Bình yên một góc trời Kon Tum

08:08, 13/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuối tháng 7, miền Trung đầy nắng gió, nhưng đến Kon Tum bạn như lạc vào nơi gió núi mây ngàn và khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Những ngôi nhà rông, những di tích lịch sử cách mạng luôn hấp dẫn du khách…

Vượt đèo Viôlắc bồng bềnh mây trắng  

 Từ Quảng Ngãi vượt qua đèo Viôlắc hùng vĩ có độ cao khoảng 1.300m so với mực nước biển với những cung đường đèo dốc quanh co là đã vào địa phận tỉnh Kon Tum. Từ trên đỉnh đèo phóng tầm mắt ra xa thấy quang cảnh thật thú vị. Phía sườn đông của đèo nắng vàng rực rỡ, bên tây mây bay la đà. Khí hậu bắt đầu se lạnh. Nhìn lại con đường vừa mới chinh phục chỉ thấy những viền trắng như tấm lụa mềm uốn lượn ôm lấy các triền đồi phía Đông Trường Sơn. Xa xa, dưới thung lũng, những cánh đồng vào mùa thu hoạch vàng óng chạy dọc theo triền sông. Những ngôi nhà sàn nằm rải rác lưng chừng núi. Những khu rừng nguyên sinh trùng trùng, điệp điệp có nhiều loại gỗ quý trải dài hun hút như mê hoặc du khách...

Tiếp nối xã Hiếu của huyện Kon Plong là đèo Măng Đen. Tuy không quanh co như đèo Viôlắc, nhưng đèo Măng Đen cũng hấp dẫn nhiều người muốn khám phá thiên nhiên hùng  vĩ.

Hồn Tây Nguyên

 Thành phố Kon Tum như Đà Lạt thu nhỏ, với những ngôi biệt thự nghỉ dưỡng xinh xắn. Hồn Tây Nguyên được hiện ra qua những nếp nhà sàn. Mới 6 giờ chiều, trời chập choạng tối, phố xá hiện ra lung linh bên bờ sông Đăkbla. Trời se lạnh và mưa lấm tấm. Những quán xá lung linh ánh điện. Những bản tình ca Tây Nguyên dìu vợi, như rượu cần chưa uống đã say!

 

Du khách tham quan nhà thờ gỗ Kon Tum.
Du khách tham quan nhà thờ gỗ Kon Tum.


Trên ngã rẽ các đường phố, đồng bào Ba Na mang măng le, ốc suối, rau rừng... bày bán ven đường. Như nhiều thành phố ở Tây Nguyên, TP. Kon Tum đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, buôn bán xen lẫn với người Kinh. Đồng bào vẫn giữ nguyên bản sắc của dân tộc mình, nên bên cạnh những ngôi nhà kiên cố với kiến trúc hiện đại, đây đó còn xen lẫn những nếp nhà sàn, nhà rông khá đẹp mắt.

 Phía tây của thành phố là dòng sông Đăkbla mùa này nước chảy êm đềm. Ngắm nhìn sông bạn sẽ cảm nhận sự  yên bình. Đi ngược dòng sông đến địa phận Kon KLor, bạn có thế tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhà rông to nhất nhì Tây Nguyên; hoặc có thể thong dong thả bộ trên cầu treo vượt sông Đăkbla, ngắm những ruộng mía ngút ngàn. Vượt qua cầu treo, bạn sẽ đặt chân đến làng dân tộc BaNa, có thể tìm hiểu đời sống, sinh hoạt của người dân...
 
Sau khi tham quan, bạn có thể quay ngược về thành phố thưởng thức những món đặc sản Kon Tum. Ngoài các món ăn đặc trưng của Tây Nguyên như cơm lam, thịt nướng, cá suối, rau rừng, thịt rừng… còn có một món đặc trưng của Kon Tum mà bạn không nên bỏ qua là món gỏi lá. Nó gồm hơn 30 loại lá rừng, thịt heo luộc thái sợi to, tôm luộc, một ít hạt tiêu xanh, ớt và mẻ, một thứ gia vị ăn kèm có vị rất lạ, tạo ra hương vị của món ăn, cho vào cuốn luôn chứ không cần nước chấm. Về đêm, bạn có thể đến quảng trường dùng món thịt trâu nướng; hay đến đường Trần Quang Khải dùng thịt rừng, cháo chim câu, phở khô, bánh bèo nhân tôm, xôi chiên; đến công viên Trần Phú ăn vịt trộn, bánh bột lọc…

Những điểm du lịch hấp dẫn

Đến Kon Tum vào tháng 7, một điểm đến không thể bỏ qua là ngục Kon Tum. Từ đường Phan Đình Phùng, TP. Kon Tum, đi về hướng tây nam khoảng 1km, di tích lịch sử Quốc gia ngục Kon Tum hiện lên với những hàng bách, xà cừ cao vút. Nhà ngục được thực dân Pháp xây dựng để giam giữ tù chính trị, các chiến sĩ cách mạng của ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Từ nơi đây, du khách sẽ được tham quan quần thể di tích, bao gồm nhà tưởng niệm, nhà truyền thống, nhà đón tiếp, cụm “Tượng đài bất khuất"...

Sau đó, theo chỉ dẫn của người dân địa phương bạn có thể đến các điểm nhà thờ gỗ, Tòa Giám mục và nhà rông Kon Klor. Đây là những tòa nhà có kiến trúc giao hòa giữa phương Tây và phong cách mạnh mẽ, mộc mạc của kiến trúc dân tộc Ba Na. Nhà rông Kon Klor rộng lớn, thu hút mọi sự chú ý với kiến trúc độc đáo. Nếu có thời gian bạn nên đến các ngôi đình làng nằm trong lòng thành phố như Lương Khế, Trung Lương, Võ Lâm, hoặc các điểm di tích lịch sử nằm rải rác ở các huyện, xã. Nơi đây là dấu tích của những trận chiến đấu oanh liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên con đường Trường Sơn huyền thoại.


        Bài, ảnh: MAI HẠ

 


CÁC TIN KHÁC
.