Khởi nghiệp với nghề nấu rượu cần

02:01, 20/01/2023
.

(Baoquangngai.vn)- “Từ lâu, rượu cần gắn bó mật thiết với đời sống hằng ngày của cộng đồng người Hrê. Có rượu cần, ngày vui của mỗi gia đình, mùa Xuân của đất trời trở nên rộn ràng, tươi vui hơn. Là một người con Hrê, tôi khát khao xây dựng một thương hiệu rượu cần đặc sản cho người Hrê ở Ba Tơ, gìn giữ những giá trị truyền thống lâu đời của đồng bào mình. Vì lẽ đó, rượu cần Hrê mang thương hiệu Green Food ra đời”, anh Phạm Xuân Sang (37 tuổi), ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ), mở đầu câu chuyện về rượu cần với du khách tham quan cơ sở.

Từ câu chuyện về rượu cần

Vừa đi dạy học ở Trường TH&THCS Ba Nam về, anh Sang xắn tay áo, tất bật chuẩn bị cho đợt hàng cuối cùng, phục vụ thị trường tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Bận rộn, không kịp ăn uống nhưng anh lúc nào cũng phấn khởi, khi 600 ché rượu nấu bán trong dịp Tết được tiêu thụ nhanh chóng. Hiện chỉ còn khoảng 100 ché nhưng đều đã có đơn đặt hàng. “Nhiều khách hàng ở các địa phương khác như huyện Trà Bồng, TP.Quảng Ngãi hay các tỉnh, thành phố lớn như Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh cũng trực tiếp đến mua về vì sợ hụt hàng. Được thị trường đón nhận, chúng tôi luôn cố gắng vì Tết là cơ hội để quảng bá cho sản phẩm. Thấy ngon, năm sau khách hàng còn tìm đến”, anh Sang nói.

Anh Phạm Xuân Sang giới thiệu rượu cần đến du khách.
Anh Phạm Xuân Sang giới thiệu rượu cần đến du khách.

Anh Sang là người am hiểu tường tận những câu chuyện về văn hóa rượu cần của người Hrê. Nó dường như thấm sâu vào máu thịt. Anh cho hay, đồng bào Hrê ở Ba Tơ có truyền thống nấu rượu cần (Cajoh) từ lâu đời. Ngày Tết, cúng giỗ hay sinh hoạt cộng đồng, họ đều chế biến, quây quần bên ché rượu. May mắn của tôi là có nhiều năm gắn bó, làm việc ở xã Ba Nam. Tại vùng đất này, các giá trị văn hóa truyền thống của người Hrê, trong đó có công thức làm nên rượu cần vẫn còn giữ vẹn nguyên.

Anh Sang quả quyết rằng, rượu cần do người dân ở đây làm ra thơm ngon và hảo hạng nhất. Điều làm nên sự khác biệt xuất phát từ một loại men tự nhiên được làm từ hỗn hợp vỏ của một rể cây (người địa phương thường gọi là cây Vlo), cùng lá trầu, củ riềng, gừng, lúa nếp rẫy trộn lẫn với nhau. Hỗn hợp này được vo thành từng bánh, đem phơi nắng trong vài ngày; cất lên giàn bếp, hong khô, tạo nên một hương vị đặc trưng riêng. Ở Ba Nam, làng nào cũng biết chế biến loại men này để nấu rượu như một nghề truyền thống. Tiêu biểu nhất là Làng Dút, đến nay vẫn còn 20 hộ dân gắn bó với công việc này thường xuyên. Tôi đã học được nghề nấu rượu cần từ chính người dân địa phương. 

Hỗn hợp
Hỗn hợp men để nấu rượu cần.

Với mong muốn người dân và du khách đến với Ba Tơ sẽ có một sản phẩm đặc trưng của địa phương mang về làm quà biếu cho người thân và bạn bè, anh Sang thành lập Hộ kinh doanh Green Food, cùng 4 người bạn khác là giáo viên, công chức, người làm tự do cùng nhau hợp sức, khởi nghiệp đưa rượu cần ra thị trường, phục vụ du lịch. Trước đó, cả nhóm cũng rất thành công với dịch vụ Green Camp, chuyên cho thuê đồ cắm trại, tổ chức các chuyến dã ngoại tại thảo nguyên Bùi Hui.

