Hơn 10 năm sống chung với môi trường ô nhiễm

01:10, 19/10/2011
.

(QNg)- Đã hơn 10 năm nay, người dân thôn An Hà I, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) phải sống chung với môi trường ô nhiễm. Nguyên nhân được người dân cho biết là do cơ sở sản xuất tinh bột mì của hộ ông Phan Văn Hòa ở cùng thôn gây ra. Điều đáng nói là, người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được xử lý triệt để.

Cơ sở sản xuất tinh bột mì của ông Phan Văn Hòa hoạt động hơn 10 năm nay và tình trạng ô nhiễm môi trường cũng diễn ra ngần ấy năm. Tuy nhiên đến khoảng năm 2010, cơ sở này được mở rộng thì tình trạng ô nhiễm môi trường tăng lên, gây bức xúc cho người dân trong khu dân cư. Mùi hôi thối lan tỏa theo gió lùa vào những ngôi nhà sống xung quanh khu vực gây ngột ngạt. "Mùi hôi thường bốc lên vào lúc 2- 4 giờ sáng, 22 giờ đêm hằng ngày... Bởi đây là thời điểm cơ sở xả nước thải ra sông Bàu Giang. Buổi tối, mọi người không thể nào ngon giấc  bởi càng về khuya mùi hôi thối càng gia tăng"- chị Nga cho biết.
 
Cơ sở sản xuất tinh bột mì của hộ ông Phan Văn Hòa.
Cơ sở sản xuất tinh bột mì của hộ ông Phan Văn Hòa.

Không chỉ gây ra mùi hôi thối cho khu dân cư, cơ sở sản xuất tinh bột mì của ông Hòa còn có dấu hiệu làm ô nhiễm  môi trường nước sông Bàu Giang. Bên cạnh đó, chất thải còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa của người dân nơi đây. Hộ cụ Ngô Hầu (84 tuổi), có 4 sào ruộng, vụ đông xuân 2010- 2011 cụ phải bỏ chi phí hơn 1 triệu đồng đầu tư tiền giống, thuốc, phân bón và tiền công... nhưng vì mùa mưa nên nước thải từ cơ sở sản xuất bột mì tràn ngập cánh đồng làm 4 sào ruộng lúa bị chết. Vụ hè thu vừa rồi, cây lúa phát triển, nhưng đến khi làm đòng mà lá vẫn xanh tốt làm cho lúa lép hạt. "Với 4 sào lúa, thông thường mỗi mùa có thể thu được khoảng 30 bao lúa khô nhưng giờ chỉ còn được 3- 4 bao. Hai vợ chồng đành phải dùng số tiền để dành mua gạo về ăn"- cụ bà Nguyễn Thị Chí (vợ ông Hầu) tâm sự.

Không riêng gì vợ chồng cụ Hầu mà cả hai người con trai của cụ cũng cùng cảnh ngộ. Người con trai lớn Ngô Quận (57 tuổi) có duy nhất 1 sào ruộng trên cánh đồng Láng. Do nước thải từ cơ sở sản xuất tinh bột mì của ông Hòa nên 1 sào ruộng của anh Quận cũng chỉ thu lại vài bao lúa. "Chủ cơ sở sản xuất tinh bột mì đã "mua" lại số lúa trên cho gà ăn với giá 400 nghìn đồng"- cụ Chí cho biết thêm. Còn anh Ngô Trình, bản thân bị hen suyễn nên vợ anh phải vào Nam bán đậu hũ kiếm tiền chữa bệnh cho chồng. Số tiền vợ anh Trình gửi về để thuốc thang cho chồng và thuê người làm 1,5 sào ruộng lúa nhưng đến mùa lại thu hoạch chẳng được là bao.

Ngoài ra còn có rất nhiều  hộ dân khác có đất ruộng trên đồng Láng phải chịu cùng cảnh ngộ. "Về lâu dài không ai dám chắc nguồn nước ở khu dân cư sẽ không bị ô nhiễm. Hiện đã có một số giếng nước xung quanh bị nhiễm phèn. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần phản ánh về hiện trạng này nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan nào kiểm tra để có hướng khắc phục"- Cụ ông Nguyễn Giới (82 tuổi) bức xúc.

Làm việc với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Văn Phải- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cho biết: Cơ sở sản xuất tinh bột mì của ông Phan Văn Hòa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân là có thật nhưng vượt thẩm quyền xử lý của địa phương. Các ngành chức năng của tỉnh đã về kiểm tra thực địa và lấy mẫu thử nghiệm. Khi nào có kết quả, chính quyền địa phương sẽ trả lời trực tiếp cho người dân.

        Bài, ảnh: T.PHƯƠNG

.