Cảm xúc đầu năm

03:01, 05/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một năm đã qua với bao nhiêu buồn vui, được và mất, những dự tính tựu thành và bất thành, những điểm son và những vết mờ.

Bây giờ lên mạng hay gặp chuyện “người xấu, việc xấu”. Có lẽ kể bấy nhiêu cũng chưa đủ, cũng chỉ mới nói được một phần sự xuống cấp của đạo đức, một phần sự thờ ơ vô cảm đang có xu hướng lan nhanh trong xã hội. “Tai họa như trẻ con trên mặt đất/Người ta rồi ai cũng có thôi/Anh nói điều ấy thật thản nhiên/Mắt đăm đắm nhìn chiều xuống/”( Paul Eluard). Đúng là đã có không ít tai họa. Vấn đề là anh nhìn tai họa ấy như thế nào?  Và thi hào Pháp Eluard kết luận: “Và giọng anh yên tĩnh hầu như tội ác”. Sự “yên tĩnh” giả tạo trong hoàn cảnh ấy, sự thờ ơ vô cảm trong hoàn cảnh ấy nhiều khi đồng hành với tội ác. Và nhiều khi chính là tội ác.

Nhưng, nếu cái xấu nhiều như vậy, thì ngược lại, cái tốt, người tốt lại đông hơn gấp bao nhiêu lần. Nhiều khi, vấn đề chỉ là ở truyền thông. Bây giờ, truyền thông ở ta thích câu khách bằng chuyện các vụ án, chuyện “cướp, giết, hiếp”. Tất cả đều có thật. Nhưng nếu chỉ như thế, thì cộng đồng xã hội đã tan rã từ khuya rồi! Sở dĩ chúng ta còn sống được tới hôm nay để có thể hy vọng vào ngày mai, chính là nhờ những người tốt, những người hiền, những người lương thiện và trong sạch đang sống quanh ta.

Họ âm thầm tới mức nhiều khi ta quên mất là họ đang hiện diện. Vậy mà họ đang hiện diện, và lòng tốt, đức vị tha, lòng nhân ái của họ tiếp tục là dưỡng khí giữ cho xã hội này còn thở được một cách bình thường. Có một nhà văn Nga đã nói: “Cội nguồn của văn hoá chính là lòng nhân ái”. Và tôi hiểu: Văn hoá chỉ thực sự hiện diện khi nó thể hiện được lòng nhân ái của con người.

Mà lòng nhân ái thì không bao giờ chấp nhận, không bao giờ đồng hành cùng sự tham lam, độc ác, thù hận, ganh ghét. Có một đứa con đi ăn cướp, tàn nhẫn vung dao chém lìa cánh tay của nạn nhân để cướp, thì đó phải là nỗi đau vô cùng của một người mẹ. Là người mẹ, ai cũng thương đứa con đứt ruột đẻ ra. Nhưng không phải vì thương con mà khi con mình gây tội ác tới mức bị tuyên án tử hình, mình lại trút hết căm giận lên…nạn nhân của chính con mình. Đi ăn cướp không phải để thể hiện cuộc đấu tranh giữa người nghèo với người giàu như trong chuyện cổ tích, mà thể hiện sự tham lam, lười biếng, độc ác.

Từ câu chuyện về đứa con vô đạo và người mẹ mù loà về đạo đức ấy, tôi đã thấy có bao nhiêu người tốt nhẹ nhàng lên tiếng. Họ thông cảm với nỗi đau của người mẹ có thể mất con, dù đứa con ấy hư hỏng tồi tệ đến thế nào. Nhưng họ không chấp nhận lòng hận thù của người mẹ với nạn nhân vô tội của chính đứa con mình, vì đó là sự thù hận mù lòa, bất nhân.

Nhưng nếu phải nghe hay chứng kiến toàn những chuyện như thế thì quả thật khó… thở. May quá, người tốt, chuyện đẹp vẫn còn rất nhiều quanh ta. Mấy ngày nay, công luận đã vô cùng xúc động trước câu chuyện hai em bé được sinh đôi trong ống nghiệm khi người cha của hai cháu đã mất vì tai nạn giao thông cách đây đã 4 năm. Chỉ có tình yêu, lòng chung thủy, đức hy sinh, và cao nhất, là lòng nhân ái, mới khiến được một góa phụ trẻ-một tiến sĩ-quyết định cho chào đời hai đứa con với sự trợ giúp của y học hiện đại, làm sống lại tình yêu và khát vọng với người chồng đã quá cố của mình. Đó thực sự là một chuyện cổ tích thời hiện đại, một chuyện cổ tích có hậu và tuyệt đối nhân văn.

Có biết bao những chuyện đẹp, những người tốt như thế giữa hôm nay. Chính điều đó đã khiến chúng ta cảm thấy an bình, thanh thản, nhẹ lòng trong ngày đầu năm còn rét đậm này.   

Thanh Thảo
 


.