Can thiệp sớm giúp trẻ tự kỷ hòa nhập, phát triển tốt

14:56, 15/04/2025
.
(Baoquangngai.vn)- Rối loạn phổ tự kỷ là bệnh lý đặc trưng xuất hiện trong ba năm đầu tiên của trẻ với những biểu hiện khó khăn trong giao tiếp, tương tác xã hội và hoạt động vui chơi. Để điều trị bệnh hiệu quả, “chìa khóa” quan trọng nhất chính là can thiệp sớm.
 
Chị Nguyễn Thị H ở TP.Quảng Ngãi có con trai 9 tuổi bị rối loạn phổ tự kỷ. Chị H cho biết, từ lúc mới sinh tới 16 tháng tuổi, con tôi phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng bước vào giai đoạn 2 tuổi, cháu trở nên lầm lì, chậm nói, không tương tác với những người xung quanh.
 
“Gia đình đưa cháu đi khám ở TP.Hồ Chí Minh thì mới biết cháu bị rối loạn phổ tự kỷ mức độ nặng. Nhiều năm qua, tôi cố gắng đồng hành cùng con can thiệp, điều trị bệnh bằng cách đưa cháu đi học ở các lớp dành riêng cho trẻ tự kỷ”, chị H bộc bạch.
 
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh khám, tư vấn cho một trường hợp trẻ có dấu hiệu bị rối loạn phổ tự kỷ.
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh khám, tư vấn cho một trường hợp trẻ có dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ.
 
Tình trạng trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ đang tăng cao trong cộng đồng. Bác sĩ Phạm Vân Anh - Phòng khám tự kỷ (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) cho biết, mỗi ngày tiếp nhận 5 - 10 trẻ đến kiểm tra vì có những dấu hiệu của rối loạn phổ tự kỷ như: Chậm nói, không chú ý đến lời nói của người khác, xuất hiện các động tác cơ thể lặp đi lặp lại như đập tay hay lắc lư thân thể, đi nhón chân,… 
 
Khi trẻ đến phòng khám, các bác sĩ sẽ có phương pháp kiểm tra để xác định trẻ có bị rối loạn phổ tự kỷ hay không và bị ở mức độ như thế nào để tư vấn cho các phụ huynh can thiệp sớm, giúp trẻ có thể hòa nhập và phát triển tốt hơn.
 
Được sự tư vấn của các bác sĩ, 3 buổi mỗi tuần chị Trần Thị Thu V ở huyện Nghĩa Hành, dẫn con trai 4 tuổi của mình đến Khoa Tâm căn - Trẻ em - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) để học lớp can thiệp với các chuyên gia tâm lý. “Qua gần 2 năm can thiệp, con tôi có nhiều tiến bộ. Từ chỗ cháu không biết nói, nay đã có thể nói nhiều câu, từ và biết tương tác với những người xung quanh. Thấy cháu phát triển, gia đình tôi rất vui nên cố gắng cho cháu theo học”, chị V chia sẻ.
 
Giờ học can thiệp cho trẻ ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Giờ học can thiệp cho trẻ ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
 
Thạc sĩ Trần Thị Phong Hậu - Chuyên viên tâm lý Khoa Tâm căn - Trẻ em - Phục hồi chức năng cho biết, khoa gồm 8 chuyên viên tâm lý can thiệp, điều trị cho trẻ bằng cách áp dụng các phương pháp để rèn luyện ngôn ngữ, vận động tinh, vận động thô, tăng khả năng giao tiếp… để giúp trẻ phát triển các kỹ năng. Nhiều trẻ sau can thiệp có sự tiến bộ rõ rệt, phát triển tốt và có thể hòa nhập, đi học bình thường.
 
Hiện Bệnh viện Tâm thần tỉnh đang tổ chức can thiệp, điều trị cho 50 trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ, chậm nói, tăng động giảm chú ý ở các mức độ khác nhau, từ 2 - 15 tuổi. Bác sĩ Chuyên khoa 2 Phạm Thị Thu Trà - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết, trong điều trị tự kỷ, gia đình là nhân tố quan trọng. 
 
Mọi thành viên trong gia đình đều tiếp xúc với trẻ hằng ngày, kích thích sự phát triển về mọi mặt của trẻ, nhất là ngôn ngữ, kỹ năng nhận biết về môi trường xung quanh, có thể giúp trẻ hình thành các quan hệ xã hội và cách ứng xử. Cách sống và cách tổ chức cuộc sống trong gia đình tốt sẽ khuyến khích, nuôi dưỡng sự phát triển những tính cách tích cực ở trẻ.
 
Can thiệp sớm để rèn luyện các kỹ năng giúp trẻ tự kỷ hòa nhập và phát triển tốt.
Can thiệp sớm để rèn luyện, giúp trẻ phát triển tốt các kỹ năng.
 
Hiện rối loạn phổ tự kỷ không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh cũng được xem là rối loạn phát triển mạn tính, có thể kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đến sự phát triển tối ưu của trẻ.
 
Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và can thiệp thích hợp, trẻ có nhiều cơ hội cải thiện hòa nhập, thích nghi và có cơ may sống tự lập, kể cả thành công ở tuổi trưởng thành. Trong đó, 2 giai đoạn vàng để chẩn đoán và điều trị là trước 2 tuổi và trước 5 tuổi.
 
Ngược lại, nếu can thiệp muộn, bệnh nhi có thể gánh chịu nhiều hậu quả. Trẻ mất đi cơ hội cải thiện các kỹ năng cần thiết cho việc hòa nhập và phát triển. Khi đó, trẻ trở thành gánh nặng cho gia đình, vì mọi hoạt động phải lệ thuộc hoàn toàn vào người lớn. Ngoài ra, khi can thiệp trễ, hiệu quả rất hạn chế nhưng chi phí lại rất tốn kém.
 
Bài, ảnh: K.NHIÊN
 
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Xuất bản lúc: 14:56, 15/04/2025

Ý kiến bạn đọc


.