Hạnh phúc của nhân dân

03:03, 21/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hạnh phúc của người dân đơn giản là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Vì thế, sinh thời Người từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". 
 
[links()]
 
Quan điểm của Hồ Chí Minh về “hạnh phúc”
 
Cách mạng Tháng Tám thành công, với cương vị là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Người nhiều lần nhắc nhở: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, vào ngày 3/9/1945, Người đã nêu lên những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền đó là “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Có như thế mới giúp người dân Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu để cùng nhau xây dựng “một xã hội hoàn toàn mới mẻ, đầy tính nhân văn”, để “đưa quần chúng đến một cuộc sống xứng đáng, vẻ vang và ngày càng phồn vinh, làm cho mọi người lao động có một Tổ quốc tự do, hạnh phúc và hùng cường, hướng tới những chân trời tươi sáng”.
 
Nụ cười hạnh phúc và bình an.                         Ảnh: NGUYỄN VĂN MINH
Nụ cười hạnh phúc và bình an. Ảnh: NGUYỄN VĂN MINH
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đất nước, Người rất coi trọng các chính sách kinh tế nhằm đạt tới sự ổn định và phát triển xã hội, đem lại hạnh phúc cho con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải chăm lo đến đời sống nhân dân “phải quan tâm đến điều kiện sinh hoạt vật chất của nhân dân. Cán bộ từ trên xuống dưới phải chăm nom đến chỗ ăn, chỗ ở, chỗ làm việc của công nhân... tổ chức nhà ăn, nhà ở, nhà gửi trẻ cho tốt, cho chu đáo”. Người nêu rõ: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Trong Di chúc, Người dặn dò: “Mỗi đảng viên và cán bộ “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
 
Sự vận dụng của Đảng ta hiện nay
 
Vận dụng quan điểm của Người về “hạnh phúc”, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn quan tâm hiện thực mục tiêu hạnh phúc của người dân. Chỉ số hạnh phúc của người dân cũng là một trong những nội dung được các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội quan tâm triển khai thực hiện. Sau hơn 35 năm Đảng ta kiên trì thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... đã góp phần tạo dựng một diện mạo mới của Việt Nam, một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện đáng kể, bộ mặt của đất nước và cuộc sống người dân không ngừng thay đổi. 
 
Trên hành trình đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để mỗi người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân, quyền dân chủ của nhân dân. Đồng thời coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết giữa các quốc gia; trong đó có việc thực hiện tốt các cam kết quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
 
Hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu chung của nhân loại tiến bộ hiện nay. Thế giới rất quan tâm để đánh giá sự tiến bộ của một quốc gia, vì thế, bắt đầu từ ngày 20/3/2013, Liên hợp quốc đã tổ chức ngày Quốc tế hạnh phúc đầu tiên với lời kêu gọi “Hãy hành động vì hạnh phúc”. Từ đây, ngày Quốc tế hạnh phúc được tổ chức hằng năm và hiện nay nhận được sự hưởng ứng của hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là dịp để nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung thể hiện mong muốn, niềm tin và quyết tâm vì một thế giới hòa bình, phát triển thịnh vượng, mọi người được hưởng trọn hạnh phúc.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “hạnh phúc của nhân dân” đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân học tập và thấm nhuần. Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân”. 
 
Đảng ta luôn xác định, nhân dân là đối tượng thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Đảng ta đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nêu cao ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
ĐẠI NGHĨA
 
 
 

.