Về làng Gò Cỏ nghe hát bài chòi

08:01, 11/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giữa tất bật mưu sinh, câu hát bài chòi như mạch nguồn tha thiết. Không chỉ là đam mê, bài chòi như hồn cốt trong đời sống văn hoá tinh thần mà người dân làng Gò Cỏ, thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) nhắc nhau gìn giữ và lưu truyền.
 
Trải qua hàng trăm năm, lúc thăng, lúc trầm, nhưng nghệ thuật bài chòi như mạch nước ngầm, luôn hiện diện trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân làng Gò Cỏ.
Như mạch nước ngầm
 
Ở vùng đất chỉ có nắng gió và biển khơi, cách biệt với bên ngoài bởi đồi núi, thế nhưng dân làng Gò Cỏ hiểu lý do ngày trước ông cha chọn vùng đất này để lập nghiệp. Trước đây, khi dân làng biển ra khơi, trúng đậm những mẻ cá, sơ chế bảo quản, rồi đưa về các vùng thôn dã buôn bán, đổi lấy lúa gạo... Theo cách nói của người xưa “củi khô gửi xuống, cá chuồn đưa lên” là quan hệ trao đổi lương thực, thực phẩm giữa miền núi và vùng xuôi. 
Người dân làng Gò Cỏ cùng nhau cất lên những điệu hát sắc bùa, hát đối, bài chòi.
Người dân làng Gò Cỏ cùng nhau cất lên những điệu hát sắc bùa, hát đối, bài chòi.
Những năm chiến tranh, người dân nơi đây không chỉ đối mặt với gió cát mà còn đương đầu với bom gầm đạn réo. Họ kiên cường bám trụ, đùm bọc, chở che cho bộ đội, cất giấu vũ khí. Hơn 40 năm cuộc chiến đi qua, vùng đất này đã hồi sinh và dường như những câu hát bài chòi thiết tha đã góp phần cho sự trường tồn của làng Gò Cỏ.
 
Người dân làng Gò Cỏ, ai cũng thích nghe, xem và mê hát bài chòi, nhưng không ai biết được những làn điệu dân ca này có từ bao giờ. Họ chỉ biết rằng, cách nay mấy đời, từ ông cha, đến thế hệ bây giờ và con cháu nữa ai ai cũng coi hát bài chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu. Cụ bà Trần Thị Chín là một trong những nghệ nhân hát bài chòi của làng Gò Cỏ. Đã gần 90 tuổi, chợt nhớ, chợt quên, nhưng bà Chín vẫn thuộc những câu hô, điệu hát bài chòi mỗi khi bật ra đều ngọt ngào, êm dịu.
 
“Tôi được tiếp xúc và đam mê bài chòi từ nhỏ qua các chiến sĩ văn công vào mấy chục năm trước. Nơi họ biểu diễn chỉ là đôi chiếu trải trước sân nhà hoặc ngoài bãi biển. Ánh sáng là ngọn đèn măng-xông. Hát mộc nhưng người xem cứ bị mê mẩn, hút hồn bởi những ca từ mộc mạc, thiết tha, dễ hiểu, dễ nhớ của bài chòi”, bà Chín bồi hồi.
 
Thời chiến tranh, hàng hàng lớp lớp thanh niên yêu nước lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, mở rộng vùng giải phóng. Chính quyền cách mạng được thành lập khắp nơi. Cùng với đó, nhiều đoàn văn công được thành lập, với phương châm "cây nhà lá vườn", "tự biên tự diễn", "có đất, có dân là có văn nghệ". Với tinh thần “tiếng hát át tiếng bom”, các chiến sĩ văn công đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội và nhân dân. Trong đó, bài chòi đã đem đến cho bộ đội món ăn tinh thần, nâng cao sĩ khí đấu tranh và góp phần cổ vũ phong trào cách mạng.
 
Nguyên vẹn tình yêu với bài chòi
 
Nhờ có người trong làng như bà Chín mà hát bài chòi được trao truyền và lan toả. Người dân Gò Cỏ từ thưởng thức chuyển sang biết hát, biết biểu diễn bài chòi để phục vụ cho chính mình và cứ thế duy trì cho đến ngày nay. 
Những bậc cao niên ở làng Gò Cỏ truyền dạy hát bài chòi cho con cháu.
Những bậc cao niên ở làng Gò Cỏ truyền dạy hát bài chòi cho con cháu.
 
Trước hiên nhà bà Bùi Thị Vân, mọi người tụ tập để nghe điệu hát sắc bùa, hát đối, bài chòi. Bà Vân kể: "Khi tôi tham gia giao liên cách mạng, được các anh hướng dẫn hát bài chòi. Ngày ấy, những lời ca ngân vang giữa xóm làng đã động viên mọi người dũng cảm đứng lên chống giặc ngoại xâm. Những lời ca cổ vũ tinh thần bộ đội trước khi nhập ngũ ngày ấy nay nhiều người vẫn nhớ: Một lời non sông kêu gọi/ Mai lên đường hỡi lứa tuổi thanh niên/ Đừng vấn vương gì một chút tình riêng/ Khi giặc Mỹ cố tình đưa ta vào cõi chết/ Khi sông núi ngày đêm rên xiết/ Từng giây tha thiết gọi ta lên đường (trích trong bài "Trước lúc lên đường").
 
Ngày mùa, người dân trong làng ra đồng thu hoạch. Công việc nặng nhọc, nhưng khi có người cất lên lời ca thì cả nhóm hưởng ứng hát đối lại. Những lời ca ấy nhanh chóng lan truyền. Những làn điệu "Gửi Đức Phổ quê tôi", "Gửi lòng con đến cùng cha", "Trước lúc lên đường"... gần gũi, sâu lắng, trữ tình đan quyện, thổn thức, réo rắc đậm chất dân dã đã “ngấm” vào tình đất, tình người nơi đây.
 
Với niềm đam mê và chút “vốn liếng” học từ những nghệ nhân, bà Huỳnh Thị Thương mày mò sáng tác và cùng với những người cùng trang lứa, các em thiếu nhi trong làng gây dựng phong trào văn nghệ bằng cách tập hát, biểu diễn... để phục vụ dân làng sau những ngày sóng lặn, biển yên, được mùa tôm cá.
 
Giờ đây, lời ca mộc mạc của bài chòi đã đến gần với mọi người, nhất là các cháu thiếu nhi. Em Nguyễn Thị Giác, học lớp 3A, Trường Tiểu học số 3 Phổ Thạnh bày tỏ: "Con thích được ông bà dạy hát lắm. Tuy bài chòi khó hát nhưng khi hát được thì cảm thấy dễ cảm động, đi vào lòng người".
 
Dù thời gian có thể xóa nhòa nhiều thứ, dù tuổi tác có thể làm quên lãng bao điều, nhưng tình yêu với dân ca bài chòi vẫn luôn cháy trong trái tim của người dân làng Gò Cỏ. Và đó chính là niềm khích lệ, động viên rất lớn để lớp trẻ hôm nay tiếp tục gìn giữ ngọn lửa âm nhạc truyền thống trong đời sống đương đại với nhiều bộn bề, tấp nập...
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 
                                                                                                                                              

.