Hình tượng con ngựa trong văn hóa dân gian Việt Nam

07:01, 23/01/2014
.

Hình tượng Ngựa xuất hiện từ rất lâu đời trong văn hoá Việt Nam. Con ngựa là một trong những loài vật được con người thuần hoá và sử dụng trong đời sống hàng ngày. Ngựa là con vật thông minh, khôn ngoan, nhanh nhẹn cho nên nó được chọn là con vật kề vai sát cánh cùng con người xông pha trận mạc.

Với đức tính hiền lành, vẻ ngoài thanh nhã, sự trung thành với chủ ngựa cũng được coi là con vật có tình có nghĩa. Vì vậy, hình ảnh con ngựa là hình ảnh mà chúng ta dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống đời thường. Đó là chủ đề khá quen thuộc cho văn học nghệ thuật, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc và hơn nữa nó còn là một biểu tượng văn hoá điển hình.

Biểu tượng của văn hoá và tín ngưỡng

Qua lăng kính văn hoá, ngựa được xem là biểu tượng của sự tài lộc, thành công, sự trung thành, nhanh nhẹn. Hơn nữa, hình ảnh con ngựa tung vó hý vang, biểu tượng cho sự kiêu hãnh, tự do và thanh khiết.
 

    Mã đáo thành công (Ảnh: Internet)
Mã đáo thành công (Ảnh: Internet)



Trong văn hoá Việt Nam, ngựa là một trong 12 con giáp thuộc hệ can chi (Ngọ). Theo triết lý Âm dương thì ngựa mạnh mẽ, nhanh nhẹn thuộc Dương tính. Theo phong thủy, hướng Nam tướng ứng với hướng Ngọ. Ngọ còn là biểu trưng cho yếu tố Hỏa của Ngũ hành,vì vậy trong dân gian người ta thường sử dụng con ngựa để tượng trưng cho Mặt trời.

Ngựa được xem là con vật gắn liền với trận mạc và chiến tranh, là con vật trung thành với chủ. Hơn nữa, vai trò của ngựa với những trận chiến thắng oanh liệt luôn được đề cao. Cho nên, khi một con vật trung thành chết đi người ta thường lập miếu thờ con vật ấy để tưởng nhớ cũng như xem đó là con vật linh thiêng. Như ngựa sắt gắn liền với Phù Đổng Thiên Vương, hay tượng ngựa ở các đền miếu và lăng tẩm.

Ngựa trong văn học dân gian

Trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, hình ảnh con ngựa được sử dụng khá nhiều bởi các thuộc tính vốn có của nó. Khi chúc nhau may mắn, thành công người ta chúc “mã đáo thành công”; khi nói đến thời gian trôi nhanh người ta nói “ Bóng ngựa qua cửa sổ”; chỉ những người trẻ tuổi thiếu chín chắn, hung hăng, thích chứng tỏ mình là “ Ngựa ngon háu đá”; chỉ những người giống nhau, tìm đến nhau là “ Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”; chỉ một mình chống lại khó khăn, không có sự giúp đỡ của ai là “ Đơn thương độc mã” và còn nhiều thành ngữ, tục ngữ khác nữa như “thiên binh vạn mã”, “đầu trâu mặt ngựa”, “cưỡi ngựa xem hoa”…

Ở Huế, người ta có câu thành ngữ “ Ngựa thượng tứ” để chỉ những người phụ nữ hung hăng, có lời ăn tiếng nói thô lỗ.

Chuyện là trước đây ở cửa Đông Nam kinh thành Huế có một tàu ngựa để nuôi ngựa cho nhà vua tên là “Tàu ngựa Thượng Tứ”.(Thượng và thuộc về nhà Vua, tứ là cỗ xe ngựa bốn bánh). Và theo như kinh nghiệm dân gian thì “ Ngựa chứng là ngựa hay” thế nên những con ngựa hay của Vua là những con ngựa hoang hung hăng được thuần phục. Vì vậy mà dân gian thường gọi cửa Đông Nam kinh thành là cửa Thượng Tứ và những người con gái, phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, sỗ sàng được ví như là “ Ngựa thượng tứ”.

