Mùa lúa trên non

08:06, 27/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gạo lúa rẫy không chỉ góp phần đảm bảo lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, mà còn là nét văn hóa trong lao động, sản xuất của người dân nơi đây. 
 
Cuối tháng 6, khi những cơn mưa dông về trên vùng cao Quảng Ngãi, đồng bào các dân tộc thiểu số lại lên đồi đốt dọn rẫy để tỉa lúa. Đến tháng Chạp lúa chín vàng, người dân lại mang gùi lên rẫy tuốt lúa đem về hong khô, giã nấu cơm. 
 
Kết nối tình làng  
 
Mùa này, ở các huyện vùng cao, trên các sườn đồi, đồng bào các dân tộc Cor, Ca Dong, Hrê  đốt dọn rẫy sạch sẽ, rồi tỉa lúa rẫy. Những hạt lúa được tỉa xuống đất, gặp mưa dông sẽ nhanh nảy mầm. Các già làng ở xã Sơn Tân (Sơn Tây) cho hay, trước đây, đồng bào sống đời du canh, đến mùa thì đốt rẫy, tỉa lúa. Mùa lúa chín vàng, người dân đi tuốt lúa về đổ vào chòi bên hiên nhà. Có người làm chòi ngay trên rẫy, lúa tuốt xong để vào đó, khi cần thì mang gùi đến lấy. Chẳng ai lấy trộm của ai. Khi Nhà nước thực hiện chính sách định canh định cư, việc đốt rẫy tỉa lúa hạn chế dần. Dẫu vậy, trồng lúa rẫy đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Bây giờ, sau mỗi mùa mưa dông, người dân ở vùng cao lại chọn một khoảnh đất đồi để tỉa lúa.
 
Trồng lúa trên rẫy trở thành nét văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.                            Ánh: Ánh Nguyệt
Trồng lúa trên rẫy trở thành nét văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Ánh: Ánh Nguyệt
Lúa trồng trên rẫy chẳng phải đợi có kênh mương dẫn nước về, không phun thuốc trừ sâu, không bón phân chuồng, phân hóa học. Từ khi tỉa hạt lúa xuống đất, cây nảy mầm vươn lên xanh trong nắng hạn, trong mưa dông ở núi rừng, rồi đơm bông kết hạt. Đến tháng 11, tháng Chạp, vùng cao Quảng Ngãi nhuốm sắc vàng của lúa ở khắp các sườn đồi. Những cô gái người Cor, Ca Dong, Hrê  lưng mang gùi lên rẫy tuốt lúa. Họ cười nói râm ran làm rộn ràng cả triền đồi. Lúa tuốt mang về, trời nắng thì được đem phơi ngoài sân. Có năm mưa dầm gió bấc, người dân sấy lúa bên bếp lửa hồng cho mau khô. Sau đó, đêm từng đêm nghe nhịp chày giã gạo thình thịch của những trai làng...
 
“Trong định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của huyện Ba Tơ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Ba Tơ chú trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Hrê. Huyện sẽ quy hoạch một số làng còn giữ nguyên giá trị văn hóa ẩm thực, trong đó có ẩm thực gắn với gạo lúa rẫy, cùng với gìn giữ nhà sàn của đồng bào Hrê... để phát triển du lịch cộng đồng”.
Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Ba Tơ
LÊ CAO ĐỈNH

Tôi đã nhiều lần về vùng cao Quảng Ngãi trong dịp tết Ngã rạ mừng mùa lúa mới. Đàn ông trong làng ra sông, ra suối đánh bắt cá niên, rồi bắt con cheo, con chuột trên rừng về làm cỗ cúng Giàng. Phụ nữ thì nấu cơm lúa rẫy, lấy nếp rẫy gói bánh để cúng. Cúng xong, người dân trong làng cùng nhau ăn uống. Hạt cơm lúa rẫy no tròn, thẫm màu được ăn với muối mè đen rất thơm ngon.  

 
Đồng bào dân tộc Hrê ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà còn dùng lúa rẫy nấu cơm, sau đó trộn với men cây rừng, rồi ngâm ủ thành rượu cần. Mỗi dịp Tết, lễ hội, người dân trong làng ngồi quây quần bên ché rượu cần được làm từ gạo lúa rẫy bay mùi thơm phức. Rồi trong âm vang của tiếng chiêng, những cô gái hát điệu ca lêu, ca choi gợi tình... Cứ thế, mọi người vui ca thắm tình đoàn kết. 
 
Gìn giữ nét đẹp văn hóa
 
Bây giờ, cây keo mang lại giá trị kinh tế nên hầu hết trên các triền đồi phủ màu xanh của keo. Dẫu vậy, trên những cánh rừng bạt ngàn màu xanh ấy vẫn chen những vạt lúa rẫy. Tại xã Ba Nam (Ba Tơ), bên cạnh trồng cây keo, nhiều người dân vẫn để lại một khoảnh đất đồi để trồng lúa rẫy. Mùa lúa rẫy năm nay, người dân trong xã đã gieo được hơn 200ha, tăng hơn 30ha so với các năm trước.
 
Theo Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Ba Tơ Lê Cao Đỉnh, từ xa xưa, đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ có truyền thống trồng lúa rẫy. Đối với họ, lúa rẫy không chỉ là cây lương thực mà còn là nét văn hóa cần phải được giữ gìn. Hạt lúa rẫy còn chứa đựng ân tình cưu mang, san sẻ cho nhau trong mùa giáp hạt...
 
Xã hội phát triển, người dân ở vùng cao đã biết trồng lúa nước, đời sống ngày càng được cải thiện, nhưng hạt gạo lúa rẫy vẫn hiện diện trong mỗi nếp nhà. Đối với họ, trồng lúa rẫy đã trở thành nét văn hóa truyền thống, gắn liền với những giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu. Vì vậy, cứ đến mùa tháng 5, tháng 6, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao lại trồng lúa rẫy. Mỗi buổi chiều, trời đổ mưa dông, cứ như vậy ngày qua ngày, cây lúa trên non vươn mình lên xanh, tiếp tục hứa hẹn một mùa no đủ.
 
ÁNH NGUYỆT
 

.