Tư Nghĩa: Thuyền đầy ắp cá, ngư dân vẫn khổ

10:08, 07/08/2009
.
(QNg)- Trong lúc giá xăng dầu tăng cao, nhiều chuyến biển của ngư dân lỗ vốn, tàu thuyền phải nằm bờ, thì ngư dân ở các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) lại trúng đậm mùa cá chuồn, cá nục... Nhưng trên từng gương mặt của họ vẫn không  vui.

 Tàu thuyền xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) cập bến xuất cá và chuẩn bị nhiên liệu tiếp tục ra khơi.
Tàu thuyền xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) cập bến xuất cá và chuẩn bị nhiên liệu tiếp tục ra khơi.
Sáng sớm, bến sông Phú Thọ (xã Nghĩa Phú) nhộn nhịp tàu thuyền cập bến. Nhiều xe đông lạnh nối đuôi nhau từ các nơi về đây nhận cá. Phụ nữ và bạn chài cùng nhau khuân cá trong khoang thuyền chuyển lên cân bán cho các tư thương. Ngư dân Lê Thái chỉ vào khoang thuyền chứa đầy cá chuồn, nói với tôi: "Cá đầy ắp, nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. Bởi giá cá giảm xuống bằng nửa năm ngoái".

Dọc dài bến cá này, cá chất đầy bờ, nào cá nục, cá chuồn, cá hố, nhưng cá rớt giá, nên trên khuôn mặt rám nắng của dân chài không vui như những mùa biển trước. Họ phải tính toán thật kỹ chi phí cho chuyến biển, cách đánh bắt thế nào để có chút lãi khi mỗi chuyến biển kéo dài từ nửa tháng đến 20 ngày. Ngư dân Trần Ngọc Oanh thở dài: "Anh em bạn chài ra khơi làm việc suốt ngày đêm, thường thì một ngày làm từ 3 giờ sáng và kết thúc 7 giờ tối. Mỗi chuyến biển kiếm được từ 5 -8 tấn cá là nhiều, nhưng tính ra thu nhập của mọi người không khá hơn thời điểm không được mùa cá.

Mấy tháng đầu năm cá hiếm, chi phí cao, nên nhiều tàu thuyền phải nằm bờ. Giờ biển mới có cá nhiều như vậy, nên ngư dân cho rằng đây là lộc trời ban cho ngư dân trước thời buổi khó khăn để đánh bắt cá bán kiếm tiền trang trải nợ nần và chi phí cho gia đình. Thế mà giá cá chẳng tăng, xăng dầu cùng với các chi phí lại tăng quá cao. Chủ tàu Đỗ Giàu  (thôn Cổ Lũy Nam  - Nghĩa Phú), nhẩm tính: Một chuyến biển chi phí tiền xăng dầu, đá cây, lương thực cũng mất khoảng 30 triệu đồng (cao hơn năm ngoái 10 triệu đồng). Trong khi đánh bắt cật lực kiếm được 6-7 tấn cá (được mùa hơn năm ngoái nhiều) nhưng cũng chỉ kiếm được 40-45 triệu đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước.
 
Tiểu thương thu mua cá ở Nghĩa Phú
Tiểu thương thu mua cá ở Nghĩa Phú
Năm ngoái cá chuồn được giá (từ 12.000 đồng - 14.000 đồng/kg) nên mỗi bạn thuyền trên tàu cũng kiếm được từ 30 - 40 triệu đồng (khi kết thúc mùa biển), còn năm nay tư thương thu giá chỉ 6.000 đồng/kg cá. Nhiều ngư dân nói: "Mình đánh bắt cá còn thị trường thì tư thương định giá, biết làm sao được". Cũng qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ở Nghĩa Phú một số tư thương cho các chủ tàu vay tiền để sắm phương tiện hành nghề. Sau một chuyến biển trở về, con cá kiếm được phải bán cho các tư thương này để trừ tiền. Sự ràng buộc "bất thành văn" này đã tồn tại từ bao đời nay ở  các làng chài ven biển, nên chuyện bán buôn có khi xảy ra tình trạng ép giá.

 Chuyện giá dầu tăng cao mà giá cá không tăng, ngư dân thu nhập thấp hoặc có chuyến chỉ huề vốn là nỗi lo trước mắt, nhưng xa hơn là nỗi lo năm học mới sắp đến, con cái của họ đến trường mà thu nhập thấp kém, thì ngư dân sẽ gặp khó khăn.

Tuy vậy trước khó khăn, vẫn có ngư dân tìm cách làm ăn. Nhiều ngư dân cho chúng tôi hay: Trước giá cả chi phí cho một chuyến biển tăng quá cao, nhưng vì cuộc sống mưu sinh ngư dân phải gồng mình để đánh bắt cá  tôm, trên cơ sở  tính toán thật kỹ vùng biển đánh bắt, hạn chế đến mức thấp nhất về chi phí cho mỗi chuyến ra khơi.

Trời trưa, bến cá dần vắng người và xe chở cá, nhưng dưới sông tàu thuyền vẫn còn neo đậu san sát. Các chủ tàu và bạn chài  đều cố gắng trong công việc. Họ lo chuyển dầu, chất đá cây, lương thực xuống khoang thuyền, để chuẩn bị cho một chuyến biển mới...
Bài, ảnh: THI ÂN 



.