Lắp đặt “hộp đen” trên xe khách, container: Tiện ích đã rõ - thực thi còn... lo

06:06, 24/06/2011
.

(QNg)- Từ ngày 1/7/2011, tất cả ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa có cự ly tuyến trên 500km bắt buộc phải lắp đặt hộp đen - thiết bị giám sát hành trình (GPS), khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải trong tỉnh phải "gồng mình" chạy đua với thời gian. Thế nhưng trước "giờ G", việc thực thi quy định này vẫn còn không ít nỗi lo...

GPS - thêm an toàn, tăng hiệu quả

Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ  sửa đổi, bắt đầu từ ngày 1/7/2011, tức là (còn khoảng 10 ngày nữa) là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hàng hoá tuyến cố định trên 500 km phải gắn hệ thống giám sát hành trình GPS.
   
 
Hiện nay tại Quảng Ngãi duy nhất 100% đầu xe khách của doanh nghiệp Chín Nghĩa đã lắp đặt hệ thống giám sát hành trình GPS.
Hiện nay tại Quảng Ngãi duy nhất 100% đầu xe khách của doanh nghiệp Chín Nghĩa đã lắp đặt hệ thống giám sát hành trình GPS.

Hệ thống GPS giúp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải quản lý tốt hoạt động của các đầu phương tiện, giờ xuất bến, giờ đến bến, thời gian dừng xe... từ đó giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu suất khai thác. Khi xảy ra rủi ro trong quá trình vận tải, hệ thống GPS được coi như "hộp đen" là căn cứ đặc biệt quan trọng để nhà chức trách, chủ xe cũng như các công ty bảo hiểm xác định vi phạm cụ thể và có đền bù tương đối chính xác.
 
Ông Đỗ Tiến Đạt - Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở Giao thông Vận tải) cho biết: "Mục tiêu của việc quy định lắp đặt hệ thống GPS nhằm kiểm soát chặt chẽ hành trình hoạt động của phương tiện, góp phần bảo đảm an toàn giao thông. Đặc biệt khi bị "giám sát", các tài xế sẽ ý thức hơn trong phục vụ, bảo vệ tính mạng, tài sản của hành khách".

Theo quy định thì thiết bị giám sát hành trình GPS phải đảm bảo 5 tiêu chí ghi và lưu trữ thông tin về tốc độ chạy xe, hành trình chạy, thời gian lái xe theo quy định, số lần và thời điểm đóng hoặc mở cửa xe, số lần và thời gian dừng đỗ xe. Trên thực tế hiện đã có nhiều doanh nghiệp vận tải lớn đã tiến hành lắp đặt hệ thống GPS, nhằm quản lý tốt hơn việc kinh doanh. Tuy nhiên so với yêu cầu của Nghị định 91 về lắp đặt GPS thì, việc lắp đặt hệ thống này của doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu và mới chỉ hướng đến mục đích quản lý, hiệu quả khai thác kinh doanh vận tải, chứ chưa chú ý đến mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông.

Không ít nỗi lo...

Hiện nay toàn tỉnh có 48 đầu xe trong tổng số 120 xe thuộc 12 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trong tỉnh lắp đặt hệ thống GPS. Trong đó doanh nghiệp xe khách Chín Nghĩa lắp đặt 100% hệ thống GPS cho 38 đầu xe; Sao Vàng và Mai Linh lắp đặt GPS cho 10 đầu xe. Còn lại 9 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách khác chưa lắp đặt hệ thống GPS, vì nhiều lý do.
 
Các doanh nghiệp này lo thiếu kinh phí đầu tư lắp đặt và lo chất lượng thiết bị không đảm bảo an toàn. Hiện tại một hệ thống GPS có giá dao động từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong thời điểm khó khăn hiện nay, vì giá xăng dầu liên tục tăng, vay tín dụng lại bị siết chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao.

Riêng về chất lượng thiết bị GPS, do hiện nay chưa có doanh nghiệp trong tỉnh cung ứng mặt hàng này, nên các chủ xe đều phải mua từ TP Hồ Chí Minh với giá cao, lại khó khăn trong bảo trì, sửa chữa. Thiết bị GPS bán trên thị trường hiện cũng chưa được kiểm định đầy đủ về chất lượng, độ an toàn, nên độ tin cậy sử dụng không cao. Thậm chí có thiết bị GPS còn sản xuất theo kiểu "sản phẩm lắp ráp hỗn hợp", khiến chủ xe lo ngại.
 
Ông Đỗ Tiến Đạt - Trưởng phòng Quản lý vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Hiện nay phần cứng của thiết bị giám sát hành trình chủ yếu được các doanh nghiệp nhập từ Trung Quốc, còn phần mềm do các Công ty Việt Nam sản xuất. Từ trước đến nay chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm định chất lượng sản phẩm, tất cả các doanh nghiệp đều tự mua về lắp đặt.

Hiện nay đang xuất hiện tình trạng thiếu đồng bộ giữa hai nhà quản lý: Nhà quản lý giao thông vận tải thì cương quyết phải lắp đặt sớm, vì GPS có nhiều tiện ích; còn nhà khoa học kiểm định chất lượng sản phẩm GPS thì lại... chưa triệt để kiểm soát chất lượng thiết bị. Vì thế nhiều doanh nghiệp kinh doanh vật tải trong tỉnh do dự chưa thực thi việc lắp đặt hệ thống GPS.

Họ cho rằng nếu bỏ tiền ra lắp đặt GPS trong khi sản phẩm này chưa được kiểm định đảm bảo chất lượng thì chưa nên. Còn các doanh nghiệp đã và đang áp dụng công nghệ GPS quản lý hệ thống phương tiện thì khẳng định: lắp đặt GPS có nhiều lợi ích, nhưng việc bảo mật thông tin từ hệ thống GSP cho doanh nghiệp thì vẫn chưa có chế tài nào quy định.
 
Chính vì thế ngày 6/5/2011, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký ban hành Thông tư số 37 bổ sung quy định tạm dừng xử phạt đối với phương tiện lắp đặt hệ thống GPS đến ngày 1/7/2013. Việc lùi thời hạn xử phạt này là thích hợp, để cơ quan chức năng hoàn thiện "công cụ" quản lý nhà nước trước khi buộc doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hoá lắp đặt hệ thống giám sát hành trình GPS, có thời gian để kiểm định chất lượng thiết bị GPS trước khi lắp đặt...

Bài,  ảnh: Thanh Nhị

.