(Báo Quảng Ngãi)- Khắc sâu lời Bác dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã triển khai các mô hình phân công đảng viên gương mẫu phụ trách hộ, nhóm hộ để hỗ trợ, nâng cao đời sống người dân, nhất là giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực ở nhiều địa phương; phát huy trách nhiệm nêu gương của đảng viên, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Phân công đảng viên theo dõi, phụ trách hộ gia đình ở cơ sở được xem là giải pháp hữu hiệu giúp cấp ủy lãnh đạo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân. Đảng bộ xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) luôn duy trì thực hiện nghiêm túc quy định này và đạt kết quả đáng khích lệ. Trong năm 2024, Đảng ủy xã phân công trên 30 đảng viên đảm nhận hỗ trợ cho 19 nhóm, với hơn 300 hộ dân. “Hằng tháng, nhóm đảng viên tổ chức họp các hộ dân để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tạo cơ hội để các hộ dân chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu... Từ đó, nhiều hộ có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc”, đảng viên Phạm Văn Nhi, phụ trách nhóm hộ ở thôn 2, xã Nghĩa Sơn, chia sẻ.
Cán bộ, đảng viên, người dân xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) tham quan mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Ảnh: KIM NGÂN |
Chỉ tay về cánh rừng keo bạt ngàn như chính khát vọng vươn lên làm giàu cho gia đình và quê hương của người dân nơi đây, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Sơn Phạm Văn Sơn tự hào nói, chăm lo đời sống cho nhân dân giờ không chỉ là nhiệm vụ của cấp ủy, mà có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Những quyết sách chăm lo cho đời sống nhân dân đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Diện mạo nông thôn ngày một đổi thay. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm. Toàn xã chỉ còn 4 hộ nghèo. Nghĩa Sơn là xã miền núi đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn xã nông thôn mới và đang hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Các tuyến đường giao thông thôn ở xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) được xây dựng bê tông tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa. Ảnh: TL |
Những năm qua, đảng viên trẻ Hồ Văn Mẹo, thuộc Chi bộ thôn 3, xã Trà Giang (Trà Bồng), được chi bộ giao phụ trách cụm dân cư nơi đang sinh sống, với gần 20 hộ dân. Trong đó, anh Mẹo đặc biệt chú trọng giúp đỡ 2 hộ nghèo. Anh Mẹo đã hướng dẫn các hộ vay vốn; làm cầu nối hỗ trợ cây, con giống từ các chương trình, dự án để người dân phát triển kinh tế. “Tôi đã xuống tận nhà người dân để vận động, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài việc hỗ trợ sinh kế phù hợp với từng hộ dân, tôi còn hướng dẫn các gia đình trồng cỏ, chăn nuôi bò trong chuồng, nuôi heo bản địa để tăng thu nhập”, anh Mẹo chia sẻ.
Bà Hồ Thị Liên, ở thôn 3, xã Trà Giang, là một trong những hộ được anh Mẹo phụ trách, giúp đỡ bò giống, heo, cây lâm nghiệp, cây bưởi, cam, quýt. Nhờ được hỗ trợ sinh kế và kỹ thuật chăm sóc cây trồng, bà Liên đã chăm chỉ phát triển kinh tế gia đình, tự nguyện thoát khỏi hộ nghèo.
Huyện Trà Bồng là 1 trong 2 huyện nghèo nhất của tỉnh, nhiều xã vẫn còn số lượng hộ nghèo khá cao. Do đó, để giúp các hộ dân phát triển kinh tế, huyện Trà Bồng đã triển khai mô hình đỡ đầu hộ nghèo, qua việc phân công cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học, địa phương giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 40%, giai đoạn 2022 - 2025. Cụ thể, địa phương phân công 120 cơ quan, đơn vị, đoàn thể, trường học với 12 nhóm để giúp đỡ 12 xã. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị trong các nhóm có nhiệm vụ trợ giúp và phối hợp với UBND các xã xem xét chọn ít nhất mỗi thôn 1 hộ nghèo hoặc cận nghèo trong xã để thực hiện hỗ trợ, giúp đỡ thoát nghèo.
