(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, huyện Sơn Tây đã tập trung triển khai các giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Qua đó, góp phần tạo ra nguồn lực to lớn, giúp người dân phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Thoát nghèo nhờ vay vốn
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Đinh Văn Quý, là đồng bào dân tộc Ca Dong, ở Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua đúng lúc anh chuẩn bị lùa đàn bò hơn chục con ra đồng ăn cỏ. Anh Quý bảo, có được gia tài này là nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ mua con giống. Từ số ít bò ban đầu, đến nay đàn bò phát triển lên 11 con. Anh Quý còn kể cho chúng tôi nghe về hành trình đổi đời từ cậu bé mồ côi, nghèo khó trở thành nông dân sản xuất giỏi từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH.
![]() |
Anh Đinh Văn Quý, ở xã Sơn Bua chia sẻ với cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Tây về hiệu quả nguồn vốn vay chăn nuôi bò. |
Anh Quý chia sẻ, nguồn vốn chính sách đã đồng hành cùng tôi hơn chục năm qua. Trước đây, tôi được vay vốn từ Ngân hàng CSXH để đi làm việc ở nước ngoài. Nhờ chăm chỉ lao động, sau vài năm, tôi có tiền tích lũy để trả nợ, mua ruộng, mua xe và làm nhà. Sau khi lập gia đình, tôi bàn với vợ tiếp tục vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách để đầu tư trồng 3ha keo. Khi cây keo phát triển ổn định, không cần phải tốn nhiều công chăm sóc, tôi vay thêm 20 triệu đồng để mua 2 con bò về nuôi. Tận dụng nguồn thức ăn là cỏ nơi bìa rừng, bờ suối, trên rẫy, mỗi sáng tôi lùa bò đến đây để chúng tự tìm thức ăn, chiều lại lùa bò về chuồng.
"Huyện Sơn Tây có hơn 5.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với hơn 20 nghìn người, chiếm khoảng 91% dân số toàn huyện. Trong nhiều năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của huyện liên tục giảm, trong đó có nhiều hộ thoát nghèo nhờ được vay vốn chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ. Địa phương đang tổ chức nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như trồng chuối mốc, bưởi da xanh, gừng, nghệ, ớt xiêm, dứa MD2; chăn nuôi trâu, bò. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Sơn Tây còn khoảng 32% (theo chuẩn mới)”. Bí thư Huyện ủy Sơn Tây LÊ VĂN TÙNG |
Được vay vốn ưu đãi cùng sự chịu khó, biết cách làm ăn, cuối năm 2024, gia đình anh Quý đã thoát nghèo. Không dừng lại ở việc thoát nghèo, đầu năm 2025, anh Quý đã làm hồ sơ vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm và được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây giải ngân cho vay 100 triệu đồng. Số tiền này anh Quý tiếp tục đầu tư chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa. Hiện nay, gia đình anh Quý là một trong những hộ dân có nhiều bò nhất ở Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua.
Anh Quý chia sẻ, ngân hàng đã cho mình vay vốn lãi suất thấp để làm ăn thì mình phải biết cố gắng phát huy hiệu quả nguồn vốn, trả lãi, trả gốc đúng theo quy định. Hiện tại, anh Quý đang sở hữu 3ha keo cùng đàn bò 11 con, trong đó có 2 con đang chuẩn bị sinh sản. “Tôi sẽ nhân giống đàn bò lên ngày càng nhiều, vì ở đây điều kiện chăn thả tốt, cỏ ngoài tự nhiên nhiều, không phải mất tiền mua thức ăn. Nuôi bò ít thì thoát nghèo, muốn làm giàu thì phải đầu tư nuôi quy mô lớn”, anh Quý nói.
Gia đình ông Đinh Văn Châu, ở thôn Tà Mực, xã Sơn Dung, cũng là một trong những hộ được vay vốn chính sách để phát triển kinh tế trong nhiều năm qua. Ông Châu cho hay, trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, vì không có vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2018, tôi được cán bộ Ngân hàng CSXH hướng dẫn, tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu.
![]() |
Được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Đinh Văn Châu, ở thôn Tà Mực, xã Sơn Dung, đã đầu tư chăn nuôi trâu hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình. |
Vốn có tinh thần vươn lên, lại được giúp sức từ nguồn vốn vay, ông Châu rất phấn khởi. Ông cần mẫn chăm sóc đàn trâu, luôn vệ sinh sạch sẽ chuồng trại. Vì vậy, từ cặp trâu giống ban đầu, đến nay đàn trâu của ông đã có 8 con. Ông Châu bảo rất cảm ơn Ngân hàng CSXH đã cho mình vay vốn để làm ăn và sẽ chăm sóc tốt đàn trâu để nâng cao thu nhập, có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Vay vốn chính sách ngày càng tăng
Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây còn tích cực giải ngân nguồn vốn xây dựng nhà ở theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Nhờ vậy, nhiều hộ dân thuộc diện hộ nghèo là đồng bào Ca Dong đã được an cư trong những ngôi nhà mới vững chãi. Anh Đinh Văn Hôn (27 tuổi), ở xã Sơn Mùa phấn khởi chia sẻ, 2 vợ chồng tôi cưới nhau rồi sinh 2 đứa con nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện để xây dựng nhà ở. Năm 2024, nhờ Nhà nước hỗ trợ và Ngân hàng CSXH cho vay 40 triệu đồng, vợ chồng tôi đã làm được ngôi nhà sàn truyền thống khang trang. “Có nhà rồi, bây giờ mình chỉ lo tập trung phát triển kinh tế để trả nợ ngân hàng và tích lũy để có cuộc sống ngày càng tốt hơn”, anh Hôn tâm sự.
![]() |
Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, vợ chồng anh Đinh Văn Hôn, ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây), đã xây dựng được ngôi nhà sàn vững chắc. |
Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây, từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị đã tập trung giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch được giao, đồng thời, kịp thời rà soát nhu cầu vay vốn để quay vòng nguồn vốn đã đến hạn, không để tồn vốn. Theo đó, doanh số cho vay đối với chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện 3 tháng đầu năm 2025 đạt gần 26 tỷ đồng, với hơn 440 lượt khách hàng được vay vốn. Tổng dư nợ đến nay đạt gần 231 tỷ đồng, với hơn 5.550 hộ còn dư nợ.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây Lê Quốc Vinh cho biết, bên cạnh chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhu cầu nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn cũng ngày càng tăng. Nếu như trước đây, người dân chỉ có nhu cầu vay từ 30 - 50 triệu đồng, thì nay mức vay của người dân cũng đã tăng đến mức tối đa là 100 triệu đồng/hộ. Điều này chứng tỏ, người dân đã biết cách làm ăn, biết đầu tư các mô hình kinh tế có giá trị để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Bài, ảnh: T.NHỊ - H.HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: