Cần tăng cường công tác an ninh, an toàn NMLD Dung Quất

01:03, 21/03/2012
.

(QNg)- NMLD Dung Quất đưa vào vận hành, cho ra dòng sản phẩm đầu tiên vào năm 2009, với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất 6,5 triệu tấn/năm, đáp ứng trên 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong cả nước. Đây là công trình an ninh quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. Tuy nhiên, sau 4 năm đi vào hoạt động, NMLD Dung Quất vẫn còn một số bất cập trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn nhà máy.  

TIN LIÊN QUAN


Cháy nổ luôn rình rập bồn chứa sản phẩm và 7 km tuyến ống dẫn dầu

Suốt chiều dài 7km tuyến ống dẫn dầu và bồn chứa sản phẩm NMLD Dung Quất đi qua hai xã Bình Trị và Bình Thuận (Bình Sơn) luôn đối diện mối nguy hiểm cháy, nổ bởi rừng dương và keo nằm sát bên cạnh. Anh Khương Lê Thành - Trưởng phòng An toàn môi trường NMLD Dung Quất cho biết: Hành lang an toàn hiện nay giữa tuyến ống dẫn dầu và rừng dương, keo của nhân dân là 22 mét.

Ngư dân vào cảng xuất sản phẩm đánh bắt hải sản.
Ngư dân vào cảng xuất sản phẩm đánh bắt hải sản.


Tuy nhiên, nếu theo quy định ở công trình trọng điểm về an ninh quốc gia thì hành lang an toàn này phải đảm bảo khoảng cách là 500 mét. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn như hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy ở các khu rừng dương và keo là điều có thể xảy ra. Với khoảng cách hành lang an toàn chỉ 22 mét như hiện nay thì công tác đảm bảo an toàn cho tuyến ống dẫn dầu rất khó khăn. Đặc biệt là khu rừng keo ở núi Nam Châm, thuộc xã Bình Thuận. Khu rừng này nằm ngay sát các bồn chứa sản phẩm lớn NMLD Dung Quất. Theo chính quyền địa phương đây là rừng phòng hộ do Nhà nước quản lý, tuy nhiên người dân khai thác cây dương và keo vẫn diễn ra thường xuyên ở khu vực này. Việc khai thác bừa bãi không theo quy trình, quy định dễ dẫn đến nguy cơ cháy lan sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các bồn chứa sản phẩm.  

Ông Đinh Văn Ngọc - Phó trưởng Ban Quản lý Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết: Gần 4 năm qua, ở khu vực rừng nằm sát tuyến ống đã xảy ra gần chục vụ cháy lớn và nhỏ. Cách đây không lâu, 5 héc ta rừng ở xã Bình Thuận (Bình Sơn) cũng đã xảy ra cháy, lực lượng PCCC NMLD Dung Quất kịp thời triển khai hết lực lượng khống chế đám cháy không để cháy lan sang khu vực tuyến ống. Để đảm bảo tuyến ống dẫn dầu và bồn chứa sản phẩm, chúng tôi bố trí lực lượng bảo vệ chốt và tuần lưu 24/24 trên tuyến ống để kịp thời xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.

Ngư dân vô tư hút thuốc, nấu ăn dưới chân cảng xuất dầu

Trung bình mỗi ngày có đến hàng trăm thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân xâm phạm sâu vào bên trong hành lang an toàn Cảng xuất sản phẩm (Jetty), một số thuyền ngư dân tiến sát gần tàu nhận sản phẩm như (xăng, dầu, khí hóa lỏng...) của NMLD Dung Quất để đánh bắt hải sản và neo đậu, rất dễ xảy ra va chạm và cháy nổ. Lực lượng của NMLD Dung Quất vận động ngư dân điều khiển phương tiện ra khỏi hành lang an toàn, nhưng hầu hết đều không tuân thủ. Anh Khương Lê Thành cho biết thêm, ngư dân vào dưới chân cảng xuất sản phẩm vừa đánh bắt hải sản, vừa hút thuốc và dùng bình gas nấu ăn, rất nguy hiểm về cháy, nổ. Vì mỗi ngày xuất vài chục ngàn m3 dầu, việc sinh hoạt của ngư dân như thế chẳng khác nào "lửa gần rơm". Nguy hiểm hơn, nếu để tình hình này kéo dài có thể tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dung trà trộn phá hoại hay gây rối trật tự công cộng, gây mất an ninh trật tự, an toàn tại khu vực công trình quan trọng này.

Ông Phan Thanh Vĩnh - Phó chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết: Ngay sau khi nhận thông báo từ NMLD Dung Quất, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân, đồng thời lồng ghép tuyên truyền bằng nhiều hình thức để ngư dân nâng cao nhận thức bảo vệ công trình an ninh quốc gia. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chính quyền địa phương cũng kiến nghị cơ quan chức năng cấp trên cần phân luồng, lạch cho các ngư dân hành nghề, bởi đây là nghề truyền thống của họ. Đồng thời tạo điền kiện cho con em họ có việc làm ổn định, thực tế cũng có nhiều người có trình độ nhưng vẫn chưa được sử dụng.


Văn Nam    
 


.