Để phụ nữ tin dùng hàng Việt

10:02, 28/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hội LHPN các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao ý thức tiêu dùng hàng Việt trong hội viên, phụ nữ. 
 
[links()]
 
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp 
 
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, những năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Năm 2022, hội LHPN các cấp trong tỉnh tổ chức 71 đợt tuyên truyền nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, thu hút 1.243 hội viên, phụ nữ tham gia. Có 49 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được hỗ trợ vốn, kiến thức, kết nối sản phẩm, giới thiệu tham quan học tập mô hình. Tiếp nhận gần 50 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh... Đặc biệt, các cấp hội LHPN tích cực hưởng ứng Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) do địa phương phát động. Hội LHPN đã tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất sạch, chế biến sạch và tiêu dùng sạch. 
 
Sản phẩm bánh cuốn mè sản xuất tại cơ sở của bà Đặng Thị Hiện, ở xã Nghĩa Thuận (Tư  Nghĩa) được khách hàng ưa chuộng.                                                                        Ảnh: Trung Ân
Sản phẩm bánh cuốn mè sản xuất tại cơ sở của bà Đặng Thị Hiện, ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Trung Ân
Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, đến nay cơ sở sản xuất bánh truyền thống của bà Đặng Thị Hiện, ở thôn Nam Phước, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) được nhiều người biết đến, cung ứng bánh cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Cơ sở của bà Hiện làm các loại bánh như bánh cuốn mè, bánh mì xốp... Trung bình mỗi tháng, cơ sở của bà Hiện bán hơn 200kg bánh các loại. Sản phẩm bánh truyền thống sản xuất tại cơ sở của bà Hiện được Hội LHPN xã Nghĩa Thuận trưng bày giới thiệu tại Ngày hội “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp”. Qua đó, tạo cơ hội để hội viên, phụ nữ học hỏi phát triển kinh tế, đồng thời quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bà Hiện chia sẻ, tôi muốn nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Tôi nhận thấy tham gia Chương trình OCOP là việc làm cần thiết, nên tôi sẽ liên hệ với chính quyền địa phương, hội LHPN để nhờ hỗ trợ các thủ tục đăng ký sản phẩm. 
 
Mới đây, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo ký chủ nhộng tằm khô và nấm đông trùng hạ thảo ngâm mật ong của Công ty TNHH Nấm Ngọc Bảo Thy, được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Phó Giám đốc Công ty TNHH Nấm Ngọc Bảo Thy Nguyễn Thị Ngọc Sa cho hay, Chương trình OCOP góp phần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Cơ sở đã xây dựng quy trình nuôi cấy khép kín và chế biến các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo. Nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, thương hiệu sản phẩm cũng  được nhiều người biết đến.
 
Thay đổi thói quen tiêu dùng 
 
Cùng với hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, các cấp hội LHPN đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ ưu tiên dùng hàng Việt, không dùng và bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng; hướng dẫn hội viên, phụ nữ nhận biết mã vạch, nhãn mác hàng Việt... Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao ý thức của hội viên, phụ nữ trong việc sản xuất các sản phẩm truyền thống đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng như nem, chả, bánh chưng, bánh tét, cá khô, các loại bánh đậu, bánh nổ, bò khô, mứt gừng, mứt đậu, mứt dừa... Đặc biệt, thông qua việc duy trì và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... giúp hội viên, phụ nữ hình thành thói quen sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh, cũng như tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia mô hình phải luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm để giữ vững niềm tin với người tiêu dùng.
 
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na cho biết, để góp phần nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hội LHPN tỉnh sẽ chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền các nội dung của cuộc vận động đến hội viên, phụ nữ; lồng ghép nội dung cuộc vận động vào các phong trào thi đua và nhiệm vụ của hội. Bên cạnh đó, hội tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; phát huy vai trò của các cấp hội trong việc giám sát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tiếp tục vận động nữ doanh nhân quan tâm phát triển thương hiệu Việt, đầu tư cải tiến kỹ thuật, quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
 
 TRUNG ÂN
 
 

.