Về quê ăn tết

02:01, 18/01/2012
.

                                         * Bút ký Khoa Thành


(QNĐT)- Tôi lãng du nơi chốn thị thành, nhẹ gót giày, quần trơn áo bóng; đã bao lần hứa hưu hứa vượn với bạn cũ xóm làng sẽ về quê ăn tết. Thế mà đã hơn hai mươi năm rồi, tết nay về quê chân trần cuốc bộ dọc theo triền sông để về làng mà thấy lòng thanh thản hơn bao giờ hết.

TIN LIÊN QUAN
Con sông quê mùa này đầy nước, không xanh um như thuở ngày xửa ngày xưa nữa; tôi cuối xuống bụm đôi bàn tay nước sông tạt vào mặt làm mát rượi cả người, xua đi bao mệt nhọc, thả bộ theo con đường làng về nhà cũng là lúc trời đã chiều tà.

À ơi, sông quê bên lở bên bồi. Bên lở nước đục bên bồi nước trong. Khúc ru xưa vẫn hằn trong ký ức xa xăm bỗng quay về gợi nhớ thuở ấu thơ. Con sông đã dâng cho người dân quê tôi vị ngọt phù sa cho lúa, cho ngô những vụ mùa bội thu nuôi bao phả hệ. Những trảng rau xanh ngút tầm mắt, những khóm hoa vạn thọ, cúc đá, lay ơn đơm bông trĩu vàng thoảng trong tiếng sóng biển, gió biển mặn mòi mà thấy yêu thương dân quê mình da diết.
 

Rồi tất cả quay cuồng trong vòng xoay bất biến của tạo hoá, con sông như một biểu tượng song hành cùng đời người sông nước. Mỗi khi tết đến xuân về, cả một khúc sông râm ran chuyện trò tinh nghịch của người dân đem mùng mền, áo quần ra sông giặt. Nước sông cứ mãi lững lờ gột rửa bao uẩn khúc, ố tàn của cuộc sống, rồi cuốn trôi ra biển cả. Nước vẫn xanh, xanh trong vắt một màu.  

Về quê để thấy và nghe những nỗi lòng cùng cực nhưng hết thảy vị tha của người dân quê mình. Những tấm chân tình như non cao, chứa chan qua những câu nói, nghĩa cử ân tình, chân chất, mộc mạc. Tiếng í a, í ới của các cô, các chị rủ nhau đi chợ làng cũng đủ làm cho ta vỡ vạc thêm về tình làng nghĩa xóm; những câu chuyện không đầu không cuối cứ đan xen nối tiếp nhau đi hết quãng đường dài.

Hôm chở má tôi đi phiên chợ chiều cuối năm về trên con đường đất đỏ ngày xưa, giờ đã thảm nhựa, tự dưng nhớ những ngày đạp xe cọc cạch hồi còn đi học quá. Má bảo: Giờ thì cuốc bộ đi chợ theo các bà trong xóm cho có sức khoẻ và được nghe đủ thứ chuyện vui lắm. Ngẫm ra mới thấy, đi bộ là thú vui của dân thị thành hiện nay nhưng lại là nét đặc thù của người dân quê.

Về quê để được một lần tìm lại những người bạn nối khố năm nào, ôn nhau lại những kỷ niệm cũ êm đềm, tinh nghịch, gắn bó với nhau những chặng đường vượt khó để học hành đến nơi đến chốn. Nếu ngày ấy, tôi và Lái không có những lời động viên của mẹ cha, anh chị, em và bà con lối xóm thì giờ này chúng tôi vẫn là anh ngư dân đang bám biển Trường Sa.

Cái thời cơm cha áo mẹ nặng hơn công thầy ấy đã bắt chúng tôi phải đối mặt với biển, mưu sinh với nghề biển. Cái vùng quê thân thương ấy của tôi chỉ có một mặt biển, một mặt sông và con đường cát trắng rát bỏng chân người, vi vu qua những rặng dương trải bước hướng chúng tôi đi về phía ấy. Đó phải chăng là định mệnh?

Trong sâu thẳm cõi lòng, tôi vẫn thường đinh ninh cái tâm ý của mình là đúng: Định mệnh có thể làm cho con người bước tới đài vinh quang nhưng cũng có thể đưa con người vào chốn tối tăm mờ mịt của cuộc đời. Đã có bao người thừa nhận cái định mệnh kia và an bài với nó. Nhưng tôi dám chắc một điều: Giải mã được vấn đề này chỉ có lý trí sáng suốt của con người là quyết định.

Tết này về quê để thấy bao người ly quê vẫn chưa thật sự mặn mòi cảm khái quê mình như là nguồn cội. Đâu đó vẫn vang lên những câu nói bạc lòng của thói đời, thói trưởng giả tập tễnh học làm trí thức.

Mấy ai đã nghĩ: Mạch nước, hạt gạo mùa nặng gánh phù sa đã nuôi ta nên vóc nên hình; ngôi trường làng xiêu vẹo và hình ảnh thầy giáo già suốt đời tận tuỵ bên những trang giáo án, say sưa với những giờ lên lớp, cần mẫn gieo mầm xanh cho cây đơm hoa kết trái; đã thắp lên trong ta những hoài bão, ước mơ tung cánh bay cao, bay xa trên con đường tương lai của mình. Công lao ấy lấy gì đền đáp được; sao ta nỡ dửng dưng, quay lưng mà hãnh tiến với những gì đạt được! Quê hương là gì hả mẹ?/ Mà cô giáo dạy phải yêu/Quê hương là gì hả mẹ?/ Mà ai đi xa cũng nhớ nhiều. Những câu thơ ấy, có làm sáng lên trong ký ức mù sương của những kẻ bạc lòng xa xứ chăng?

Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của tôi được về quê ăn tết lần này, được sum họp cùng gia đình, được quây quần bên bữa cơm chiều cuối năm với cha mẹ, anh chị em và con cháu, được bắt gặp lại tuổi ấu thơ, được quay về ký ức, được đắm mình trong cảm giác thỏa thê tận hưởng hương vị giản đơn của người dân quê miền biển trong những ngày tết cổ truyền là mãn nguyện lắm rồi.

Trong khói hương nghi ngút của khoảnh khắc giao thừa, nỗi khắc khoải ưu tư khi chạnh lòng nghĩ đến anh trai tôi chưa đi hết mùa xuân này để được nhâm nhi ly rượu đầu xuân. Bài thơ xưa cứ khắc khoải: Mẹ ơi! Con mặc áo phố phường, giọng nói dần đổi khác. Mỗi năm đôi ba lần về thăm mẹ. Tóc mẹ bạc nhiều hơn … lại chạm vào nỗi đau như xé lòng. Tự dưng nhớ lại lời anh tôi cuối năm nào cũng da diết khi gọi điện: Sao em không về quê ăn tết cùng anh. Thử hỏi ai có cầm lòng đặng chăng?             
 


.