Lưu ý khi sử dụng thực phẩm khô trong ngày Tết

08:02, 04/02/2022
.
GS Lâm Vĩnh Niên khuyến cáo khi lựa chọn thực phẩm khô cần phải không có cảm giác ẩm ướt, chảy nước hay có biểu hiện của tình trạng nấm mốc.
 
Ngày Tết, các gia đình thường dự trữ nhiều loại thực phẩm, trong đó có cả thức ăn khô như cá, mực, tôm, thịt bò, hoa quả sấy.
 
GS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết quá trình sấy khô sẽ làm mất nước trong thực phẩm, hạn chế sự phát triển của vi sinh vật. Việc này giúp quá trình bảo quản kéo dài hơn, làm mất một số chất dinh dưỡng trong thực phẩm như các vitamin A, B và C.
 
Tuy nhiên, quá trình này vẫn lưu giữ được phần lớn chất dinh dưỡng quan trọng như protein, một số loại chất béo, các khoáng chất. Nếu tính về tỷ lệ khối lượng trên khối lượng, thành phần dinh dưỡng này còn cao hơn thực phẩm tươi sống tương ứng.
 
GS Lâm Vĩnh Niên cho hay, trong quá trình bảo quản các thực phẩm khô, một số nhà sản xuất có thể sử dụng chất tẩy, thực phẩm màu, chất bảo quản để kéo dài thời gian sử dụng và làm tăng tính hấp dẫn về hình thức. Một số hóa chất được phép sử dụng nhưng với liều lượng giới hạn nhất định. Nếu nhà sản xuất sử dụng quá liều lượng cho phép hoặc dùng chất không được phép sẽ có hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
 
Vì vậy, người dân nên lựa chọn những nhà sản xuất có uy tín lớn trên thị trường, đã được đăng ký chất lượng, biết rõ quy trình sản xuất và chế biến.
 
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo khi lựa chọn thực phẩm khô, chúng phải thực sự khô, cầm không có cảm giác ẩm ướt hoặc chảy nước, không có biểu hiện của tình trạng nấm mốc. Thực phẩm khô chất lượng tốt thì việc chế biến không có yêu cầu đặc biệt. Quá trình chiên, nướng khi sử dụng thực phẩm khô cũng làm giảm đi một số chất dinh dưỡng. Vì vậy, chúng ta nên dùng nhiệt độ vừa phải, không dùng nhiệt độ quá cao.
 
Nhiều người quan niệm rằng thực phẩm khô được ướp mặn có thể bảo quản rất lâu. Về vấn đề này, GS Lâm Vĩnh Niên cho rằng thực phẩm khô nên để ở môi trường khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm thấp. Nếu người tiêu dùng muốn để trong thời gian dài nên đóng gói kỹ và để nhiệt độ ở mức âm từ 18 đến 20 độ C. Khi thực phẩm có biểu hiện nấm mốc, bạn không nên sử dụng.
 
Thực phẩm khô có thể khiến đường tiêu hóa hoạt động khó khăn hơn. Những người có đường tiêu hóa không tốt nên sử dụng thực phẩm tươi sống. Thực phẩm khô đa số được ướp muối, do đó người bị một số bệnh lý như bệnh thận nên lưu ý sử dụng vì sẽ làm tăng lượng muối vào cơ thể, gây ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan.
 
"Bảo quản thực phẩm khô trong tủ lạnh phải đóng gói kín để tránh ảnh hưởng đến các thực phẩm xung quanh. Thực phẩm khô sau một thời gian phải lấy ra phơi khô lại để giúp bảo quản được dài hơn. Ngoài ra, nếu bảo quản trong thời gian ngắn, bạn có thể để ở nơi khô ráo và thoáng mát trong một vài tuần. Nếu thời gian để lâu hơn, người dân nên bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ âm", GS Lâm Vĩnh Niên lưu ý.
 
Theo PV/Zingnews.vn

.