Đắm say khúc hát bài chòi

09:09, 24/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lời ca mượt mà truyền theo dây tơ mỏng manh đến bạn tâm tình trên gò đồi hay ruộng đồng giữa đêm thanh vắng. Khúc hát giãi bày tâm tư, đưa người đến với người, gắn kết lứa đôi nên duyên vợ chồng... Qua thời gian, bài chòi ngày càng phong phú, làm say đắm bao người.

TIN LIÊN QUAN

Lời ca giao tình

Nghệ nhân ưu tú Võ Duy Khánh, ở xã Phổ Cường (Đức Phổ) lúc nào cũng hào hứng khi nói về dân ca bài chòi. Gần trọn cuộc đời, ông gắn bó với những câu hát mượt mà, sâu lắng như tiếng lòng của người dân quê. Bao năm mê đắm bài chòi, ông tìm hiểu và khá am tường về loại hình nghệ thuật lưu truyền qua bao thế hệ. Trò chuyện với ông, giúp tôi hiểu thêm bao điều thú vị về di sản văn hóa phi vật thể trên dải đất miền Trung đầy nắng gió.

Thuở trước, thú rừng thường rời núi xuống ruộng đồng hay gò đồi phá hoại lúa và hoa màu của người dân quê nhọc công chăm bón. Cư dân trong làng dựng những chiếc chòi cao để tránh thú dữ và bảo vệ mùa màng.

Đêm đến, trai tráng và thôn nữ trong làng rời nhà rồi leo lên chòi cao để canh chừng muông thú gây hại thành quả gieo trồng. Khi phát hiện thú rừng, họ liền hô to, rồi gõ mõ tre xua đuổi chúng về chốn non cao. Đêm tịch liêu, nỗi buồn xâm chiếm cõi lòng những người trẻ trung, căng tràn sức sống như thân cây rạo rực đâm chồi giữa ngày xuân.

Các nghệ nhân biểu biểu bài chòi nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Quảng Ngãi (1.7.1989 - 1.7.2019). Ảnh: THIÊN HẬU
Các nghệ nhân biểu biểu bài chòi nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Quảng Ngãi (1.7.1989 - 1.7.2019). Ảnh: THIÊN HẬU

Những câu hò, điệu lý lướt bay trên cỏ cây làm vơi đi nỗi buồn trong đêm thanh vắng. Rồi lời ca tâm tình giữa hai căn chòi được kết nối qua phương tiện truyền âm khá hiện đại thời bấy giờ. Họ dùng ống tre rỗng bịt một đầu bằng da ếch phơi khô, ở giữa miếng da đục lỗ nhỏ rồi xỏ sợi tơ tằm gắn với ống tre gắn da ếch phía chòi bên kia. Khi người này hát, người kia áp ống vào tai để nghe những ca từ giản dị thấm đẫm nghĩa tình.

Khúc hát chân quê bày tỏ nỗi lòng thầm kín: "Thân em như cái giường lèo (giường uốn lượn làm bằng tre)/ Thân anh như chiếu rách chèo queo xó hè/ Cầu trời cho gió thổi lên/ Cho manh chiếu rách nằm trên giường lèo..." đã làm lay động tâm hồn, se duyên đôi lứa.

Bài chòi dần làm say đắm bao người khi có tiếng đàn, nhịp phách phụ họa, nâng lời ca bay bổng giữa chốn quê. Xóm làng dần đông đúc, nhiều người thường tụ họp để hát và nghe bài chòi sau những giờ lao động vất vả trên ruộng đồng. Dân ca bài chòi ngày càng phong phú và hấp dẫn với sự đóng góp của những "nghệ sĩ chân quê" tài hoa. Họ ứng tác trước đám đông với lời ca mượt mà bày tỏ nỗi niềm, hát về khung cảnh yên bình nơi làng quê, ngợi ca những bậc tiền nhân có công mở mang xóm làng...

Loại hình nghệ thuật dân gian này càng thu hút dân chúng với hội đánh bài chòi vào dịp Tết, lễ hội khi nhiều người "rủ nhau đi đánh bài chòi/ để cho con khóc tới lòi rún ra". Trên bãi đất trống là những căn chòi nhỏ thơm hương rơm vừa gặt từ đồng làng.

Sau hồi trống chầu, âm thanh của nhiều loại nhạc cụ ngân vang phụ họa dẫn dắt vào cuộc vui chơi. Tiếng cười nói rộn ràng lẫn trong giọng hát của anh, chị hiệu (người hô thai) cùng tiếng mõ giục giã dân làng tụ tập chơi hội. Cạnh chòi, trẻ thơ tung tăng khoe áo mới, nam thanh nữ tú buông lời tán tỉnh và đong đưa ánh mắt trao tình.

Huyện Đức Phổ hiện có 230 người biết hát bài chòi, 5 người biết đàn các làn điệu bài chòi. Trong đó, có 2 người sáng tác, dàn dựng bài chòi. Nhiều tiết mục bài chòi tham gia hội thi, hội diễn các cấp đạt giải cao.

Lời ca chợt ngừng khi hồi mõ kéo dài báo hiệu có người thắng trong cuộc chơi với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt sạm đen vì nắng gió. Người thắng hân hoan nhận thưởng với lời hát chúc mừng của anh, chị hiệu hòa cùng tràng vỗ tay vang dậy, khích lệ tinh thần người chơi. Mọi người tiếp tục mua thẻ bài và cuộc chơi kéo dài đến tận đêm khuya.

"Bài chòi xuất hiện từ khi người Việt vào mở mang, khai phá đất phương nam với lời hát đối đáp đơn sơ giữa những người dân quê chân chất. Sau đó, cụ Đào Duy Từ sáng tạo ra hội chơi bài chòi khá độc đáo, thu hút nhiều người tham gia.

