Phấn đấu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030

12:45, 29/11/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam tiếp tục cam kết với quốc tế giải quyết những vấn đề bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế; đảm bảo quyền tiếp cận cho mọi người dân; phấn đấu đạt mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.

Sáng 29/11, Bộ Y tế tổ chức mít tinh trực tuyến hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12). Dự lễ mít tinh có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; lãnh đạo Bộ Y tế cùng các bộ, ngành trung ương. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 2024, Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) lựa chọn chủ đề ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS là "Take the Right Path", nhấn mạnh vai trò của nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; vai trò của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Quảng Ngãi.
Lãnh đạo Sở Y tế, cùng đại diện các sở, ngành, cơ quan, đơn vị hưởng ứng lễ mít tinh tại điểm cầu Quảng Ngãi.

Hưởng hứng ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam chọn chủ đề là "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Với chủ đề này, Việt Nam cam kết với quốc tế giải quyết những vấn đề bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Đảm bảo quyền tiếp cận cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ cao. Phấn đấu cùng các quốc gia trên thế giới đạt mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.

Mục tiêu có hiệu quả khi đạt được các tiêu chí: Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm; tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS dưới 1/100 nghìn người dân; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới 2%.

Sau gần 35 năm triển khai, chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút nhiều sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nước. Việt Nam đã thể hiện sự cam kết thông qua việc xây dựng và thực hiện các chính sách cụ thể nhằm đảm bảo mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng. Chính phủ đã thông qua Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS; ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS và chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc các biện pháp can thiệp.

Năm 2024, toàn quốc có gần 48 nghìn người tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế, gần 70 nghìn người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV PrEP. Toàn quốc đang có gần 183 nghìn bệnh nhân được điều trị ARV.

Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương cần xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là nội dung quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Rà soát, bổ sung hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo phù hợp, đồng bộ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền, giáo dục, nhất là chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến người nhiễm HIV/AIDS.

Ngành y tế huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống HIV/AIDS; ưu tiên cho các cơ sở, địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng với đội ngũ hỗ trợ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long mong muốn các quốc gia, các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực, xây dựng các chính sách đồng bộ và chỉ đạo triển khai hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống HIV/AIDS.
 

Tin, ảnh: THIÊN HẬU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 12:45, 29/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.