Giải pháp nào cho việc hạn chế khiếu nại, tố cáo của công dân

10:04, 06/04/2013
.

(QNg)- Thời gian qua, tình hình phát sinh khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trên địa bàn tỉnh ta diễn biến phức tạp. Trong đó có nhiều yếu tố gay gắt từ các vụ khiếu nại, tranh chấp đông người.

Dù có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa phát sinh và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc thuộc thẩm quyền, nhưng lượng đơn, thư phát sinh trong năm 2012 vẫn tăng 24,5% so với năm 2011.

Khiếu nại, tố cáo gia tăng, vì sao?

Tổng số đơn thư phát sinh trong năm 2012 là 7.426 đơn (có 136 đơn của năm 2011 chuyển qua). Trong đó, có 53,1% số lượng đơn không đủ điều kiện để xử lý. Điều này chứng tỏ người khiếu nại chưa nắm rõ quy định của pháp luật. Đơn khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chiếm 80% tổng số đơn phát sinh. “Khiếu nại chủ yếu liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; khiếu nại việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ trái pháp luật, tranh chấp đất...”- ông Phí Quang Hiển- Phó GĐ Sở TN&MT tỉnh cho biết. Còn đơn tố cáo tập trung vào lĩnh vực hành chính, đối tượng bị tố cáo là cán bộ, công chức ở cấp xã, huyện với nội dung vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ...

 

Tranh chấp QSDĐ, ông Trịnh Thiên Liên Vũ ở thôn Khánh Lạc, xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa) đã bít lối đi vào nhà bà Hoa. Vụ việc kéo dài nhiều năm qua nhưng chưa được UBND huyện Tư Nghĩa giải quyết dứt điểm.
Tranh chấp QSDĐ, ông Trịnh Thiên Liên Vũ ở thôn Khánh Lạc, xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa) đã bít lối đi vào nhà bà Hoa. Vụ việc kéo dài nhiều năm qua nhưng chưa được UBND huyện Tư Nghĩa giải quyết dứt điểm.


Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Phí Quang Hiển nhận định: Công tác quản lý đất đai của tỉnh còn nhiều yếu kém, tồn tại do lịch sử để lại. Hồ sơ địa chính không đồng bộ, không chính xác, không đầy đủ cơ sở pháp lý, phát sinh những khiếu nại, tranh chấp gay gắt, phức tạp, khó giải quyết, nhất là tranh chấp đất đai giữa những người thân, trong gia đình, dòng họ. Một số cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý đất đai đã thực hiện không tốt nhiệm vụ được giao, thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền...Mặt khác, tỉnh ta đang trong quá trình chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị nên phải thu hồi đất với diện tích lớn. Trong khi đó, chính sách pháp luật về thu hồi đất còn bất cập. Các quy định càng về sau càng có lợi hơn cho người thu hồi đất, dẫn đến hình thành tâm lý khiếu nại kéo dài trong cộng đồng về thu hồi đất để hưởng lợi khi chính sách thay đổi. Một bộ phận người dân bị đối tượng xấu kích động dẫn đến phát sinh đơn khiếu nại làm cho tình hình phức tạp.

Vấn đề công khai minh bạch trong quản lý hành chính cũng chưa tốt, người dân thiếu thông tin rõ ràng. Nhiều cơ quan và người đứng đầu cơ quan chưa làm hết trách nhiệm trong tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Hiện còn trên 40 quyết định giải quyết và văn bản xử lý chưa được các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ và dứt điểm. Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Đức Phổ là những địa phương có nhiều quyết định giải quyết bị Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đình chỉ hoặc huỷ bỏ quyết định. Đây cũng là nguyên nhân làm phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo. Cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp còn thiếu, chuyên môn yếu và phẩm chất đạo đức một bộ phận có vấn đề; một số nơi còn đùn đẩy trách nhiệm giải quyết.

Đâu là giải pháp?

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tuy có chuyển biến, song so với bình quân của cả nước thì tỷ lệ giải quyết đạt vẫn còn thấp. Kết quả giải quyết ở cấp tỉnh đạt 88% (năm 2011 là 85%). Tỷ lệ giải quyết ở cấp huyện, thành phố đạt 74%, tăng 10% so với năm 2011, nhưng giải quyết tố cáo chỉ đạt 58% (giảm 5% so với năm 2011). Hiện toàn tỉnh có khoảng 28 vụ khiếu nại tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm nay. Điều này cho thấy, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cơ sở đến tỉnh.

Theo lãnh đạo Phòng PA 88- Công an tỉnh, giải pháp có tính chất quyết định là tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao trình độ chính trị, quản lý nhà nước và coi trọng phẩm chất đạo đức cán bộ chủ chốt, nhất là cán bộ cơ sở. Khi xảy ra các vụ tranh chấp, khiếu kiện đông người có tính chất phức tạp thì phải kịp thời tổ chức tiếp nhận đơn thư khiếu nại và trực tiếp đối thoại với người khiếu kiện để đưa ra cách giải quyết thoả đáng. Chỉ đạo và yêu cầu chính quyền cấp huyện, thành phố và cơ sở phối hợp tham gia giải quyết và nhận diện đối tượng quá khích, cầm đầu để cơ quan công an chủ động có biện pháp khống chế, xử lý tình hình diễn biến phức tạp có thể xảy ra.