Vùng đất Đức Phổ giáp ranh với Hoài Nhơn (Bình Định, nơi cụ Đào Duy Từ cư ngụ và được xem là đất tổ của hội đánh bài chòi), nên bài chòi khá phát triển", nghệ nhân Võ Duy Khánh cho biết.   

Khích lệ tinh thần chống ngoại xâm

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nhiều nghệ sĩ hăng hái tham gia, đóng góp sức mình vào cuộc đấu tranh thần thánh của dân tộc. Họ hòa mình vào quần chúng để sưu tầm những lời ca cổ và cải biên nhiều bài hát cho phù hợp với cuộc sống thời bấy giờ.

Những lời ca ngân vang giữa xóm làng hay núi rừng động viên tinh thần quân dân hăng hái đánh Tây. Vùng đất Phổ Cường thuở ấy có nhiều người mê đắm dân ca bài chòi. Họ dùng lời ca, tiếng nhạc động viên nhau dũng cảm đứng lên chống ngoại xâm.

Làng quê sục sôi khí thế đấu tranh, nhân dân chung tay đóng góp cho cách mạng được khen tặng là xã kiểu mẫu của Khu 5 vào năm 1950, rồi đến đầu năm 1951 được Khu ủy Khu 5 tặng cờ “ngọn đuốc thi đua”. Ngay sau đó là những lời ca tự hào về truyền thống quê hương trung dũng, kiên cường: “Từ ngày kháng chiến, nước ta lẫy lừng... Giờ thi đua, thi tài, ta thi chí/ Cho xã nhà lấy tiếng nghìn thu/ Ngọn cờ thắm, sao vàng ta ghi nhớ/ Cho muôn người ghi nhớ, đừng quên”.

Trong chiến tranh chống Mỹ huyện Đức Phổ thành lập những đội văn nghệ, đội vũ trang tuyên truyền mang lời ca, tiếng đàn phục vụ chiến sĩ và đồng bào. Nơi núi rừng, các thành viên trong đội hăng say sáng tác và luyện tập ca hát giữa tiếng gầm rú của máy bay và những đợt bom rơi, pháo dập của quân thù. Với sự bảo vệ của bộ đội, đêm đến, họ xuống đồng bằng, vào gần đồn địch biểu diễn phục vụ đồng bào và kêu gọi binh lính Việt Nam Cộng hòa quay về với nhân dân.

Làn điệu bài chòi vút lên trong đêm tối cổ vũ tinh thần quân dân, làm nhụt ý chí của đối phương. Những câu hát: “...Mẹ anh hùng con lại sá chi/ Bé mười ba tuổi cũng đi diệt thù… Cờ bay trên đỉnh núi Dâu/ Tay không buộc Mỹ cúi đầu rút lui...”, làm nức lòng người nghe.

"Khi biết chúng tôi về biểu diễn có hát bài chòi, gia đình binh lính Việt Nam Cộng hòa đến xem đông lắm nên phía bên kia không bắn pháo vào nơi đó. Sau mỗi tiết mục, họ vỗ tay tán thưởng khá vui vẻ. Nhiều khi, mấy người lính trong đồn dùng ống sắt rỗng làm loa khen chúng tôi diễn hay và nói: “Hát bài chòi hay quá chừng. Hát tiếp nữa đi!"", ông Khánh cho biết.

Gìn giữ cho đời sau

Thời gian qua, ngành văn hóa huyện Đức Phổ đã nỗ lực bảo tồn với mong muốn lưu truyền dân ca bài chòi cho hậu thế. Những làn điệu: Xuân nữ, cổ bản, xàng xê, vè quảng, hò quảng... biểu diễn tại các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng làm say đắm bao người. Những bậc cao niên chăm chú nhìn lên sân khấu thưởng thức lời ca hòa cùng tiếng nhạc trong ánh đèn điện lung linh sắc màu. Họ như được trở về những ngày xưa, thuở còn thơ cùng chúng bạn tụ họp nghe hát bài chòi. Những người trẻ tuổi chăm chú xem và hào hứng vỗ tay sau mỗi bài hát.

Liên hoan dân ca bài chòi do ngành văn hóa huyện Đức Phổ tổ chức với 31 thí sinh tham gia biểu diễn cùng đông đảo người dân đến xem và cổ vũ. Khán giả ngỡ ngàng với tà áo dài trắng tinh khôi xuất hiện trên sân khấu, nơi chỉ "dành cho những giọng ca ngày cũ".

Hai nữ sinh đến từ vùng quê Sa Huỳnh bốn mùa lộng gió với giọng ca mượt mà làm mê đắm lòng người: "Giữ cho thuyền lộng biển khơi/ Cho ta về lại đất trời quê hương/ Cho bao em bé thân thương/ Rộn ràng cắp sác đến trường tươi vui/ Đò ngang cô gái mỉm cười/ Đưa anh giải phóng về xuôi cùng thuyền/ Muối ta gửi đến khắp miền/ Sa Huỳnh dừa lại ngọt duyên mặn tình...".

Em Võ Thị Nguyệt Vy tâm sự: "Bài chòi tuy khó hát, nhưng khi hát được thì cảm thấy êm ấm, da diết đi sâu vào lòng người, dễ cảm động. Đây là loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc cần lưu giữ, đặc biệt là giới trẻ. Vậy nên, em rất yêu thích bài chòi".

Qua bao thăng trầm, bài chòi vẫn "cháy âm ỉ" trong tim nhiều người mê đắm những lời ca mượt mà, thấm đẫm tình quê. Những lời ca ấy lưu truyền qua bao thế hệ, gắn kết yêu thương cho đời thêm tươi đẹp.


TRANG THY

 

.