Kinh tế số - động lực liên kết Vùng miền Trung và Tây Nguyên

16:01, 24/04/2024
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng ngày 24/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định (TP.Quy Nhơn), báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
 
Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm; TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số và hơn 30 hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước.
 
a
Quang cảnh hội thảo.

 

Thống kê của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Chỉ số Bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, tăng 1 cấp độ so với năm 2021, đứng thứ 38. Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023. Thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.
 
Các đại biểu dự hội thảo.
Các đại biểu dự hội thảo.

 

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã lựa chọn chủ đề năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
 
Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đã quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, chuyển đổi số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chưa đồng đều, còn khoảng cách khá xa so với một số khu vực khác.
 
a
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại hội thảo.

 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định, với Vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, công nghệ số giúp giải quyết bài toán toàn dân tham gia toàn diện vào phát triển kinh tế số trên các nền tảng số. Kinh tế số tạo ra không gian phát triển và tăng trưởng hoàn toàn mới, có dư địa lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, giúp tăng nhanh quy mô của nền kinh tế. Đặc biệt, để giải quyết bài toán liên kết vùng hiện vẫn còn khá  lỏng lẻo, kinh tế số sẽ liên kết trên không gian mạng, liên kết chia sẻ dữ liệu vốn là những tài nguyên vô hình sẽ nhanh hơn, ít tốn kém hơn so với xây dựng các liên kết vật lý như cầu đường, sân bay,…

Tại Hội thảo, nhiều mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong chuyển đổi số đã được đại diện các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ. Phó Tổng Giám đốc Công ty VNPT IT Lê Xuân Sơn nhấn mạnh, với đặc điểm của Vùng, cần chú trọng các giải pháp chuyển đổi số ngành công thương, xây dựng và giao thông vận tải. Trong đó, tập trung đến việc xây dựng và khai thác các nền tảng dữ liệu ngành cũng như áp dụng các công nghệ số trong các hoạt động của ngành.
 
Phó Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Đan cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo toàn ngành tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ chuỗi cung ứng nông sản sang liên kết giá trị ngành hàng; chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, định hướng phát triển kinh tế số nông nghiệp.
 
Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số nông nghiệp đạt tối thiểu 10% trong GDP.NN; Xây dựng mô hình “mẫu” về sản xuất, kết nối nông nghiệp thông minh; Hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số; 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử, trên 50% chủ thể OCOP tham gia kênh thương mại điện tử; Số hóa 70% dữ liệu thông tin hộ sản xuất nông nghiệp...
a
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quốc Huy Hoàng dự hội thảo.
 
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quốc Huy Hoàng, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 6/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã nhận thức cao và phát huy vai trò trong công tác chuyển đổi số, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.
 
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan đơn vị địa phương trong tỉnh đã tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ của Tỉnh ủy, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao; với tinh thần hết sức tập trung, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và quyết liệt ngay từ đầu năm.
 
Quảng Ngãi tiếp tục hoàn thiện các các nền tảng số, dịch vụ số (trong đó ưu tiên triển khai các nền tảng số dùng chung của các bộ, ngành) để cung cấp cho người dân tham gia sử dụng các tiện ích, dịch vụ của chính quyền và doanh nghiệp cung cấp; Đồng thời, tỉnh Quảng Ngãi cũng đặc biệt quan tâm đến hiệu quả của người dân tham gia sử dụng các nền tảng số. Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai hiệu quả công tác truyền thông, tập huấn và hướng dẫn người dân về nâng cao nhận thức và kỹ năng số (năm 2023 Quảng Ngãi đã triển khai tập huấn cho hơn 957.600 lượt người tham gia, đạt tỷ lệ khoảng 79% dân số trên địa bàn tỉnh).
 
Từ tháng 11/2023 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp dẫn đầu cả nước về thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG. Nối tiếp thành công đó, Quảng Ngãi tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai đẩy mạnh công tác này. Ngay sau tết Nguyên đán, trong đầu tháng 3/2024, các cơ quan và địa phương đã Tổ chức Tọa đàm về “Thanh toán không dùng tiền mặt” để chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng mô hình về Công tác thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
 
Cũng theo ông Hoàng, trong 3 tháng đầu năm 2024 với tình hình an toàn thông tin mạng trên toàn quốc có diễn biến phức tạp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng kịp thời và thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cơ bản trong toàn dân; triển khai đầy đủ các phương án, giải pháp nâng cao năng lực phòng, chống tấn công mạng đối với hệ thống thông tin các cơ quan nhà nước.

Tin,ảnh: PV
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Xuất bản lúc: 16:01, 24/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.