiêu cho nhiều xứ đồng. Dòng nước trong xanh từ dòng sông Trà Câu tưới mát cho cho những cánh đồng lúa xanh mướt. Vùng đất sình lầy thành ruộng đồng cò bay thẳng cánh đem lại những mùa vàng trong mắt bao phận đời lam lũ. Lưu dân quần cư thành những xóm làng kéo dài từ phía nam sông Trà Câu đến đèo Bình Đê, giáp ranh tỉnh Bình Định.
Sông Trà Câu giờ vẫn xuôi dòng bên những làng quê đôi miền xuôi – ngược. Trên sông đôi chiếc thuyền con với ngư dân miệt mài buông – kéo lưới. Những bãi cát trắng phau phơi mình trong mùa cạn và chìm sâu trong nước ngày mưa lũ. Đôi bờ đê cỏ mọc lơ thơ oằn mình chống đỡ dòng nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về. Cư dân trong làng í ới gọi nhau đi cứu đê, bóng người nhạt nhòa trong mưa gió.
3. Sông Thoa, chi lưu của dòng Vệ giang, khởi nguồn giữa hai huyện Nghĩa Hành và Mộ Đức. Khi vào địa phận Đức Phổ, sông góp thêm nước của cả ba dòng Trà Câu, sông Trường và Lò Bó trước khi ra biển nên được xem là sông mẹ. Cuối dòng là làng chài Hải Tân, xã Phổ Quang và Khánh Bắc, xã Phổ Vinh với sau lưng là sông nước trôi xuôi, trước mặt là biển đêm ngày rì rào sóng vỗ. Cư dân trong làng bao đời cưỡi sóng vươn khơi hay với chiếc thuyền nhỏ cần mẫn chài lưới đánh bắt cá tôm trên sông.
Quăng chài bắt cá trên sông Thoa |
Sông Thoa mùa cạn như dải lụa mềm xanh màu da trời lấp lánh cát vàng dưới đáy lẫn bóng mây trắng lướt bay trong nắng chiều. Sông lững lờ trôi giữa đôi bờ phủ bóng tre xanh mướt, thổi gió mát rượi vào những ngôi nhà mái ngói rêu phong qua bao kiếp người. Có những đoạn, sông êm đềm uốn lượn bên cánh đồng lúa cùng với những vườn cây trái sum suê.
Sớm mai, những chiếc thuyền nhỏ của dân chài lướt nhẹ trên sóng nước. Nhịp gõ vào mạn thuyền trong sương sớm làm giật mình những cánh chim ngái ngủ vụt cánh bay từ những bụi cây ven bờ. Sản vật của dòng sông theo các mẹ, các chị lên chợ, vào bữa cơm của những gia đình vùng cao. Đổi lại là tương cà, rau quả cho bữa ăn hàng ngày, dăm miếng kẹo đậu phộng, vài chiếc bánh tráng cho con trẻ.
Lũ về, nước sông chuyển sang màu nâu non, chở nặng phù sa từ núi non miền thượng vun đắp cho những cánh đồng, bờ bãi trước khi đổ ra biển lớn. Người dân í ới gọi nhau dùng gàu giây, gàu sòng, máy bơm để chống úng cho lúa và hoa màu. Những xóm làng vùng trũng, người dân lo thu vén, kê cao đồ đạc tránh lũ, lùa trâu, bò, heo, gà đến gửi nhờ nhà người quen ở nơi cao ráo.
Mùa lũ cũng là mùa cá về. Cá theo nước lên đường làng, vào tận vườn nhà đùa giỡn, khoe mẽ lôi cuốn bạn tình để sản sinh ra thế hệ nối tiếp. Những con chép, trắm cỏ, trôi, mè phơi lưng trên lạch nước cạn như mời gọi người đổ xô ra khỏi nhà dùng tay bắt cá trong tiếng reo hò đầy phấn khích. Trên những cánh đồng vừa thu hoạch, nhiều người dùng nơm, dó, giăng lưới bắt cá đẻ trên ruộng.
Những con thuyền chở đầy cá lướt nhanh trên sóng nước cho kịp buổi chợ mai. Mớ tôm, cá làm quà cho người thân và nhận lại trái đu đủ xanh, nắm rau hái vội cho mâm cơm “thêm xanh’ trong mùa lũ.
Sông hiền hòa trong mùa cạn và dữ dội trong mùa lũ, dòng nước vẫn cứ xuôi về biển. Sản vật của dòng sông là nhịp cầu nối giữa người với người, san sẻ cho nhau khó khăn, vất vả, như sợi tơ kết nối những tấm lòng. Bến nước, bãi tắm tuổi thơ luôn ẩn hiện trong ký ức mỗi người giữa bộn bề lo toan. Những bến đò tíu tít tiếng cười nói của con trẻ đón mẹ chợ xa trở về với dăm viên kẹo ngọt lịm cả tuổi thơ.
Những bến đò năm xưa tiễn người thanh niên lên đường ra trận, tiễn chân người con tha hương ra đi trong luyến nhớ. Bờ tre rủ bóng mát ven bờ là nơi nghỉ chân của người làng giữa trưa nắng, nơi hò hẹn để trai gái bén duyên vợ chồng. Những chuyến đò ngang, những chiếc cầu gỗ mỏng manh bắc ngang dòng sông gắn kết tình cảm đôi bờ càng thêm bền chặt. Sớm mai, nhịp cầu gỗ đón bước chân rập rình của đoàn người đưa rước dâu, những thanh gỗ kẽo kẹt tiễn đưa người con gái sang bên kia sông về nhà chồng.
Cừa biển Mỹ Á, nơi 4 dòng sông chung dòng nước đổ ra biển |
Ôi! Sông quê yêu dấu. Những tên sông: Trà Câu, Lò Bó, sông Trường, sông Thoa in đậm trong tâm thức của bao người con tha hương luôn thao thiết tìm về.
Bài, ảnh: Trang Thy