Trong ca dao dân ca, hình tượng con ngựa cũng được nhắc đến khá nhiều. Khi người con gái có chồng rồi, đã yên bề gia thất được ví như “ngựa có cương”, các chàng trai đừng dòm ngó nữa:

Em có chồng rồi như ngựa có cương
Ngựa em em đứng, đường trường anh đi

Khi quan quân của Lê Lợi đóng trại ở Bồ Đề, mọi người đã thi nhau cắt cỏ về cho ngựa để tỏ lòng yêu mến “ đức Ông”

Nhong nhong ngựa ông đã về
Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn
 
Khi tình yêu đôi lứa không cân xứng, “đứa con gái khôn lấy thằng chồng dại” thì người bình dân lại so sánh:

Tiếc thay con ngựa cao bành
Để cho chú ấy tập tành sao nên?    
 
Trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích hình ảnh con ngựa cũng không hề ít. Là người Việt Nam, không ai không ấn tượng trước hình ảnh ngựa sắt thần kỳ của Phù Đổng Thiên Vương hay bắt gặp con ngựa lạ lùng với “ chín hồng mao” trong sính lễ mà Vua Hùng đưa ra cho Sơn Tinh, Thủy Tinh. Và hình ảnh An Dương Vương cưỡi ngựa cùng với con gái Mỵ Châu chạy về biển Đông để tránh sự truy đuổi của quân Trọng Thủy.

Trong nghệ thuật

Trong nghệ thuật, ngựa thường xuất hiện với nhiều hình ảnh khác nhau như lông màu trắng là ngựa bạch, đen tuyền là ngựa ô, tím đỏ pha đen là ngựa tía…

Rất nhiều nhà điêu khắc tài hoa, họa sĩ nổi tiếng đã tạc tượng, vẽ tranh về con ngựa. Như bức tranh một đàn ngựa phi nước đại biểu tượng cho sự thành đạt trong kinh doanh hay bức tượng con ngựa tung vó tượng trưng cho sự kiêu hãnh, cao sang, quý phái mà ta thường bắt gặp.

Trong kiến trúc và điêu khắc, hình ảnh con ngựa thường được chạm khắc ở các đền đài, lăng tẩm và đặc biệt nhất là nó được trang trí ở bức bình phong trong dân gian dưới hình tượng con Long Mã .Theo truyền thuyết, Long Mã là hóa thân của Kỳ Lân, một trong tứ linh của văn hóa Việt Nam: Long – Lân – Quy – Phụng. Long Mã là biểu tượng cho điềm lành, cho sự thông thái, cao quý và niềm hạnh phúc.

 

Hình ảnh ngựa trên Cửa đỉnh (Đại Nội - Huế) - (Ảnh: Internet)
Hình ảnh ngựa trên Cửa đỉnh (Đại Nội - Huế) - (Ảnh: Internet)


Các kiến trúc truyền thống ở Huế thường quay mặt về hướng Nam – là hướng Hỏa theo quan niệm Phong thủy phương Đông. Vậy nên, để tránh khí độc và gió độc bay vào nhà gây hại cho gia chủ, người ta thường xây bức bình phong và trang trí biểu tượng Long Mã phía trước.

Hình ảnh Long Mã đã được chọn làm biểu tượng cho Festival Huế kể từ năm 2002, là phác họa của hình ảnh Long Mã ở bức bình phong trước trường Quốc Học Huế cũng có lẽ vì các đặc tính nêu trên.

Trong tử vi

Theo tử vi thì những người tuổi Ngọ thường có tính phóng khoáng, có năng lực suy nghĩ độc lập, nhanh nhẹn, tháo vát và ít để bụng. Gặp việc gì họ cũng bắt tay vào làm ngay, không chần chừ do dự. Nhưng cũng chính sự nhanh nhẹn đó làm nên điểm yếu của học: nóng vội và thiếu kiên nhẫn.



Thiều Trúc/Khám phá Huế


.