Quảng Ngãi: Ứng phó với biển đổi khí hậu

10:01, 26/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nằm trong vùng duyên hải miền Trung, có bờ biển dài 130km, hằng năm Quảng Ngãi phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai khốc liệt, như: Bão, lũ, dông, lốc, hạn hán và ngập úng… Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKK) và nước biển dâng (NBD), tỉnh và các ngành chức năng đã chỉ đạo, triển khai những chương trình hành động thiết thực.

Nơi hứng lấy thiên tai

Theo số liệu thống kê từ năm 1964 đến nay, đã có hàng chục cơn bão đổ bộ vào Quảng Ngãi. Trong đó, tần suất bão hoạt động nhiều nhất là năm 2007 có 5 cơn bão, năm 2008 có 7 cơn. Tuy nhiên, các cơn bão số 2 năm 1989, cơn bão số 1 năm 2006, cơn bão số 9 năm 2009 và cơn bão Haiyan cuối năm 2013 là những cơn bão có sức tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử.

 Do ảnh hưởng của biến đối khí hậu, tình trạng sạt lở ở các xã ven biển đang diễn ra ngày một nghiêm trọng.
Do ảnh hưởng của biến đối khí hậu, tình trạng sạt lở ở các xã ven biển đang diễn ra ngày một nghiêm trọng.


Riêng cơn bão số 9 năm 2009, diễn biến phức tạp và gây tác hại nặng nề trên địa bàn tỉnh. Ngoài bão, Quảng Ngãi cũng chịu ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gây mưa. Nhiều nơi trong tỉnh phải đối mặt với cảnh ngập nước, tắc đường, nứt núi và nhiều khu vực đã bị cô lập. Mưa lớn đã gây ra lũ quét, nhiều tuyến đường trên các huyện miền núi bị sạt lở nặng, với khối lượng đất đá lên đến hàng ngàn mét khối, gây ách tắc giao thông. Những năm gần đây, lũ quét thường xuất hiện bất ngờ, khốc liệt, gây thiệt hại về người và tài sản.

Lũ về còn gây sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 60 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó huyện Bình Sơn có chiều dài xói lở bờ biển tương đối lớn, trên 15.000m. Bờ biển các xã Bình Hải, Bình Châu, Bình Đông là những nơi xói lở đặc biệt nguy hiểm. Huyện Đức Phổ cũng rơi vào tình trạng tương tự, với chiều dài xói lở 4.900m, mức độ trung bình từ 5-7m/năm ở các xã Phổ Thạnh, Phổ Châu. Tình trạng nước biển xâm nhập đã ảnh hưởng nặng đến khu đông các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi. Sự bất thường của thiên nhiên đã gây nên hậu quả nặng nề cho tỉnh. Đây được xem là dấu hiệu của BĐKH.

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Tỉnh ủy với Đoàn nghiên cứu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong tháng 1.2015, các chuyên gia đã nhận định, trong thời gian đến BĐKH có thể gia tăng hơn nữa. Số lượng và mức độ thiệt hại do bão, lũ, lốc, hạn hán có thể tác động tiêu cực đến phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, đa dạng sinh học. BĐKH cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động giao thông vận tải, công nghiệp và năng lượng...

Hành động thiết thực

Trước những tác động khó lường của BĐKH và thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3.6.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 42- CTr/TU đến năm 2020 để chủ động ứng phó. Trên cơ sở này, trong các năm qua, công tác ứng phó với BĐKH, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã được các ngành triển khai thực hiện. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong giai đoạn 2011 – 2020; thành lập các ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai từ tỉnh đến cơ sở; từng bước đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị dự báo, cảnh báo thiên tai...

Dự kiến đến năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi sẽ hoàn thành công tác đánh giá mức độ tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, ngành, địa phương và lồng ghép nội dung BĐKH vào các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức được tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ và công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, 70% dân số các xã, phường, thị trấn được phổ biến kiến thức về phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai.

Để việc ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh hiệu quả, hạn chế thiệt hại gây ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ, cho biết: Tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp đối với các lĩnh vực, ngành địa phương bị tác động. Đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi, lâm nghiệp, nghiên cứu cây trồng mới, đa dạng phù hợp với biến đổi khí hậu; củng cố và nâng cấp hệ thống đê bảo vệ, nâng cấp các công trình thủy lợi; tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và giám sát cháy rừng...

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải cũng từng bước nâng cấp hệ thống giao thông, xây dựng mới đê biển và cải tạo nâng cấp hệ thống đê biển. Ở lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, tỉnh cũng đã tính toán đến việc quy hoạch lại các KCN dễ bị ngập lụt do nước biển dâng, quy hoạch hệ thống thoát nước, hệ thống giao thông, cảng, xây dựng hệ thống kè, đê để bảo vệ trong điều kiện nước biển dâng và BĐKH... Trước mắt, tỉnh chủ động xây dựng phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động đạt và vượt công suất, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất; dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong quý I.2016 trong điều kiện  BĐKH và NBD.


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

 


.