5 bí quyết "vàng" để ăn Tết an toàn

02:02, 16/02/2015
.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục an toàn thực phẩm đưa ra 5 lời khuyên để ăn Tết an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa nguy cơ ngộ độc trong những ngày Tết.

Không tích trữ quá nhiều thực phẩm

Theo ông Phong, ngày nay, Tết ngày nay không còn như thời bao cấp, nhưng để thay đổi thói quen ăn Tết của người dân là rất khó. Đã thành nếp nghĩ, Tết là phải mâm cao cỗ đầy, thực phẩm chất đầy bếp. Không đủ thực phẩm dùng trong mấy ngày Tết là... rông trong cả năm. Vì thế, nhiều gia đình vẫn có thói quen mua tích trữ thực phẩm, lương thực, rau củ quả.

“Không có gì an toàn và chất lượng như hàng tươi nguyên. Vì thế, khuyến cáo người tiêu dùng không nên tích trữ quá nhiều lương thực thực phẩm. Bởi ngày nay, chỉ mùng 2, mùng 3 Tết đã có thể mua hàng tươi mới”, ông Phong khuyến cáo.


Đừng biến tủ lạnh thành kho bảo quản
 

 Đồ ăn bảo quản trong tủ lạnh phải để riêng đồ sống, chín.
Đồ ăn bảo quản trong tủ lạnh phải để riêng đồ sống, chín.



Dù là tủ lạnh nhưng chúng cũng chỉ có tác dụng bảo quản thực phẩm trong thời gian nhất định, làm chậm sự phát triển của các loài vi sinh vật, chứ không có nghĩa cho đồ ăn vào tủ lạnh là yên tâm tươi ngon mãi mãi.

“Nhiều người quan niệm cứ đưa vào trong tủ lạnh là có thể bảo quản hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Đó là quan niệm sai lầm. Tùy từng loại thực phẩm mà thời gian bảo quản khác nhau. Vì thế, không nên biến tủ lạnh thành kho tích trữ”, ông Phong nói.

Chưa kể, vì cả “núi” đồ ăn trong tủ lạnh nên rất khó bảo quản riêng thực phẩm sống với thực phẩm chín (là các loại đồ đông lạnh như giò, chả, đồ ăn sẵn…) nên nguy cơ xảy ra lây nhiễm chéo vi sinh vật từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín càng cao hơn. Mà khi một món đồ có vi khuẩn, nấm mốc, ôi cũng dễ dàng lây nhiễm sang thực phẩm khác.

Vì thế, hãy biết “tiết chế” khi mua thực phẩm lưu trữ và bảo quản đúng cách. Từng loại thực phẩm khi đưa vào tủ lạnh, ví như thịt cần rửa sạch, để ráo nước, mỗi loại thịt đều cho vào một hộp riêng, đậy kín. Chỉ những thực phẩm tươi sử dụng trong ngày mới để ngăn mát, còn lại phải để vào ngăn đông. Với trái cây, rau, chỉ những loại rau lá mới cần nhặt sạch,bọc kín trong túi ni-lonđể vào tủ;còn lại các loại rau củ như su hào, su su, khoai tây, khoai môn, cà chua… thì có thể để ngoài.

Ngày Tết, trong tủ lạnh mỗi nhà không thể thiếu các loại thức ăn nguội như giò, thịtđông… Đây lànhóm thực phẩm cần được bảo quản cẩn thận,để hộp riêng, có nắp kín... để tránh bị lây nhiễm vi khuẩn, nấm mốc từ các thực phẩm khác (bề mặt vết cắt giò có màu khác với phần còn lại của giò...).

Bảo quản, lưu trữ thức ăn đúng cách, đun thật sôi khi lấy thực phẩm chín ra ăn, bảo quản kỹ càng nhóm thực phẩm ăn lạnh… thì sẽ hạn chế được nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết

Chú ý trong chọn thực phẩm

Khi mua thực phẩm, với sản phẩm bao gói sẵn phải có đầy đủ nhãn mác sản phẩm, có địa chỉ, hạn dùng đầy đủ. Đối với thịt cá rau củ quả phải mua ở những địa chỉ cố định, đặc biệt gia súc gia cầm phải có kiểm dịch của cơ quan thú y. Khi mua thực phẩm, cần quan sát kỹ màu sắc thực phẩm, độ đàn hồi, mùi vị. Còn với trái cây, kiểm tra kỹ tránh mua phải trái cây rập nát, có mùi lạ, cuống thâm đen…

Hạn chế uống rượu bia

Ngày Tết, không thể không có chén rượu mừng xuân. Nhưng cũng cần lưu ý uống ở mức độ vừa phải. Đặc biệt không uống những loại rượu không rõ nguồn gốc, phòng nguy cơ ngộ độc rượu rất nguy hiểm đến tính mạng, nhất là những loại rượu ngâm dễ có độc tố, rất nguy hiểm.

Ăn ít bánh kẹo, nước ngọt

Với trẻ em, bánh kẹo, nước ngọt là những thực phẩm khoái khẩu của trẻ. Nếu không để mắt, trẻ ăn, uống thoải mái rất dễ gây rối loạn tiêu hóa, đầy bụng. Bởi trong các loại kẹo, bánh ngọt ít nhiều đều có sử dụng các loại phẩm màu, chất bảo quản. Dù các chất này ở dưới ngưỡng cho phép, nhưng nếu ăn quá nhiều, cộng dồn lại nó sẽ là tác nhân gây hại cho đường tiêu hóa của trẻ.
 
Vì thế, hãy để mắt tới trẻ, khống chế lượng bánh kẹo, nước ngọt nhất định để đường tiêu hóa trẻ không bị rối loạn trong ngày Tết.

 

Theo Tú Anh (Dân trí)


.