(Báo Quảng Ngãi)- “Bây giờ chú muốn quay phim, chụp ảnh thì phải eng (ăn) bữa cơm với gia đình tôi cới đõa (cái đã)”. Tôi giật mình khi nghe tiếng đồng hương Quảng Ngãi tại một ngôi làng ven biển, cách thành phố Huế hơn 35km.
Làng biển Mỹ Lợi thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế). Đây là một trong những ngôi làng nổi tiếng ở Việt Nam, vì còn lưu giữ được nhiều nét cổ xưa, trong đó có 1.400 văn bản Hán Nôm từ thời khai ấp, lập làng năm 1562.
Trong 4 chức sắc của làng Mỹ Lợi, thì có 2 người đang nói tiếng Quảng Ngãi. ẢNH: Văn Chương |
Làng Mỹ Lợi có 5 thôn, thôn 5 nằm tại trung tâm xã. Khu vực này có chợ, bãi đỗ xe, UBND xã. Người dân ở xóm chợ phát âm đúng ngôn ngữ và khẩu ngữ của người dân xứ Huế như: “mô, chừ, răng, rứa...”.
“Chú quê ở mô mà hỏi tới ông Kháp ở thôn tư. À, mà nghe cái giọng của chú, chừ tôi đoán chắc là con cháu ở thôn tư làm ăn trong Nam phải không?”. Một ông già hỏi dò khi thấy tôi loay hoay tìm đường vào nhà của ông Nguyễn Kháp, Phó ban nghi lễ của đình làng Mỹ Lợi.
Thôn 5 cách thôn 1, 2, 3, 4 bởi một con đường cát trắng xóa dài 300m, băng ngang qua khu nghĩa địa. Vậy nhưng, tất cả những thôn còn lại đều phát âm giống hệt tiếng Quảng Ngãi. Khẩu ngữ của người dân trong các xóm này hoàn toàn không sử dụng từ địa phương: Chừ, mô, răng, rứa.
Một ông già ngồi trong ngôi nhà cũ kỹ giữa thôn 4, chỉ ra đường nói chuyện rất to bằng giọng Quảng Ngãi đặc sệt: “Bây giờ có đi nôm (nam) đi béc (bắc) thì cũng khó kiếm được nơi nừi (nào) nhiều đình chùa như ở Mỹ Lợi”. Nghe tiếng ông cụ, tôi thốt lên “đồng hương” và dự định khi xong việc sẽ quay lại gặp gỡ, tâm sự. Vậy nhưng, càng đi sâu vào làng thì mật độ “gặp đồng hương” lại dày đặc. Chỗ nào cũng nói tiếng Quảng Ngãi với cái giọng hơi cứng, phát âm nặng. Trong 4 thôn thì thôn 3 phát âm tiếng Quảng nặng nhất.
“Cả làng uống chung một dòng nước, vậy nhưng xóm ngoài là Huế, xóm trong là Quảng, sửa tiếng, nhưng không được. Thôi, trời sinh sao thì để vậy”. Ông NGUYỄN KHÁP |
Một người dân trong làng tâm sự:“Chú nói tui dân Quảng Ngữi (Ngãi) hả. Ông bà tui nói rất có thể hồi xưa ông cao, ông cố vô trỏng làm en (ăn) rồi lợi (lại) quay ra nên nói tiếng Quảng. Nhưng mà trong gia phả, phổ hệ thì không thấy ghi điều này”.
Thôn trong phát âm giọng Quảng, thôn ngoài phát âm giọng Huế, đó là kỳ tích của tạo hóa. Nhà báo Thái Lộc khi vào làng, nghe người dân nói chuyện và cho rằng, làng Mỹ Lợi nói tiếng giống Quảng Nam. Nhưng thực sự thì giống Quảng Ngãi mới chính xác. Các từ địa phương “chừ, ni, mô, tê” mà người dân Quảng Nam hay sử dụng không có trong ngôn ngữ của làng Mỹ Lợi. Phần lớn những từ có vần ă, ng, oi... đều phát âm đúng giọng Quảng Ngãi.
Một thanh niên trong làng cho biết: “Em vô trang (trong) đó rồi. Ở Quảng Ngãi người ta nói giống y chang. Quảng Nam thì không giống lắm”. Gặp ông nhà văn Trần Hồng Nhu ở thành phố Huế, là người gốc làng Mỹ Lợi. Ông Nhu cười khà khà và vẫn phát âm giống như tiếng Quảng Ngãi. Mặc dù ông nhà văn này đã rời quê mấy chục năm và sống ở nhiều nơi.
Ông Nguyễn Kháp năm nay 72 tuổi. Vợ ông Kháp là người cùng làng. Lắng nghe hai vợ chồng ngồi nói chuyện với nhau, tôi có cảm giác mình đang ở Quảng Ngãi, chứ không phải ở đất Huế. Ngôn ngữ của làng, chỉ có một từ khác với Quảng Ngãi, đó là từ ông (ông ấy-PV) được chuyển thành từ ôn.
“Ủa, mà thôn trong và thôn ngoài cách nhau một con đường dài 300m, nhưng tại sao lại nói giọng khác nhau quá?”. Nghe tôi hỏi, ông Nguyễn Kháp nói giọng to, sang sảng giống như người dân Quảng Ngãi: “Nghịch tặc vậy đó chớ. Cả làng uống chung một dòng nước, vậy nhưng xóm ngoài là Huế, xóm trong là Quảng, sửa tiếng, nhưng không được. Thôi, trời sinh sao thì để vậy”.
LÊ VĂN CHƯƠNG