Không lơ là dịch bệnh trong dịp Tết

08:02, 15/02/2015
.

Thời điểm này, mối lo nhất của ngành y tế là nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong dịp Tết nếu các địa phương không thực hiện tốt công tác phòng bệnh.

Nguy cơ dịch bệnh bùng phát

Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, báo cáo giám sát từ các tỉnh, thành phố trong tháng 1-2015, cả nước ghi nhận 133 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 28 trường hợp xét nghiệm dương tính sởi tại 13 tỉnh, thành phố. Riêng tại BV Nhi T.Ư đã ghi nhận bệnh nhân sởi xét nghiệm dương tính đến từ 10 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội chiếm 33,3%. Ngoài bệnh sởi, trong tháng 1-2015, các tỉnh miền bắc ghi nhận 16 trường hợp mắc ho gà.

Đáng chú ý, nhiều tỉnh của Trung Quốc gần biên giới Việt Nam đang có dịch cúm A/H7N9 diễn biến phức tạp với 111 trường hợp mắc. Virus cúm A/H7N9 lưu hành ở các đàn gia cầm, không có biểu hiện triệu chứng nên khó khăn trong việc kiểm soát dịch. Ngoài ra, các chủng virus cúm A/H5N8, H5N6 và H5N2 ở một số nước cũng có nguy cơ lây lan sang Việt Nam. Đáng lo ngại là công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm chưa được người dân chú trọng, nhu cầu thực phẩm tăng cao làm tăng nguy cơ dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán.

Rà soát kỹ đối tượng tiêm phòng

Đề cập công tác phòng, chống dịch bệnh, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, đối với các bệnh sởi - rubella, ho gà, biện pháp phòng bệnh duy nhất là tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch. Vì vậy, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát trẻ trong độ tuổi tiêm chủng và tư vấn để các gia đình chủ động đưa trẻ đi tiêm. Thực tế, vụ dịch sởi năm 2014 và những trường hợp mắc ho gà đầu năm 2015 cho thấy, phần lớn số trẻ mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng.

Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thành phố đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao, tuy nhiên, trong chiến dịch tiêm sởi - rubella vừa qua, nhiều trẻ đến lịch tiêm nhưng bị ốm, sốt phải hoãn tiêm, trong khi dịch sởi đang cận kề. Vì vậy, từ nay đến Tết, ngành y tế Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng, rà soát từng đối tượng trong độ tuổi để vận động đi tiêm phòng. Về công tác y tế dự phòng, Hà Nội đã sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực, cơ số thuốc phòng, chống dịch và chủ động tăng cường giám sát dịch tại tất cả các tuyến. Sở Y tế cũng đã thành lập năm đội chống dịch cơ động tuyến thành phố và 60 đội tuyến các quận, huyện, thị xã được trang bị đầy đủ phương tiện, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có dịch bệnh.
 

Nhu cầu thực phẩm tăng cao làm tăng nguy cơ dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán.
Nhu cầu thực phẩm tăng cao làm tăng nguy cơ dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán.


Các địa phương khác cũng bày tỏ lo ngại dịch có thể bùng phát trong dịp Tết Nguyên đán và mùa đông - xuân. Trước yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch bệnh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các địa phương tăng cường phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn tiêm chủng. Đối với các cơ sở điều trị, đặc biệt là các bệnh viện có khoa nhi, hô hấp cần phải có các biện pháp chủ động, nghiêm túc rút kinh nghiệm từ bài học của Bệnh viện Nhi T.Ư trong phân loại bệnh nhân ở vụ dịch sởi năm 2014 để phòng, chống nhiễm khuẩn.

Nhiều giải pháp ứng phó

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm y tế dịp Tết Ất Mùi mới diễn ra, Cục trưởng An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, Cục đã thành lập năm đội cơ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm sẵn sàng điều tra xử lý khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết. Ngoài ra, từ nay đến Tết Nguyên đán và dịp lễ hội năm 2015, Bộ Y tế cùng các địa phương tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm…

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao trên toàn quốc trong mùa đông - xuân, biên giới đã xuất hiện các trường hợp mắc cúm A (H7N9, H5N1...)… Do vậy, đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, để bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Ất Mùi, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm các kíp trực cấp cứu, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các trang thiết bị, thuốc, máu, dịch truyền… đáp ứng công tác khám, chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm. Các cơ sở điều trị cũng cần làm tốt công tác chẩn đoán sớm, cách ly tránh nhiễm trùng chéo, không được để xảy ra tình trạng quá tải ùn tắc…



Theo Ngaynay.vn


.