“Năm 2019, chúng tôi làm chỉ có 50 ché thử nghiệm. Những mẻ rượu đầu tiên còn nhiều thiếu sót, không được thơm ngon nhưng cả nhóm không nản chí. Dần dà, cả nhóm cũng rút ra kinh nghiệm để nấu rượu ngon hơn. Sau này, khi mang rượu về Ba Nam mời già làng thưởng thức, ai cũng tấm tắc khen ngợi, đúng vị, chúng tôi biết rằng mình đã thành công. Cứ thế, những cái Tết sau đó, số lượng bán ra đều cao gấp nhiều lần”, anh Sang phấn khởi chia sẻ.

Người dân chế biến men rượu cần.
Người dân chế biến men rượu cần.

Rượu cần ngon là loại giữ được hương vị truyền thống. Khi vít cần, mọi người cảm nhận được hương vị hơi cay cay, đắng nồng, có chút nhẫn, chua, ngọt… Còn muốn bán chạy, hương vị phải phù hợp với đại đa số khách hàng, bớt đắng nồng. Để có được 2 tiêu chí này, đòi hỏi quy trình sản xuất, chế biến khá công phu. Anh Sang đã đúc kết cho mình những bí quyết riêng. Nào là, cơm rượu không được nấu quá chín nhưng không được quá sống. Cơm nấu xong để nguội ở một nhiệt độ nhất định, không được quá nóng nhưng cũng không quá nguội. Sau đó, lấy cơm mang ra trộn với men tự nhiên theo một tỷ lệ phù hợp, bỏ vô ché, đậy nắp kín, để lên men trong khoảng 15 - 20 ngày là sử dụng được. Khuyến cáo sử dụng ngon và đảm bảo nhất trong vòng 6 tháng.

“Sứ giả” văn hóa, du lịch

Rượu cần Hrê mang thương hiệu Green Food không chỉ để lại ấn tượng ở chất lượng thơm ngon mà từng ché rượu trao tay khách hàng là một sản phẩm chỉn chu, tinh tế. Từ ché rượu, bao bì, nhãn mác, cho đến cần vít rượu đều gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, mang đậm nét văn hóa vùng cao. Mỗi ché có dung tích từ 4 - 8 lít, có giá từ 200 - 300 nghìn đồng. Sản phẩm hiện đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Rượu cần Ba Tơ”; các chứng nhận kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm…

“Ba Tơ là vùng đất có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Chúng tôi là những người trẻ tiên phong trong kết nối, đưa du khách về với Ba Tơ. Điều chúng tôi khát khao nhất, không chỉ xây dựng thương hiệu để khởi nghiệp làm giàu, mà mỗi ché rượu cần làm ra đều trở thành “sứ giả” truyền tải những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Hrê. Từ đó mới giúp người dân có thêm khoản thu nhập để trang trải cuộc sống”, anh Sang bày tỏ.

 

Sản phẩm rượu cần mang thương hiệu GreenFood.
Sản phẩm rượu cần mang thương hiệu GreenFood.

 

Anh Phạm Xuân Sang tại cửa hàng trưng bày rượu cần ở đường Phạm Văn Đồng, thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ).
Anh Phạm Xuân Sang tại cửa hàng trưng bày rượu cần ở đường Phạm Văn Đồng, thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ).

Trong năm qua, cùng với việc phát triển sản phẩm, với sự hỗ trợ của những cộng sự, anh Sang tích cực quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường, giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm, các sự kiện lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh. Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ba Tơ Thành Minh Thuận cho biết, hiện nay, đây là sản phẩm đầu tiên, duy nhất ở huyện Ba Tơ được quan tâm đầu tư, hướng dẫn hoàn thiện hơn để trở thành sản phẩm OCOP; góp phần giữ gìn những giá trị truyền thống đặc trưng của người Hrê; phát triển du lịch địa phương trong thời gian đến.

Bài, ảnh: THIÊN HẬU - THỦY TIÊN

 


.