Nỗi lo đưa người bệnh đi điều trị trong mùa mưa lũ

09:12, 03/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi mùa mưa lũ đến, người dân các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh lại nơm nớp nỗi lo. Trong đó, lo nhất là việc đưa người bệnh đến các trung tâm y tế huyện hay Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị, khi giao thông bị chia cắt do sạt lở núi...

TIN LIÊN QUAN


Dùng võng khiêng bộ

Trong đợt mưa lũ đầu tháng 11 vừa qua, trong khi các tuyến đường trên địa bàn xã Trà Lãnh (Tây Trà) bị sạt lở nghiêm trọng, khiến giao thông bị chia cắt, thì sản phụ Hồ Thị Thúy có dấu hiệu chuyển dạ sinh con. Do đường bị sạt lở, nên xe cấp cứu không thể tiếp cận được mà chỉ đứng đợi ở Tỉnh lộ 622B. Sau nhiều lần bàn bạc phương án chuyển sản phụ Thúy đến trung tâm y tế bằng xe máy, hoặc gọi bác sĩ trực tiếp đến nhà đều bất thành. Cuối cùng người nhà phải dùng võng khiêng sản phụ đến nơi mà xe cứu thương đang đợi để đưa về Trung tâm Y tế huyện Tây Trà cấp cứu. Tuy nhiên, do tình hình nguy kịch, nên chị Thúy được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị.

Người dân huyện Tây Trà dùng võng khiêng người bệnh đến Trung tâm Y tế huyện điều trị.
Người dân huyện Tây Trà dùng võng khiêng người bệnh đến Trung tâm Y tế huyện điều trị.


Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Trà, bác sĩ Châu Nguyễn Thương, cho biết: Bệnh nhân Thúy khi đưa đến Trung tâm Y tế huyện có thể trạng quá yếu, qua tiến hành khám ban đầu và chẩn đoán thì bệnh nhân bị vỡ ối và tính mạng đang nguy kịch. Ngay sau đó, Trung tâm chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị kịp thời. Rất may bệnh nhân đã an toàn sau khi điều trị.

Vào mùa mưa lũ năm 2016, tại thôn Trà Huynh, xã Trà Nham, chị Hồ Thị Lý chuyển dạ sinh con và có dấu hiệu xấu, nhưng Trạm Y tế xã không đảm bảo được sự an toàn cho tính mạng của mẹ con sản phụ. Trong khi đó, tuyến đường độc đạo từ xã Trà Nham ra Tỉnh lộ 622B bị hư hỏng nặng, phương tiện cơ giới không thể di chuyển được. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, hơn chục người thân và hàng xóm đã quyết định dùng võng khiêng chị Lý vượt quãng đường hơn 7km để ra Tỉnh lộ 622B, nơi có xe cứu thương chờ sẵn đưa chị Lý vượt núi xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu.

Còn tại huyện miền núi Sơn Tây, việc cấp cứu người bệnh trong mùa mưa lũ cũng không hề dễ, bởi giao thông liên tục bị chia cắt. Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết, mưa lũ lớn hay sạt lở đất thì địa phương cũng rất lo, nhưng dù sao cũng yên tâm hơn vì đã có phương án di dời, dự trữ lương thực. Trong khi người bệnh, người bị tai nạn thì không thể biết trước được, nên mỗi khi mưa lũ, nghe có người dân bị bệnh nặng cần đưa chuyển lên tuyến trên cấp cứu là từ người dân đến chính quyền đều lo sốt vó.

“Giao thông bị chia cắt, phương án "dự phòng” là phải dùng võng khiêng bộ người bệnh đến trung tâm y tế, mặc dù điều đó không đảm bảo an toàn tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, vì không còn cách nào khác, nên người bệnh vùng cao mới chịu cảnh như vậy. Nhiều trường hợp suýt mất mạng vì thời gian di chuyển quá lâu”, ông Vượt nói.

Làm gì để giảm bớt nỗi lo?

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh, cũng như kịp thời cứu chữa các trường hợp khẩn cấp trong thời điểm mưa bão, theo lãnh đạo các huyện miền núi là cần phải đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, cũng như nguồn lực con người. Với y tế tuyến xã, hỗ trợ kịp thời kiến thức, phương thức sơ cứu và thuốc điều trị đặc hiệu.

Mới đây, huyện Tây Trà đã thành lập hai đội cấp cứu lưu động để đảm bảo xử lý tốt nhất cho người bệnh, nhất là các trường hợp tai nạn do thiên tai. Bên cạnh đó, tăng cường mỗi ca trực lên 10 nhân viên y tế, cũng như giữ liên lạc thường xuyên với trung tâm y tế các huyện lân cận, chuẩn bị xe chuyên dụng để hỗ trợ khi có sự cố bất khả kháng.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức cho rằng, giao thông bị chia cắt do thiên tai làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận chuyển và cấp cứu người bệnh. Hiện nay, các trung tâm y tế còn thiếu bác sĩ sản khoa và ngoại khoa, nên thời gian tới Sở sẽ tiếp tục thu hút bác sĩ về công tác ở các địa phương này, để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Giám đốc Sở GTVT Hà Hoàng Việt Phương cho biết, nỗi lo của người dân miền núi cũng là nỗi lo của ngành giao thông. Mỗi khi các tuyến đường giao thông do Sở GTVT quản lý có sự cố, là Sở khẩn trương điều động nhà thầu tại chỗ tập trung khắc phục, ít nhất là thông xe một vạch, đảm bảo vận chuyển hàng hóa. Quan trọng hơn là để phục vụ vận chuyển người bệnh đến các trung tâm y tế, bệnh viện một cách thuận lợi nhất.


Bài, ảnh: NGỌC QUANG



 


.