CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (8/3)

Tỏa hương cho đời

11:53, 08/03/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ đảm đang, chu toàn việc nhà, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, nhiều phụ nữ còn gánh vác công việc xã hội, sẻ chia yêu thương, lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.

Năng động, sáng tạo

Là chủ một vườn ươm keo có quy mô lớn ở huyện Tư Nghĩa, tạo việc làm thường xuyên cho hơn chục lao động, hằng ngày, bà Nguyễn Thị Hoa (53 tuổi), ở thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) vẫn luôn tất bật với công việc. Chính nhờ sự siêng năng, sáng tạo trong lao động sản xuất đã giúp vợ chồng bà Hoa có được cơ ngơi như hôm nay. “Tôi lấy chồng năm 25 tuổi. Gia đình hai bên đều khó khăn nên vợ chồng tôi phải tự nỗ lực vươn lên. Những năm đầu, vợ chồng tôi sống cùng ba mẹ chồng. Để có thu nhập, vợ chồng tôi nuôi heo, gà, trồng hoa màu... Từ mô hình nhỏ lẻ, sau đó nuôi hơn 100 con heo thịt, 200 - 300 con gà thả vườn, đến khi tích góp được một ít tiền, vợ chồng tôi vay mượn thêm để mua đất, ngôi nhà ra ở riêng”, bà Hoa kể.

Bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) chăm sóc vườn ươm keo giâm hom.      
Bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) chăm sóc vườn ươm keo giâm hom.      

Những ngày gian khó ấy, chồng đi làm thợ hồ, còn bà Hoa thì vừa làm ruộng, trồng hoa màu và chăn nuôi. Đến năm 2000, trong quá trình trồng trọt, vợ chồng bà Hoa thấy tiềm năng phát triển của cây keo nên vay vốn để xây dựng vườn ươm keo. Là một trong những hộ tiên phong ở huyện Tư Nghĩa mở vườn ươm keo giống, vợ chồng bà Hoa gặp nhiều khó khăn trong khâu kỹ thuật, ươm trồng. “Những vụ đầu, keo con chết hàng loạt, thua lỗ nhiều nhưng vợ chồng tôi động viên nhau kiên trì và chịu khó học hỏi thêm. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, khoảng hơn 1 năm sau, vườn ươm bắt đầu phát triển tốt, được nhiều khách hàng tìm đến. Những năm đầu bán keo giống, vợ chồng tôi trồng bằng phương pháp ươm hạt, sau vài năm chuyển sang phương pháp giâm hom. Đến nay, vườn ươm có diện tích hơn 5.000m2, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1,5 triệu cây giống", bà Hoa chia sẻ.

Bên cạnh việc duy trì, phát triển vườn ươm keo giống, bà Hoa còn nhạy bén kinh doanh cung cấp hoa, cây xanh trang trí, tạo bóng mát. Không chỉ là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, làm kinh tế giỏi, bà Hoa còn khéo léo vun vén tổ ấm gia đình, nuôi dạy 2 người con trai trưởng thành, đều tốt nghiệp đại học. Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Thuận Nguyễn Thị Bích Trâm cho biết, gia đình bà Hoa là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Bà Hoa là phụ nữ tiêu biểu, gương mẫu ở địa phương, không chỉ đảm đang trong gia đình, biết làm kinh tế mà bà còn nhiệt tình trong công tác xã hội từ thiện. Trung bình mỗi năm, gia đình bà ủng hộ cho địa phương hơn 50 triệu đồng để hỗ trợ trẻ em nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Giàu lòng nhân ái

