Săn lùng cá niên

10:09, 13/09/2011
.

(QNĐT)- Từ chỗ chỉ là thức ăn bình thường cho gia đình, cá niên ở sông Liêng, giờ đã trở thành loại đặc sản của vùng đất Ba Tơ. Với giá bán hiện lên đến 300.000 đồng/kg, vì vậy cá niên được nhiều người dân sống ven con sông này săn lùng ráo riết.

Quà tặng của sông Liêng

Như vòng tay của một người mẹ, dòng sông Liêng uốn lượn quanh co như ôm chầm lấy các bản làng vùng núi phía tây nam Quảng Ngãi. Trước khi đổ về biển cả, cùng với mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng nằm dọc 2 bên bờ của huyện Ba Tơ, sông Liêng còn ban tặng cho người dân nơi đây một sản vật để chế biến thành món ăn nổi tiếng, đó là cá niên.
 
c
Cá niên, đặc sản của Ba Tơ.

Theo những người sành ăn ở TP. Quảng Ngãi, khẳng định: Cá niên có ở nhiều nơi. Ngay cả ở trong tỉnh, các huyện lân cận là Trà Bồng, Sơn Hà… cũng có, thế nhưng ngon nhất vẫn là cá niên ở sông Liêng, Ba Tơ: Thịt thơm, chắc chứ không bở như bột. Đặc biệt là khi nướng trên than củi, thì mùi thơm nức mũi.

Theo lời già Phạm Văn Dách (64 tuổi), ở xã Ba Lế, thì có lẽ do nước sông Liêng, đoạn chảy qua vùng này rất trong, ít phù sa; mặt khác có những loài rong tảo, loại thức ăn chủ yếu của cá niên mà nơi khác không có nên thịt mới ngon như vậy. Không phải tốn công để làm vảy, mang, ruột như nhiều loại cá khác, cá niên đem về rửa bằng nước sơ qua cho sạch là đủ. Sau đó chỉ cần bỏ vào xoong, hay vỉ để chiên, luộc, nướng.

Đâu chỉ là đặc sản

Nhìn bề ngoài, cá niên hơi giống cá chép nhưng thân thon thả hơn, với bộ vẩy cá có mầu ánh bạc và phần vây pha chút màu vàng nhạt. Cá niên khi trưởng thành có kích cỡ bằng từ 2-3 ngón tay và dài khoảng hơn gang tay người lớn.

Không như một số đồng loại khác ở sông suối, cá niên chỉ sống ở khu vực thác nước, có độ sâu từ 1-1,5m. Thức ăn ưa thích nhất của nó là các loại rong và con hà sống bám vào vách đá dưới nước.

Vì sống ở vùng nước trong xanh và ăn rong rêu, cho nên với người Hrê, thì cá niên còn là hiện thân cho cái đẹp. Vì vậy để khen ngợi những người con gái mới lớn hoàn thiện từ vóc dáng đến tâm hồn, người Hrê thường dùng cụm từ “Lem tia cailin”, nghĩa là: Đẹp như con cá niên.

Cá ngon hiếm dần

Già Phạm Văn Xiên (67 tuổi), ở xã Ba Cung, kể: Ngày xưa, đường xá đi lại khó khăn, nên cuộc sống của đồng bào thiểu số  thiếu nhiều lắm, chứ không đầy đủ như bây giờ. Vì vậy cá niên được người dân bắt về làm thức ăn cho gia đình.
 
Người dân chuẩn bị đi bắt cá niên bằng nỏ ống.
Người dân chuẩn bị đi bắt cá niên bằng nỏ ống.

Mùa đánh bắt cá niên thường diễn ra vào mùa nắng hàng năm, khi nước sông Liêng đã kiệt và trong xanh đến tận đáy. Theo đó cứ vào tầm từ 9-13 giờ hàng ngày, là người trong làng í ới gọi nhau đi đánh bắt, chủ yếu là dùng cần câu, hoặc dùng nỏ ống để bắn.

Chỉ cần 1-2 giờ, là có thể kiếm được cả ký. Một cách khác đơn giản hơn là dùng tay bắt. Nhiều người lí giải: Khác với ban ngày là rất tinh ranh, về đêm cá niên rất chậm chạp và thường nép mình vào những hang đá dưới suối để trú ngụ. Nắm được điểm yếu này, cho nên vào những đêm trăng sáng, những người đàn ông, con trai trong làng rủ nhau đi ra suối để bắt.

Thế nhưng đó là chuyện của hơn 10 năm trước, chứ mấy năm gần đây số lượng cá niên đã giảm đi rất nhiều. Bởi lẻ với giá hiện đã lên đến 300.000 đồng/kg, cho nên loài vật này đã bị người dân săn lùng ráo riết.

Theo đó thay vì dùng cần câu, dùng nỏ ống bắn đã bị bỏ, người dân đem lưới giăng ngang phía dưới thác nước, rồi lên phía trên dùng điện chích. Cá niên bị điện giật bất tỉnh, theo nước trôi xuống mắc vào lưới và người dân chỉ cần thu lưới lại và gỡ.

Chính vì kiểu bắt tận diệt bất kể mưa nắng như vậy, cho nên cá niên hiếm dần. Nhiều hôm đi cả ngày cũng chỉ được hơn nửa kilôgam là cùng- anh Hải, người đã hơn 7 năm đi bắt cá niên, cho biết.

                     Công Hoàng

.