Gieo những niềm vui

11:14, 28/02/2024
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Không ngừng tìm tòi, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy và điều đặc biệt quan trọng là luôn yêu thương học sinh (HS). Đó là cách mà những “người lái đò” tâm huyết cống hiến, để mỗi ngày HS đến trường là một ngày vui.

 

Với lòng yêu nghề, 24 năm qua, cô giáo Lê Thanh Hường, Tổ phó Tổ 2, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) ngày qua ngày miệt mài chắp cánh tri thức cho các thế hệ học trò, giúp các em có được những bài học hay. Cô Hường đã có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm dạy tiểu học được ghi nhận như tổ chức trò chơi học tập trong môn tiếng Việt, môn Tự nhiên và xã hội, môn Đạo đức cho HS lớp 1; một số biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho HS lớp 1; một số kinh nghiệm để làm tốt công tác chủ nhiệm lớp... Bảng thành tích của cô giáo Hường ngày một dày thêm, với hàng loạt giải thưởng trong các cuộc thi giáo viên (GV) dạy giỏi, hội thi thiết kế bài giảng E-learning cấp thành phố, cấp tỉnh... “Giáo viên phải tìm những phương pháp mới, phù hợp, giúp HS hứng thú với những trải nghiệm mới. Có vậy mới giúp HS say mê trong học tập”, cô Hường chia sẻ.
Cô giáo Hường luôn lấy HS làm trung tâm trong đổi mới giáo dục. Vì thế, cô đã có 7 sáng kiến về đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục HS được áp dụng có hiệu quả cao trong trường và được Hội đồng sáng kiến cấp thành phố, cấp tỉnh nghiệm thu. Cô Hường luôn tâm niệm, HS tiểu học như tờ giấy trắng nên GV có định hướng tốt sẽ giúp các em có được nền tảng tốt ngay từ cấp tiểu học.

Cô giáo Lê Thanh Hường, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh.
Cô giáo Lê Thanh Hường, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh.

Cũng tại Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi), tiết tập đọc của lớp 5C diễn ra sôi nổi. Nhiều HS hào hứng xung phong đọc bài và trả lời câu hỏi. Những suy nghĩ non nớt, những từ ngữ chân thực được các em sử dụng để trả lời từng câu hỏi cô giáo nêu ra. Các bạn trong lớp nhận xét câu trả lời... Đó là tiết học do cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm - chủ nhiệm lớp 5C, giảng dạy. Suốt 17 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, trong đó có 6 năm giảng dạy ở huyện Sơn Hà, cô giáo Minh Tâm luôn tìm tòi, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy. Bởi thế, các tiết học do cô đứng lớp đều cuốn hút HS. Cô Minh Tâm chia sẻ, yêu cầu trong dạy học ngày càng cao, vì thế GV phải thường xuyên tự nghiên cứu, học hỏi để truyền tải tốt nhất nội dung bài giảng. Cô Minh Tâm đã đoạt nhiều thành tích trong các cuộc thi GV dạy giỏi các cấp với giải Nhất Hội thi “Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học” cấp tỉnh, giải Ba Hội thi “Sử dụng đồ dùng dạy học” cấp tỉnh và giải Nhì Cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử E-learning cấp tiểu học” cấp tỉnh...

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) tận tụy với nghề.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) tận tụy với nghề.

 

 

Suốt 16 năm gắn bó với công tác giáo dục ở huyện Trà Bồng, với Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Bùi Nguyễn Thị Tâm, thành công lớn nhất là tình yêu thương của đồng bào dân tộc Cor dành cho mình. Cô đã vượt qua nhiều gian khó để mang con chữ đến với học trò vùng cao. Cô Tâm kể, tôi theo người dì ruột từ quê Thanh Hóa vào Quảng Ngãi để thực hiện ước mơ làm cô giáo. Ngày ấy, tôi được phân công giảng dạy ở điểm trường lẻ thôn Tây, Trường Mầm non Trà Bùi. Đường sá đi lại khó khăn, hằng ngày, phải lội bộ gần 1 giờ đồng hồ đường núi để vào điểm trường lẻ. Chiều tối, lại quay về điểm trường chính để lo cơm nước cho 2 HS nghèo đi học xa nhà mà tôi nhận đỡ đầu. Vất vả không thể nào kể hết, vậy mà hằng ngày tôi vẫn cứ băng rừng lội suối đến lớp, tất cả đều vì tình yêu thương dành cho học trò.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Bùi (Trà Bồng) Nguyễn Thị Tâm dành tình yêu thương cho học trò.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Bùi (Trà Bồng) Nguyễn Thị Tâm dành tình yêu thương cho học trò.

Năm 2014, khi UBND huyện Trà Bồng tổ chức thi tuyển cán bộ quản lý, cô Tâm đã đăng ký thi vào vị trí phó hiệu trưởng với đề tài “Mô hình bán trú dân nuôi cho trẻ điểm trường lẻ ở Trà Bùi”. Cô đã thành công và được bổ nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng. Đề tài này còn được triển khai thực hiện tại các điểm lẻ của trường. “Việc duy trì mô hình bán trú ở điểm trường chính và bán trú dân nuôi ở các điểm trường lẻ đã khắc phục tình trạng HS đi học “giã gạo”. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhờ đó giảm đáng kể”, cô Tâm phấn khởi nói.

 

Giờ đây, với cương vị hiệu trưởng, cô Tâm luôn chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cho các cô giáo trẻ. Trường Mầm non Trà Bùi có 1 điểm chính và 5 điểm lẻ. Không quản ngại đường đi khó khăn, cô Tâm thường xuyên đến các điểm trường lẻ để động viên các cô giáo nỗ lực giảng dạy, để chắp cánh tri thức cho học trò vùng cao. Sự quan tâm, gần gũi của cô hiệu trưởng cùng với GV của trường đã tạo được niềm vui, nâng bước HS đến trường. Nhờ đó, xã Trà Bùi không còn tình trạng HS đi học “giã gạo”. Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
Trình bày: VÕ VĂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 11:14, 28/02/2024