Quy định số 96 của Bộ Chính trị: Đổi mới trong việc lấy phiếu tín nhiệm

10:03, 08/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 2/2/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Với nhiều điểm mới, được cụ thể hóa hơn cũng như đặt ra yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được xem là bước thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt và là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Qua đó, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
 
Quy định số 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị có tính kế thừa cơ bản từ Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8/10/2014 của Bộ Chính trị. Quan điểm, nguyên tắc của việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quy định số 96 và Quy định số 262 đều nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả tín nhiệm; kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và được công khai theo quy định. Bên cạnh đó, quy định mới mang tính chất nâng cao so với quy định cũ.
 
Lấy phiếu tín nhiệm trong năm 2023
 
Quy định số 96 nêu rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 96 sẽ  thực hiện trong năm 2023 - năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp. Đợt lấy phiếu tín nhiệm này là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, qua đó làm cơ sở để sắp xếp lại bộ máy ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn.

 

Theo Quy định số 96, lấy phiếu tín nhiệm là “nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ”. Trong khi đó, Quy định số 262 xem phiếu tín nhiệm là “một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ”. Đây thực sự là một bước thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, được ví như "lửa thử vàng", trở thành một thước đo quan trọng phản ánh năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ là một bước “luật hóa” các chủ trương của Đảng, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh đối với những người có chức, có quyền không để vòng xoáy quyền lực cuốn vào tham nhũng, tiêu cực.
 
Yêu cầu đối với cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm cũng cao hơn trong Quy định số 96. Theo đó, người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức; hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hay thời hạn bổ nhiệm. Trong khi đó, theo quy định cũ, người có trên 1/2 phiếu tín nhiệm thấp chỉ bị xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên "cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác".  Đặc biệt, một điểm mới đáng chú ý hơn cả trong Quy định số 96 là đã bổ sung thêm tiêu chí về sự gương mẫu của không chỉ của bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý đó mà còn của cả vợ, chồng, con cái họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, còn xem xét trách nhiệm nêu gương của cán bộ khi lấy phiếu tín nhiệm.
 
Trong Quy định số 96 cũng nêu 2 tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu). Trong đó có xét đến khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
 
Cùng với đó, việc lấy phiếu tín nhiệm còn xem xét đến tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị trực thuộc. Kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác kiểm tra, giám sát; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực cán bộ lãnh đạo, quản lý phụ trách.
 
THANH THUẬN
 
 

.