Gần 15 năm gắn bó với phong trào, công tác hội phụ nữ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Đông Quang, phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) Phạm Thị Tình (53 tuổi) được người dân địa phương quý mến. Theo chân bà Tình đến thăm cụ Phạm Thị Ba, nay đã gần 80 tuổi, sống neo đơn, hoàn cảnh khó khăn. Cụ Ba vui mừng khi gặp bà Tình, như gặp người thân trong gia đình. “Tôi không chồng, không con, lại bị tật ở chân nên cuộc sống hiu quạnh, nhiều khó khăn. Hai năm nay, sức khỏe tôi yếu dần, may mắn là tôi được cháu Tình và chị em phụ nữ quan tâm, hỗ trợ. Cứ đều đặn mỗi quý, chị em trong chi hội phụ nữ mang đến 20kg gạo, 300 nghìn đồng và còn quét dọn nhà cửa, giặt mùng mền giúp tôi. Đặc biệt, cháu Tình thường xuyên đến thăm, cứ mỗi lần đến lại tặng tôi ít quà, khi tôi bị đau nằm viện cháu cũng thường xuyên thăm nom. Nhờ những tình cảm yêu thương, quan tâm ấy đã giúp tôi có thêm niềm vui trong cuộc sống", cụ Ba bộc bạch.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Đông Quang, phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) Phạm Thị Tình (bên phải) chia sẻ với chị em cách tiết kiệm, thông qua việc nuôi heo đất.
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Đông Quang, phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) Phạm Thị Tình (bên phải) chia sẻ với chị em cách tiết kiệm, thông qua việc nuôi heo đất.

Không chỉ có trường hợp của cụ Ba, những năm qua, bằng tấm lòng sẻ chia dành cho người yếu thế, ngoài việc xây dựng các mô hình giúp đỡ người nghèo, bà Tình luôn dành thời gian, tiền của để hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, bà Tình đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động để gắn kết, hỗ trợ hội viên, phụ nữ, người nghèo trong tổ dân phố, như mô hình “Đỡ đầu phụ nữ nghèo”, “Nuôi heo đất”, “Nồi cháo tình thương”, “Ngôi nhà xanh tiết kiệm”... Bên cạnh những mô hình, hoạt động do chi hội triển khai, khi hội viên, phụ nữ ở địa phương cần hỗ trợ gấp, tôi luôn sẵn lòng cho mượn tiền hoặc chia sẻ, giúp đỡ theo khả năng. "Tôi cũng đi lên từ gian khó, nên thấu hiểu và luôn mong muốn giúp đỡ, tiếp thêm động lực cho chị em vươn lên. Với những người gặp khó khăn thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, sự giúp đỡ đúng lúc sẽ có giá trị và ý nghĩa hơn rất nhiều”, bà Tình trải lòng.

Bà Phạm Thị Tình thăm hỏi, động viên cụ bà Phạm Thị Ba, ở tổ dân phố Đông Quang, phường Phổ Văn.
Bà Phạm Thị Tình thăm hỏi, động viên cụ bà Phạm Thị Ba, ở tổ dân phố Đông Quang, phường Phổ Văn.

Trong các mô hình do bà Tình xây dựng có mô hình “Nuôi heo đất” triển khai từ năm 2016, chị em phụ nữ trong tổ dân phố thực hành tiết kiệm và mượn vốn xoay vòng, mang lại hiệu quả. Trung bình mỗi năm, mô hình “Nuôi heo đất” của chị em trong tổ dân phố thu được số tiền từ 200 - 300 triệu đồng. Từ số tiền này, chi hội cho từ 10 - 12 hội viên mượn mua con giống, cây trồng, tạo phương tiện sinh kế để khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu. Vừa mượn 20 triệu đồng từ mô hình “Nuôi heo đất”, chị Huỳnh Thị Minh Tiên có thêm điều kiện tu sửa hàng quán, mua vật dụng để bán bánh xèo. “Trước đây tôi đi phụ hồ, sức khỏe không đảm bảo nên tôi chuyển hướng làm việc khác. Nhờ chị Tình gợi ý mở quán bán đồ ăn sáng nên tôi mạnh dạn mượn 20 triệu đồng của chi hội để mở quán bánh xèo. Công việc này phù hợp với tôi, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Tôi đang cố gắng trong năm nay sẽ hoàn trả tiền cho chi hội, để cho chị em khác mượn”, chị Tiên chia sẻ.

Bà Hoa, bà Tình là hai trong số rất nhiều người phụ nữ có những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam. Họ vừa đảm đang, khéo léo, làm tròn vai trò làm vợ, làm mẹ, vun vén cho tổ ấm của gia đình, nhưng cũng rất bản lĩnh, năng động trong phát triển kinh tế gia đình và đóng góp nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Họ như những bông hoa đẹp tỏa hương sắc cho đời, làm cho cuộc sống thêm hạnh phúc và tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: HIỀN THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 11:53, 08/03/2025

Ý kiến bạn đọc


.