Công tác quản lý đất trồng rừng còn lạc hậu

09:11, 01/11/2011
.

Sáng nay, 1-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng toàn quốc. Phát biểu tại tổ, nhiều đại biểu TPHCM cho rằng, con số báo cáo của Chính phủ chưa sát với tình hình thực tế về diện tích che phủ rừng và lưu ý cần có sự giám sát chặt chẽ hơn để đưa ra con số trước khi lập kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Theo báo cáo của Chính phủ, sau 13 năm thực hiện, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng cơ bản hoàn thành sau 13 năm thực hiện. Độ che phủ rừng tăng từ 32% năm 1998 lên 39,5% năm 2010. Đến nay, trữ lượng gỗ cả nước là 935,3 triệu m³, tăng 24,4% so với 1998. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội phê duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020 với mục tiêu: đưa độ che phủ của rừng lên 42% - 43% vào năm 2015 và 44% - 45% vào năm 2020.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện cho rằng, công tác quản lý rừng còn lạc hậu, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật, vẫn dựa vào rà soát đánh giá của địa phương nên sai số lớn.

Đại biểu Đỗ Văn Đương chia sẻ, hiện nay việc bảo vệ rừng rất kém, khoán trắng cho kiểm lâm, rất nhiều nơi xảy ra móc nối, chính quyền buông lỏng quản lý. Việc di dân tự do cũng tác động không nhỏ, phải cấp đất rừng, tập quán đốt nương làm rẫy vẫn còn, dẫn đến phá hủy môi trường, bảo vệ động vật quý hiếm… Rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng hỗn giao chiếm diện tích lớn (75%); còn rừng giàu, rừng trung bình chỉ chiếm 25%.

Từ đó, đại biểu này cũng băn khoăn, số lượng độ che phủ rừng như báo cáo của Chính phủ là cộng cơ học từ các địa phương, địa phương cộng cơ học từ các tiểu khu,… Do vậy, độ chính xác không cao. Hiện mất loại rừng nào các địa phương cũng không bóc tách được nên không có giải pháp phục hồi tốt.

Còn theo đại biểu Đặng Thành Tâm, việc quản lý, giám sát rừng hiện chưa tốt. “Đi Tây Bắc, Tây Nguyên chỉ cần vào rừng sâu vài trăm mét là biết ngay. Nếu gọi là rừng thì phải rõ ràng chứ không phải vài cây “lèo tèo” cũng gọi là rừng”. Đại biểu này đề nghị cần xem xét lại tính chính xác tỷ lệ nào gọi là rừng, chứ không chấp nhận được con số che phủ rừng hơn 39,5% như báo cáo. Yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quay phim báo cáo lại, tiếp tục tính toán để đưa con số sát thực tế trước khi tính bước tiếp theo.

Liên quan đến đất trồng lúa, đa số các đại biểu đều cho rằng phải đạt được mục tiêu giữ 3,8 triệu ha dù con số địa phương tổng hợp về hiện chỉ còn 3,6 triệu ha, để đảm bảo an ninh lương thực. Đại biểu Đỗ Văn Đương, Đặng Thành Tâm thì đề nghị không nên coi con số 3,8 triệu ha là mục tiêu phải giữ mà phải thay bằng chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa vì hiện nay biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng mạnh đến nhiều nước trên thế giới và rõ ràng lương thực sẽ tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam.

Còn theo đại biểu Võ Thị Dung, Quốc hội cần có nghị quyết về bảo vệ phát triển đất trồng lúa, trồng rừng và có các chính sách đặc thù. Bởi hiện nay, việc lấy đất nông nghiệp để làm sân golf, khu nghỉ dưỡng,… thực tế không mang lại hiệu quả nhưng gây tác động rất lớn đến đời sống của những người mất đất.
 
Theo SGGPO

.