Người đàn ông 30 năm đi "đòi" đất

03:12, 25/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã 30 năm trôi qua, ông Trần Đính (82 tuổi), ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) kiên trì gõ cửa nhiều cơ quan chức năng, quyết đòi lại mảnh vườn của chính mình. Sau nhiều văn bản, quyết định giải quyết của UBND tỉnh và UBND huyện Tư Nghĩa, vụ việc vẫn chưa ngã ngũ.

Đòi đất của... chính mình

Năm 1964, vợ chồng ông Trần Đính mua một mảnh vườn (1.100m2) của vợ chồng ông Nguyễn Hoành và bà Nguyễn Thị Cúc, ở xã Tư Thịnh (Tư Nghĩa), để làm nhà và trồng cây ăn trái. Việc mua bán này đã được hai bên lập “Giấy bán đoạn mãi đất” và được chính quyền xã (chế độ cũ) xác nhận.

 

Ông Trần Đính bên mảnh vườn mà ông đòi sở hữu 1.100m2.
Ông Trần Đính bên mảnh vườn mà ông đòi sở hữu 1.100m2.


Sau khi mua đất, vợ chồng ông Trần Đính đã mở tiệm may, làm cơ sở may quần áo và may cờ cho cách mạng. Tháng 6.1966, địch đổ quân chiếm lại Nghĩa Thuận. Khi thấy quần áo giải phóng ở trong nhà ông Đính, chúng bắt giam ông tại nhà lao Quảng Ngãi. Năm 1972, địch bắt ông đày ra Côn Đảo.  Năm 1975, đất nước giải phóng, ông được cách mạng giải cứu đưa về địa phương. Về đến nhà thì mảnh vườn cũ chỉ còn là bãi đất hoang. Vợ chồng ông Đính phát quang, lấp hố bom để trồng lại vườn cây ăn trái. Năm 1979, khi địa phương có phong trào hợp tác hóa, gia đình ông  tự nguyện đưa hết đất thổ canh vào hợp tác, còn mảnh vườn này vẫn giữ lại để làm nhà và trồng cây ăn trái.

Theo lời ông Đính, năm 1980, lúc ông Đính đi phục vụ Trạm điều dưỡng vắng nhà, ông Nguyễn Xanh- Quyền phó Chủ nhiệm HTX lúc bấy giờ đã lấy toàn bộ mảnh vườn trên giao cho ông Tạ Công Bình sử dụng. Khi biết chuyện, ông Đính đã làm đơn khiếu nại, nhưng chính quyền địa phương vẫn không giải quyết. Đến ngày 19.11.1988, UBND xã Nghĩa Thắng (nay là xã Nghĩa Thắng và Nghĩa Thuận), đã giao cho ông Bình được sử dụng 500m2 đất, còn lại bao nhiêu giao HTX quản lý. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, ngày 30.11.1988, HTX Mỹ Phước đã giao lại diện tích đất này cho ông Đính sử dụng. Tuy nhiên, tháng 7.1993, ông Bình lại tiếp tục làm nhà trên mảnh đất đã mua trước đây hiện còn đang tranh chấp.

Trong khi ông Đính đang trong quá trình khiếu kiện việc đòi lại mảnh đất mà HTX Mỹ Phước đã lấy của ông giao cho ông Tạ Công Bình, thì chính quyền địa phương lại nghĩ ra việc lập chợ ngay trên mảnh đất đang tranh chấp này.


Chưa dứt điểm

Ngày 13.6.2001, UBND huyện Tư Nghĩa có Quyết định 215/QĐ-UBND nêu rõ: “Ông Trần Đính phải làm đơn xin đổi đất và các thủ tục địa chính để UBND xã Nghĩa Thuận xem xét, giải quyết theo đúng pháp luật quy định, để ông Trần Đính được sử dụng một phần diện tích đất” (trong tổng số 1.100m2 của thửa đất).

Trước đơn thư, yêu cầu của ông Trần Đính, ngày 29.1.2003, UBND tỉnh đã có Quyết định số 368-QĐ/UBND, giải quyết khiếu nại của ông Đính. Quyết định có nội dung: “Bác đơn yêu cầu của ông Trần Đính đòi quyền sử dụng toàn bộ thửa đất, với 1.100m2. Công nhận Quyết định 215/QĐ-UBND, ngày 13.6.2001 của UBND huyện Tư Nghĩa là đúng chính sách, pháp luật. Vì từ năm 1975 đến nay, ông Trần Đính không trực tiếp quản lý, canh tác và đăng ký quyền sử dụng theo quy định. Ông Trần Đính cần làm các thủ tục cắt một số diện tích đất vườn ông đang sử dụng để đổi lấy phần diện tích còn lại sau khi đã giao cho ông Tạ Công Bình”.

Tuy nhiên, ông Trần Đính đã không đổi phần diện tích đất, mà vẫn tiếp tục khiếu kiện, đòi quyền sở hữu tất cả 1.100m2 đất, mà ông Đính cho rằng phải thuộc về gia đình mình. Vụ việc kéo dài, nên mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tư Nghĩa phải xử lý vụ việc dứt điểm trước ngày 30.11.2013.

Ông Huỳnh Chánh - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, UBND huyện đang chỉ đạo cho Thanh tra huyện rà soát lại để giải quyết dứt điểm  khiếu kiện của ông Trần Đính. Ông Chánh cũng thừa nhận rằng, huyện cũng có thiếu sót. Cái thiếu sót thứ nhất là huyện đã không thu hồi 28m2 mà ông Bình đang lấn chiếm. Đúng ra, cơ quan Nhà nước phải thu hồi, sau đó giải quyết tiếp với ông Đính. Nếu không bàn giao đất vườn thì có thể tiến hành cưỡng chế, hoặc ông Đính có nhu cầu sử dụng thì phải đóng tiền sử dụng đất.

Thiếu sót thứ hai là trong Quyết định 215/QĐ-UBND, ngày 13.6.2001 của UBND huyện Tư Nghĩa, cũng không rõ ràng. Trường hợp này phải ghi hoán đổi thửa đất số mấy, diện tích bao nhiêu và phải có văn bản kèm theo quyết định. Đằng này quyết định ghi chung chung, chưa cụ thể nên khó giải quyết và còn kẽ hở cho người dân khiếu kiện. “UBND tỉnh yêu cầu huyện phải giải quyết dứt điểm vụ việc này trước ngày 30.11.2013. Tuy nhiên, vụ việc kéo dài và phức tạp nên huyện đã xin gia hạn và sẽ giải quyết trong thời gian sớm nhất”- ông Chánh nói.

Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN

 


.