Một góc thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) hôm nay. Ảnh: TL |
Thực hiện chỉ đạo của huyện, các cơ quan, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát lại tất cả các hộ nghèo còn lại. Trên cơ sở đánh giá thực trạng hộ nghèo, các cơ quan, đơn vị phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững. “Việc giao mỗi cơ quan, đơn vị phụ trách “giảm 1 hộ nghèo” được Ban Thường vụ Huyện ủy Trà Bồng lựa chọn là cách làm phù hợp với đặc thù của huyện. Điểm mới của mô hình này là không sử dụng ngân sách nhà nước, các nguồn hỗ trợ, mà vận động cán bộ, đảng viên, người lao động trên toàn huyện tiết kiệm tiền lương để chung tay trong công tác giảm nghèo”, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Hoàng Vĩnh cho biết.
Cấp ủy Chi bộ thôn Bình Tân, xã Trà Bình (Trà Bồng) thường xuyên, thăm hỏi động viên gia đình ông Nguyễn Đình Nghĩa (ngoài cùng bên trái). Ảnh:H.THU |
Việc phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ gia đình là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Đây là chủ trương được triển khai, thực hiện trong toàn Đảng theo Kết luận số 38-KL/TW ngày 13/11/2018 của Bộ Chính trị. Xác định sức mạnh của Đảng nằm trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và giữa nhân dân với Đảng, trong những năm qua, các tổ chức cơ sở đảng ở Quảng Ngãi đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả việc phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ gia đình nơi cư trú. Từ đó, góp phần xây dựng và thực hiện phong cách người cán bộ, đảng viên “vì dân, trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với nhân dân” và là cầu nối giữa Đảng với dân.
Từ những lời dạy của Bác về chăm lo cho dân, phong trào học Bác để lo cho dân ngày càng đi vào thực tế, gần gũi với cuộc sống, trở thành công việc thường xuyên của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Nhiều cách làm hay, thiết thực như “Tiết kiệm làm theo Bác”; “Cơ quan, đơn vị giúp xã, thôn khó khăn; cán bộ, đảng viên công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”; “Chăm sóc sức khỏe người dân và hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn”; “Gần dân, sát việc”; “Góp vốn xoay vòng”; “Nâng bước em đến trường”, “Mẹ đỡ đầu”... Mỗi nơi một cách làm, hình thức cũng khác nhau nhưng tựu chung lại đều chung mục đích chia sẻ với những mảnh đời nghèo khó, lấy sức dân chăm lo cho dân. Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Tiến Dũng cho hay, từ nhiều năm nay, Ban CHQS phường đã chọn học tập và làm theo gương Bác ở đức tính tiết kiệm, chăm lo cho người nghèo. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, Ban CHQS phường nhận hỗ trợ, đỡ đầu 7 học sinh bậc THCS trên địa bàn phường có hoàn cảnh khó khăn. Hằng tháng, đơn vị phân công cán bộ đến nhà thăm hỏi và trao hỗ trợ cho mỗi em 300 nghìn đồng. Nguồn kinh phí có được từ tinh thần tự nguyện đóng góp của cán bộ, đảng viên của đơn vị. Số tiền hỗ trợ cho mỗi học sinh không nhiều, nhưng đó là tình cảm, là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đơn vị mong muốn chia sẻ khó khăn với các gia đình. Qua đó, động viên, nuôi dưỡng ước mơ để các em trở thành người có ích cho xã hội.
Cán bộ Ban CHQS phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) thăm hỏi, động viên em Đặng Hoàng Phi Long. Ảnh: T.ÂN |
Trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, chúng tôi gặp gỡ và trò chuyện cùng gia đình em Đặng Hoàng Phi Long, ở tổ dân phố 3, phường Chánh Lộ. Khi nghe cán bộ trong Ban CHQS phường đến thăm hỏi, trao hỗ trợ định kỳ hằng tháng, em Long không giấu được sự vui mừng. Em Long chia sẻ, em rất biết ơn các cô, chú trong Ban CHQS phường. Em sẽ cố gắng học tập để không phụ tấm lòng của mọi người.
Thành phố Quảng Ngãi về đêm. Ảnh: TẤN CƯ |
Quảng Ngãi đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và người dân. Từ đó, phát huy sức mạnh đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; góp phần thực hiện có hiệu quả những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc.
NHÓM PV NỘI CHÍNH
Thiết kế, trình bày: VÕ VĂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: