(Báo Quảng Ngãi)- Cán bộ và chính sách là hai lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Bởi lẽ, cán bộ là người hoạch định và thực hiện chính sách. Do đó, nếu cán bộ có trình độ năng lực thì sẽ đưa ra những chính sách có tính khả thi và tổ chức thực hiện có hiệu quả, còn không thì ngược lại. Nhưng đồng thời chính sách cũng có những mặt tác động đến công tác cán bộ, vì địa phương muốn có cán bộ tốt, có trình độ năng lực thực sự thì không thể không có chính sách tốt.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, đi đôi với phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, những năm qua tỉnh ta đã tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao bằng những cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể...
Xây dựng hành lang pháp lý
Ngày 13.10.2011, Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở chủ trương của Tỉnh uỷ khoá XVIII, HĐND, UBND tỉnh và các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc đã cụ thể hoá, thể chế hoá thành nghị quyết chuyên đề, đề án, chương trình, kế hoạch... để triển khai thực hiện.
![]() |
Lãnh đạo Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III trao bằng tốt nghiệp lớp cao cấp chính trị- hành chính K10 tại Quảng Ngãi. |
Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 5 đề án, gồm: Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ngãi; đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực trình độ cao; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; đào tạo nghề, kỹ thuật chất lượng cao; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân và nhiều quy định, cơ chế chính sách ưu đãi kèm theo. "Hành lang pháp lý và các chế độ, chính sách ưu đãi trong phát triển nguồn nhân lực của tỉnh được ban hành lần này là tương đối đầy đủ, rõ ràng, có tính ưu việt cao, thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Do đó, trong thời gian không xa, Quảng Ngãi sẽ xây dựng được nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh", ông Trần Văn Thanh- Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết.
“Việc Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, có tầm nhìn chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Đồng thời, đây cũng là một trong ba nhiệm vụ đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015, cần tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả hơn nữa”. Ông Nguyễn Thanh Quang - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, nói. |
Sức sống của nghị quyết
Tại Hội nghị sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) vừa qua, các đại biểu đều đánh giá cao sức sống của Nghị quyết số 05-NQ/TU. Điều này thể hiện sự đúng đắn, kịp thời, khoa học và tầm nhìn chiến lược trong hoạch định chính sách của lãnh đạo tỉnh đối với công tác cán bộ. Trong 2 năm (2012-2013), tỉnh đã đầu tư hơn 26 tỷ đồng để phát triển nguồn nhân lực và được Chính phủ phân bổ 4 tỷ đồng đào tạo cán bộ, công chức xã đã minh chứng cho điều đó. Không chỉ vậy, sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TƯ4, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có những quyết định điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Từ năm 2012 đến 6 tháng đầu năm 2013, do cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 65/2008/NQ-HĐND tỉnh chưa thật sự khuyến khích nên chỉ thu hút được 19 người (1 bác sĩ chuyên khoa I, 13 thạc sĩ và 5 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi). Nhưng từ tháng 7-11.2013 đã thu hút 48 người (chủ yếu cho ngành y tế). "Kết quả đó là nhờ Nghị quyết số 04/2013 đưa ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi hơn so với các địa phương lân cận nên đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác thu hút nguồn nhân lực của tỉnh là điều tất yếu", bà Trương Thị Xuân Hồng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nói.
Phải nói rằng, từ khi thực hiện Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh, công tác cán bộ của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện được nâng lên đáng kể. Cụ thể là, tiến sĩ tăng 17 người, đạt 85% chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2015; thạc sĩ tăng 183 người đạt 61% chỉ tiêu. Hiện nay tỉnh đang cử đi đào tạo trình độ tiến sĩ 2 người, thạc sĩ 83 người, bác sĩ chuyên khoa II là 33 người, bác sĩ chuyên khoa I là 45 người. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo trình độ đại học ngày càng nhiều với 784 người, chiếm 20% số cán bộ, công chức cấp xã. Ông Phạm Câu- Phó Bí thư Thành uỷ Quảng Ngãi cho rằng, việc đưa sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại các xã, phường là một chủ trương đúng đắn. Phần lớn họ có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, tích cực học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, năng lực công tác. Đây là nguồn cán bộ kế cận sau này.
Còn cán bộ, công chức chưa ngang tầm
Qua giám sát thực hiện Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh, ông Tôn Long Hiếu- Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, cho rằng: Vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác cán bộ; môi trường, điều kiện làm việc ở một số nơi chưa tốt. Một bộ phận cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa ngang tầm với nhiệm vụ; thiếu những người có trình độ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu về ngành, lĩnh vực, nhất là cán bộ cấp xã ở các huyện miền núi thiếu cán bộ, công chức các ngành quản lý nhà nước về kinh tế, địa chính, nông, lâm nghiệp...
Đáng lo ngại là, hiện nay vẫn còn nhiều cán bộ cấp xã chưa qua đào tạo, chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ với 720 người, chiếm 36,1%, tập trung chủ yếu ở các xã thuộc huyện Ba Tơ (114 người), Tư Nghĩa (99 người), Bình Sơn (92 người), Sơn Hà (72 người), Sơn Tịnh (58 người)... Đây là một phần nguyên nhân làm cho việc điều hành, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của cấp trên và ở địa phương hiệu quả còn thấp, cá biệt có người còn làm sai lệch các quy định của Đảng và Nhà nước. Cơ cấu, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ trong cấp uỷ, chính quyền chưa cao. Trong số 92 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện hiện nay thì cán bộ trẻ từ 40 tuổi trở xuống chỉ có 10 người, chiếm 10,87%. Số cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo trình độ tiến sĩ và tương đương mới chỉ tập trung ở ngành giáo dục và y tế, các ngành khác còn ít. Chưa thu hút được những người có kinh nghiệm, trình độ cao như giáo sư, tiến sĩ... về công tác tại tỉnh.
Trước thực trạng đó, tỉnh cần có nhiều quyết sách hơn nữa, tăng cường công tác thanh tra công vụ để kịp thời đánh giá và loại bỏ số cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thi hành công vụ.
Bài, ảnh: Phú Đức