Chứng tích Hoàng Sa được giữ gìn cẩn trọng

05:10, 17/10/2009
.

Nhà bảo tàng Hoàng Sa - Bắc Hải bị hư hỏng do bão số 9 nhưng bức tượng người chiến binh Hoàng Sa vẫn sừng sững như bàn thạch.
 
Sừng sững tượng đài Hải đội Hoàng Sa (ảnh: Trí Nguyễn)
Sừng sững tượng đài Hải đội Hoàng Sa (ảnh: Trí Nguyễn)
Sau bão số 9, cùng với nhiều ngôi nhà cổ và di tích lịch sử khác trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nhà thờ tộc Phạm Văn, trong đó thờ vị chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa - ông Phạm Hữu Nhật đã bị đổ nát. Ông Phạm Hữu Nhật, tên húy là Phạm Văn Triều, sinh năm 1804 và mất năm 1854, là người từng được vua Minh Mạng sắc phong: “Trung can huyền nhật nguyệt, nghĩa khí quán càn khôn” (Lòng trung sáng tỏ tựa mặt trời mặt trăng, nghĩa khí bao trùm cả trời đất).

Ông Phạm Văn Đoàn, hậu duệ của Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, người trông coi nhà thờ này, cho biết khi bão vào ông chỉ kịp cứu được hộp đựng gia phả của dòng họ, trong đó có tên tuổi của ông Phạm Hữu Nhật. Trong hộp gia phả còn nhiều tên tuổi khác của những người trong dòng họ đi lính Hoàng Sa. Trong nhà thờ này, tấm bản đồ An Nam Đại quốc họa đồ của một giám mục người Pháp có nội dung khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa được treo tại vị trí trang trọng nhất cũng bị ngã úp xuống nền đất ướt sau cơn bão dữ…

Sau khi tu sửa xong, ông Đoàn đã mời dòng họ đến tổ chức làm lễ để ngôi nhà thờ lại tiếp tục trở nên ấm cúng như xưa. Những người trong dòng họ đều có một niềm tin sâu xa: Đối với các bậc tiền nhân ra trấn giữ Hoàng Sa năm xưa, con cháu phải luôn thể hiện lòng thành kính.

Bão số 9 cũng làm tốc ngói nhà thờ Phạm Quang Ảnh, Đội trưởng thủy quân Hoàng Sa, người được vua Minh Mạng sắc phong Thượng đẳng thần. Ngoài ra, nhà bảo tàng Hoàng Sa - Bắc Hải cũng bị hư hỏng, tất cả ngói phía mái trước đều bị tốc. Duy chỉ có bức tượng người chiến binh Hoàng Sa là vẫn sừng sững như bàn thạch, mắt sáng quắc, tay chỉ thẳng ra hướng biển Đông./.

Theo Pháp luật TPHCM

 


.