Phòng rối loạn tiêu hoá trong dịp Tết

02:02, 03/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rối loạn tiêu hóa là tình trạng không bình thường diễn ra ở đường tiêu hóa. Bệnh có thể xảy ra ngay tại đường tiêu hóa, nhưng cũng có thể từ bên ngoài đưa vào. Mọi lứa tuổi đều có thể bị rối loạn tiêu hóa, tình trạng bệnh ở mỗi người thường không giống nhau và có nhiều mức độ. Nếu không được điều trị sớm, dứt điểm sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Tết đến, Xuân về là dịp gặp mặt với các bữa tiệc kéo dài. Bên cạnh đó,  thời tiết giao mùa thay đổi thất thường nên ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ. Ngày Tết nhà nào cũng "mâm cao cỗ đầy", thường có thói quen tích trữ thức ăn, không mua thức ăn mới như ngày thường. Sau Tết, nhiều gia đình thường nấu đi nấu lại thức ăn đã chuẩn bị sẵn, nên có thể gặp những trục trặc về sức khỏe, nhất là bệnh rối loạn tiêu hóa. 

gjhj
 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phương - Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong dịp Tết,  thói quen ăn uống thường hay thay đổi, những món ăn nhiều chất đạm như thịt, chả, giò, nem hoặc nhiều bột đường như kẹo, bánh mứt, cộng với giờ giấc ăn không cố định dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Bệnh thường có các triệu chứng như đau bụng, đầy bụng, khó tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, viêm dạ dày cấp, loét dạ dày, ngộ độc thức ăn...

Có rất nhiều tác nhân gây bệnh rối loạn đường tiêu hóa, nhưng hầu hết đều có nguyên nhân do ăn uống. Các loại thức ăn trong dịp Tết như: Thịt, giò, nem, bánh chưng, bánh tét… bề ngoài vẫn còn ngon, nhưng bên trong có thể đã bị nhiễm khuẩn. Việc đun sôi, nấu chín có thể giết chết vi khuẩn nhưng không thể loại được độc tố vi khuẩn gây ra trong thức ăn. Mặt khác, thức ăn khó tiêu, quá giàu dinh dưỡng, nhiều tinh bột và đường, giờ ăn thay đổi thất thường cũng là nguyên nhân gây ra các chứng đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, ngộ độc thức ăn, viêm dạ dày…

Bác sĩ Phương lưu ý: Nên duy trì bữa ăn ngày Tết đừng quá khác bữa ăn hàng ngày, thức ăn chế biến không quá cầu kỳ, không nhiều gia vị, hạn chế chiên xào, hạn chế thức uống rượu bia và thức uống có gas, không nên dự trữ thực phẩm quá nhiều, loại bỏ những thực phẩm hư không đảm bảo vệ sinh.  Vào những ngày lễ Tết, các bữa ăn thường thiên về nhóm các chất đạm, chất béo, bột đường. Không những thế, chúng ta còn bị thiếu đi nhóm vitamin do ăn quá ít rau và hoa quả. Điều này gây ra hội chứng co thắt không đều của các cơ vòng trong hệ thống tiêu hóa. Đây cũng là nguyên nhân gây đau bụng và dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

 Để đảm bảo sức khoẻ, chúng ta cần ăn uống điều độ. Người nội trợ cần kiểm tra kỹ những thức ăn đã để lâu và tránh những thức ăn ôi thiu, nấu đi nấu lại nhiều lần. Tăng cường thêm rau củ và hoa quả để bổ sung vitamin cho cơ thể. Điều này không chỉ tốt hơn cho hệ tiêu hóa, mà còn tăng cường sức đề kháng. Những người có bệnh lý mạn tính đường tiêu hóa không nên ăn những thức ăn quá nhiều mỡ, quá ngọt, quá cay hoặc quá nhiều chất đạm, vì những thức ăn này rất khó cho việc tiêu hóa của đường ruột.

 Khi  người bệnh có biểu hiện đi ngoài ra máu, đi ngoài kèm sốt cao, uống thuốc điều trị tiêu chảy trong vòng 24 tiếng không có dấu hiệu thuyên giảm bệnh... cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện, để các bác sĩ khám bệnh và có phương pháp điều trị hiệu quả.

Kim Liên
 


.