Ông Phí Quang Hiển nhấn mạnh thêm, hoàn thiện hệ thống dữ liệu về đất đai và sớm đưa vào phục vụ quản lý đất đai  trên địa bàn tỉnh cũng là giải pháp hạn chế phát sinh tranh chấp, khiếu nại về đất đai. “Thủ trưởng các cơ quan phải chủ động xem xét, chịu trách nhiệm giải quyết từng vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai một cách kịp thời, dứt điểm và công khai kết quả giải quyết, không để khiếu kiện vượt cấp”- ông Hiển nói. Tỉnh cũng cần sớm ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 312 ngày 7/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 39 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với quyết định hành chính về đất đai. Tập trung chỉ đạo kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài; xử lý các vụ việc mới phát sinh, nhất là các điểm nóng, phức tạp, khiếu nại đông người. Bố trí cán bộ tiếp dân, thanh tra, quản lý đất đai có trình độ chuyên môn, am hiểu pháp luật.
 

*Đồng chí Cao Khoa- Chủ tịch UBND tỉnh “Phải chủ động đối thoại với công dân”
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn theo trách nhiệm, thẩm quyền phải làm thật tốt công tác tiếp công dân, đối thoại với công dân khi xảy ra vụ việc. Chủ động xem xét từng vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai; giải quyết kịp thời, dứt điểm, công bố công khai kết quả giải quyết, không để khiếu kiện vượt cấp, hình thành khiếu nại đông người, diễn biến phức tạp. Ưu tiên tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tranh chấp đất đai phức tạp có yếu tố cộng đồng, họ tộc. Tạo điều kiện để Thanh tra nhân dân, Hội nông dân hoạt động, tham gia cùng chính quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân theo đúng Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời giải quyết và trả lời kiến nghị của Thanh tra nhân dân theo đúng quy định pháp luật.

*Ông Nguyễn Tăng Bính- Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi “Phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”
Thành phố xác định, công tác ngăn ngừa, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Cụ thể là, mỗi CB,CCVC của thành phố, nhất là ở xã, phường; Phòng TN&MT, Phòng Đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ, Phòng Quản lý Đô thị,… phải nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Làm tốt điều này thì không cớ gì dân phải đi khiếu nại. Cán bộ nào sách nhiễu, gây phiền hà cho công dân hoặc cố tình làm sai điều bị xử lý. Đối với những vụ việc phức tạp mới phát sinh hoặc tồn đọng kéo dài, Thành uỷ chỉ đạo UBND thành phố, các phòng ban chức năng liên quan xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm từng vụ việc.
 
*Ông Võ Việt Chính- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh “Để Hội Nông dân ngoài cuộc khó giải quyết thành công”
Các cấp uỷ đảng, chính quyền phải nhận thức đúng và thực hiện đầy đủ Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Kết quả của việc giải quyết phụ thuộc vào năng lực và trách nhiệm của cán bộ cơ sở; cấp tỉnh, cấp huyện chỉ là trung gian hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc. Do đó, cần tập trung nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng hoà giải cho cán bộ cơ sở; chú trọng đến đội ngũ cán bộ cốt cán trong các tổ chức hội đoàn thể, người có uy tín, già làng, trưởng bản… Nhưng đồng thời phải có chế độ bồi dưỡng đối với những người này. Cần tập trung tuyên truyền pháp luật cho hội viên, nông dân; xây dựng CLB pháp luật, tủ sách pháp luật cho nông dân.

*Ông Nguyễn Trung Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa “Quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập”
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà đất, xây dựng, khoáng sản, môi trường, chính sách xã hội còn nhiều sơ hở nhưng chậm chấn chỉnh, khắc phục. Việc ban hành, thực hiện các quy hoạch, các quyết định hành chính của cơ quan hành chính còn bất cập. Nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, không hiểu rõ các chủ trương, chính sách và giải quyết của cơ quan hành chính, bị đối tượng xấu xúi giục phát sinh đơn khiếu nại, đòi hỏi không đúng pháp luật.

*Ông Nguyễn Chí Tuyển- Trưởng Ban Dân chủ pháp luật-UBMTTQVN tỉnh “Ban Thanh tra nhân dân chưa được quan tâm đúng mức”
Việc bố trí kinh phí cho Ban Thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn hàng năm quá thấp (2 triệu đồng/Ban/năm) nên ảnh hưởng nhất định đến việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Mức kinh phí hợp lý ở đây phải là từ 5- 6 triệu đồng/năm. Nhận thức của một số cấp uỷ đảng, chính quyền ở cơ sở về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân chưa rõ dẫn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thiếu cụ thể; chưa tạo điều kiện thuận lợi để Ban Thanh tra nhân dân hoạt động và xem xét, giải quyết kịp thời các yêu cầu, kiến nghị của nhân dân theo luật định.

 

 

PV


.