Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

10:13, 15/04/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 30 năm tái lập huyện, ngành GD&ĐT  huyện Sơn Tây không chỉ làm tốt sứ mệnh xóa mù chữ, truyền đạt kiến thức, mà còn thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện. Buổi ban đầu khát khao có những ngôi trường vững chãi, đến hôm nay toàn bộ trường học ở huyện vùng cao này đã được xây dựng khang trang, nhiều trường đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia.

Hành trình đi từ không đến có

Ngành GD&ĐT huyện Sơn Tây được thành lập vào ngày 12/9/1994. Hơn 30 năm qua, trải qua nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiệt huyết cống hiến của đội ngũ cán bộ, giáo viên, ngành GD&ĐT huyện đã kiến tạo nên thành quả đáng tự hào. Năm 1994, toàn huyện chỉ có 525 học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 3; 92,8% số người từ 15 - 35 tuổi mù chữ; toàn huyện chỉ có 4 điểm trường tiểu học tạm bợ, với 39 cán bộ quản lý, giáo viên. Đến thời điểm này, toàn huyện có 5.790 HS; 20 cơ sở trường học từ bậc mầm non đến THPT; quy mô, mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất trường học được mở rộng, khang trang. Các trường hiện đã được đầu tư xây dựng kiên cố, trang bị đầy đủ các phòng chức năng, thư viện đạt chuẩn, thiết bị phục vụ dạy học hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

 Đồng diễn thể dục của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây.
Đồng diễn thể dục của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây.

Hiện nay, huyện Sơn Tây có 9/19 trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ huy động HS ra lớp trong độ tuổi đến trường ở bậc mầm non đạt 100%, bậc tiểu học 99%, bậc THCS 98%. Toàn huyện hiện có hơn 610 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, hầu hết đều đạt và vượt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định. Nhiều nhà giáo là cán bộ quản lý giỏi; có những thầy, cô là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Nhiều HS có thành tích học tập tốt, đạt danh hiệu HS giỏi cấp tỉnh, thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Thời gian qua, huyện Sơn Tây luôn thực hiện tốt chính sách giáo dục dành cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Theo đó, HS được hưởng chính sách hỗ trợ ăn, ở bán trú, giúp các em HS ở địa bàn vùng sâu, vùng xa có thêm điều kiện theo đuổi ước mơ học tập, trang bị kiến thức, xây dựng tương lai.

Chú trọng giáo dục toàn diện

Huyện Sơn Tây hiện có hơn 95% HS là người DTTS. Vì vậy, ngoài giảng dạy kiến thức giáo dục phổ thông, các trường học chú trọng trang bị kỹ năng sống cho HS. Thông qua các chuyên đề liên quan đến phòng, chống bạo lực học đường, bình đẳng giới, giáo dục giới tính; hướng dẫn HS nhận diện hành vi lừa đảo qua mạng, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hoạt động phi pháp... các em HS đã được trang bị các kỹ năng sống. Từ đó, giúp các em nâng cao khả năng tự bảo vệ mình trước tệ nạn xã hội.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Sơn Long (Sơn Tây) trong giờ học.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Sơn Long (Sơn Tây) trong giờ học.

Ngoài ra, trong quá trình học tập tại trường, HS còn được tham gia sưu tầm và trồng, bảo tồn cây thuốc nam để chữa những bệnh thông thường; trồng rau xanh cải thiện bữa ăn hằng ngày. Sau khi được trải nghiệm thực hành các công việc này, nhiều HS đã về tuyên truyền cho người thân trong gia đình trồng rau trong vườn nhà, chủ động thực phẩm tại chỗ, không phụ thuộc vào việc khai thác rau rừng như trước đây.

Đặc biệt, trong 4 năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây đã thành lập Câu lạc bộ Văn hóa dân gian và duy trì sinh hoạt đều đặn mỗi tháng 2 lần. Tại các buổi sinh hoạt, HS được các nghệ nhân truyền dạy cách đánh chiêng, hát những làn điệu dân ca quen thuộc. Hoạt động ý nghĩa này của nhà trường đã thu hút đông đảo cộng đồng dân tộc Ca Dong hưởng ứng. Năm 2024, nhà trường đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây, HS được tham gia các hoạt động ngoại khóa thiết thực như dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện vào ngày khai giảng, ngày kỷ niệm các sự kiện lịch sử, nhằm giáo dục lòng biết ơn đối với thế hệ cha ông đã hy sinh để giành hòa bình, độc lập cho dân tộc. Hằng năm, vào dịp đón năm mới, nhà trường đều tổ chức cho các em HS vui đón Tết cổ truyền. Các em được tham gia học gói và nấu bánh chưng, bánh tét và tự tay trang trí gian hàng, bài trí các sản vật, món ăn truyền thống của dân tộc mình. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hoa - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây cho biết, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này để các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn, phát huy, giúp thế hệ trẻ thêm yêu quê hương, đất nước, sống có trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và tương lai.

Nỗ lực xây dựng trường chuẩn

Năm học 2024 - 2025, ngành GD&ĐT huyện Sơn Tây đặt ra mục tiêu đưa Trường Mầm non Sơn Tân và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Sơn Long đạt chuẩn quốc gia. Sau những nỗ lực không ngừng của thầy, cô và HS, hai ngôi trường này đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia vào cuối năm 2024. Theo Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Sơn Long Nguyễn Văn Ánh, tháng 11/2024, trường đã được công nhận đạt chuẩn mức độ 1. Đây không chỉ là niềm tự hào của thầy và trò nhà trường, mà còn là niềm vui chung của ngành giáo dục địa phương.

Giờ thể dục của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây.
Giờ thể dục của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây.

Thầy Nguyễn Văn Ánh cho biết thêm, hiện nay, sĩ số HS của nhà trường luôn duy trì ở mức 99 - 100%; không còn tình trạng đi học "giã gạo" như trước. Học sinh rất chăm chỉ, nhiều em đã biết tự lực trong học tập. Đây là bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương một cách bền vững. Ngoài tích cực tham gia học tập, HS có ý thức bảo vệ môi trường, góp phần làm cho khuôn viên trường, lớp học ngày càng sạch đẹp. Các em còn thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, tránh xa các tệ nạn xã hội và luôn chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông. Trong suốt 5 năm qua, không có trường hợp HS vi phạm quy định pháp luật.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Nguyễn Minh Anh chia sẻ, thành quả của ngành giáo dục huyện Sơn Tây đạt được như hôm nay là nhờ sự góp sức của mỗi cán bộ, giáo viên, HS, phụ huynh; sự quan tâm của các cấp trong triển khai thực hiện các chính sách giáo dục đối với vùng cao, vùng đồng bào DTTS. Giáo dục không chỉ là dạy chữ, truyền thụ kiến thức cho HS, mà còn giúp cho cộng đồng các dân tộc ở vùng cao Sơn Tây thay đổi nhận thức, coi trọng sự học, động viên con em mình đến trường, thi đua học tập tốt. Mỗi giai đoạn, ngành giáo dục huyện có một sứ mệnh riêng. Hiện nay, ngành GD&ĐT huyện Sơn Tây đặt ra mục tiêu quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:13, 15/04/2025

Ý kiến bạn đọc


.