Hạ tầng giao thông "thấm đòn"

01:09, 26/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ sau thời gian ngắn chấp thuận cho các phương tiện vận tải chạy vào các tuyến đường dân sinh để chở vật liệu thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số công trình thiết yếu khác, thì cũng là lúc hạ tầng giao thông bắt đầu “thấm đòn”. Những con đường nhựa, bê tông  nhanh chóng xuống cấp, với những "ổ voi", “ao nước” xuất hiện ngày càng nhiều và tai nạn giao thông cũng dày hơn.

TIN LIÊN QUAN

Đường sá hư hại

Cách đây một năm, những con đường dân sinh do UBND huyện Tư Nghĩa quản lý còn rất bằng phẳng, đảm bảo an toàn để người dân đi lại, nhưng đến nay mọi chuyện đã khác. Tuyến đường từ ngã tư cầu Mới đến Tỉnh lộ 624 dài chừng 3km, qua địa phận xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) hơn một năm qua xuống cấp trầm trọng.

Cùng với đó là lưu lượng xe tải chạy khá nhiều, trong khi đường thì hẹp, nên người tham giao giao thông rất vất vả. “Lo nhất là mỗi lúc ra đường gặp ô tô chở keo, chở đất chạy ngược chiều. Các xe này bóp còi inh ỏi, chạy bạt mạng, nên thấy xe là lo tấp vào lề đường đứng chứ không dám di chuyển. Bụi bay mù mịt, còn mùa mưa thì bùn lầy, những chỗ ổ gà lớn thì nước ngập sâu đến nửa mét chẳng khác nào cái ao hết. Giờ ra đường sợ lắm”, ông Võ Ba, xã Nghĩa Điền bức xúc.

 Tuyến đường từ cầu Mới giao với Tỉnh lộ 624 xuống cấp nghiêm trọng.
Tuyến đường từ cầu Mới giao với Tỉnh lộ 624 xuống cấp nghiêm trọng.


Còn tuyến đường từ Tỉnh lộ 623B đi nghĩa trang nhân dân TP. Quảng Ngãi, hơn một năm nay trở thành “cung đường ám ảnh”. Nguyên đoạn đường dài hơn 3km nát bươm, ổ voi, ổ gà dày đặc trên đường. Tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, khiến người dân hết sức lo lắng. Tương tự là tình trạng xuống cấp ngày càng nặng nề trên tuyến Tỉnh lộ 622C.

Trong đó, đoạn từ điểm giao với Quốc lộ 24B đến xã Tịnh Bình có chiều dài khoảng 6km xuống cấp rất nặng. Người tham gia giao thông hết sức khổ sở khi đi lại trên tuyến đường nhựa được đưa vào sử dụng cách đây không lâu. 

Ông Lê Cận, xã Tịnh Bình bức xúc: “Đường sá trước đây phẳng phiu đi lại thông thoáng, từ ngày xe tải chở đất, đá chạy ầm ầm khiến đường hư hỏng. Bà con ra đường lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Nhiều người bị xe tải ép đến rơi xuống ruộng, hoặc tự ngã vào hàng rào. Người dân chúng tôi rất lo lắng mỗi khi ra đường”.

Không chỉ đường tỉnh, đường huyện mà ngay cả Quốc lộ 24B cũng đang oằn mình “chịu trận” với xe trọng tải lớn, khiến tình trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, nhất là đoạn từ xã Tịnh Hà đến Tịnh Sơn.

Tiền đâu làm đường?

Hầu hết các tuyến đường bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và việc đi lại của người dân, đều do các huyện quản lý. Khi đường xuống cấp, người dân ca thán và kiến nghị sửa đường, làm đường thì hầu như địa phương nào cũng “mướt mồ hôi” với câu hỏi thường trực “Tiền đâu làm đường”?

Huyện Tư Nghĩa là địa phương có nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp nặng nề và liên tục nhận kiến nghị của người dân, phải sớm đầu tư để đảm bảo ATGT. Ông Lê Trung Thành - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, riêng tuyến Tỉnh lộ 623B đi nghĩa trang nhân dân TP.Quảng Ngãi dài 3,2km, xuống cấp nghiêm trọng, nên năm 2014 huyện đã phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 36,3 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách TP. Quảng Ngãi hỗ trợ 42%, vốn huy động doanh nghiệp 15% và 43% còn lại là ngân sách huyện. Sau đó, dự án được mở rộng thêm, nên tổng vốn đầu tư "đội" lên 48 tỷ đồng và UBND tỉnh đã đưa công trình trên vào diện đầu tư khẩn cấp.

“Tính cấp thiết trước yêu cầu của người dân thì mình phải phê duyệt dự án để có cơ sở thực hiện. Tuy nhiên, thực tế là nguồn vốn ngân sách huyện chủ yếu là nguồn thu từ quỹ đất nên rất khó khăn, không có khả năng để bố trí hoàn thành công trình. Ngoài ra, việc huy động vốn từ doanh nghiệp cũng rất khó. Còn TP. Quảng Ngãi hứa hỗ trợ, nhưng nay vẫn chưa thấy tiền. Mong Sở KH&ĐT cũng như các sở, ngành liên quan quan tâm bố trí vốn để huyện thực hiện dự án, chứ ngân sách huyện thì không thể”, ông Thành nói.

Không chỉ riêng Tư Nghĩa, mà hầu hết các địa phương khác cũng đang "đau đầu" trong việc tìm nguồn vốn để sửa chữa, đầu tư mới các tuyến đường hư hỏng hiện nay, bởi hầu hết ngân sách của các địa phương đều được bố trí cho các công trình, dự án có kế hoạch trung hạn cụ thể. Trong khi đó, phần lớn các tuyến đường xuống cấp đều không thể sửa chữa được nữa mà phải đầu tư mới.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.