Cái bộng dầu

17:33, 29/11/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nếu trong nghề ép mía nấu đường, cái che ép mía là trung tâm, thì trong nghề ép dầu phụng xưa, cái bộng là hồn cốt...

Ở làng An Hải (nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) có xóm mang tên là xóm Bộng, vì ngày trước nơi đây người ta có dựng chòi ép dầu phụng, đặt bộng. Sau ở đây không còn nhiều người trồng đậu phụng, bộng ép dầu cũng không còn, chỉ còn lưu lại trong địa danh. Thuở xưa, nhiều làng quê trồng đậu phụng, như làng Phú Quý, Trung An... người ta dựng lò ép dầu.

Sách Địa dư tỉnh Quảng Ngãi của Nguyễn Đóa, Nguyễn Đạt Nhơn, xuất bản trước năm 1945 có ghi “... nghề làm dầu phụng ở làng Phú Quý (Bình Sơn), Tú Sơn (Mộ Đức)”. Không chỉ vậy, rải rác đây đó đều có trồng đậu phụng. Đậu phụng sau khi thu hoạch, phơi khô có thể cất trữ để dành, khi cần thì lấy ra rang muối đậu, nhưng nếu có nhiều và cần dùng dễ dàng hơn cho việc xào nấu, thì phải ép lấy dầu. Dầu phụng vì vậy là loại dầu ăn chủ lực của người Quảng Ngãi xưa, làm thành phần chính tạo nên chất lượng, hương vị các thức ăn.

Ép dầu đòi hỏi có tay nghề nên phải có thợ chuyên làm, lại có nhiều công cụ như lớn và công phu gồm cối giã, lò hấp, đặc biệt là bộng, nên không phải làng quê nào cũng có. Các làng quê không có lò ép dầu thì phải gánh đậu đi xa mới có lò ép. Trong làng xóm, người ta cũng xem lượng đậu phụng có nhiều thì mới dựng lò ép, chủ lò ép phải bỏ vốn ra để sắm các công cụ, thuê mướn thợ nên phải là người khá giả mới đủ sức làm.

Cái bộng dầu (không hoàn chỉnh) còn lưu ở Bảo tàng tỉnh Quảng Nam. 
Ảnh: ĐVCC
Cái bộng dầu (không hoàn chỉnh) còn lưu ở Bảo tàng tỉnh Quảng Nam. Ảnh: ĐVCC

Dụng cụ để ép dầu trong một lò ép bao gồm cối giã đậu, lò nồi lớn để hấp đậu và cái bộng để ép ra dầu. Cối giã là loại cối đá đủ sức chịu chấn động, còn chày giã là chày tay mà nhiều trường hợp là cối giã đạp (khác với cối giã tay) vì lượng đậu phụng nhiều, cần phải giã nhanh. Chày này có cần dài, nối với cần là chày, ở giữa có chốt lỗ để đạp lên xuống. Chày rất nặng nên phải có hai ba người cùng đứng đạp, một chân đứng trên mặt đất, chân kia đạp lên chày theo nhịp. Khi người ta bỏ đậu vào cối, những người đạp đều đều liên tục cho đậu nát, rồi cho vào nồi lớn đặt trên bếp lò. Người ta hấp đậu cho vừa chín thì vớt ra, đổ vào các khuôn tròn, gọi là cái niềng. Niềng được đan bằng tre, tròn kích cỡ bằng khoảng cái bánh tráng đã lót sẵn rơm mặt dưới rồi ép rơm mặt trên.

Bộng là một súc gỗ lớn, đặt nằm trên giá kê, có đục phỗng vừa cho các bánh dầu đưa vào ép, có máng hứng để đưa dầu đến vật đựng. Sau khi đậu đã được hấp chín, có phần nguội ở các cái niềng thì người thợ sắp mỗi lần vài chục bánh vào bộng, đặt cái nêm, dùng vồ đánh lên đầu cái nêm. Đậu phụng bị ép ngày càng chặt, dầu chảy ra. Người ta lấy dầu phụng đựng trong chai lọ, về nhà để dành ăn hoặc bán bớt. Xác đậu được gọi là bánh dầu dùng để bón rất tốt cho nhiều loại cây trồng. Trong nghề ép dầu phụng, ở cung đoạn đạp giã đậu người ta hay hát hố đối đáp với nhau, khi đánh vồ vào nêm, người ta thường hát hố hụi cho dồn thêm sức mạnh và quên mệt nhọc. Thợ ép dầu chủ yếu phụ trách cung đoạn hấp, ép. Các cung đoạn khác nhân công do chủ đậu lo. Người ta thỏa thuận trả công cho thợ ép bằng dầu, lúa, hay đổi công. Người không phải thợ thì vòng đổi công cho nhau.

Nếu không có cái bộng dầu thì cũng không có nghề ép dầu, cũng tựa như không có bộ che mía thì không thể ép mía lấy nước nấu đường.

Cái bộng thường làm bằng gỗ mù u để có độ dẻo chắc, chiều dài chừng 3,5 - 4m, đường kính chừng 50 - 60cm, người ta phải đục phổng tròn bên trong theo chiều dài của súc gỗ để đưa bánh dầu vào ép. Nó không phải là công cụ phổ thông nên phải có thợ chuyên làm. Chỉ có điều đến nay không thể tìm ra thợ mộc để đục bộng dầu, vì công cụ này đã được hoàn toàn thay thế bằng máy ép hiện đại.

Nhìn ngược về đời sống nặng tính tự cung, tự cấp xưa kia, để có dầu ăn hằng ngày, người ta chỉ có hai cách: Hoặc ép dầu phụng như trên, hoặc rán mỡ heo để dành. Do vậy, cái bộng ép dầu trở thành một công cụ thiết yếu trong đời sống, gắn bó với con người qua nhiều thế kỷ. Vậy nên cũng cần bảo tồn công cụ này.

CAO CHƯ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:33, 29/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.