Chọn rau ngon, trái bổ cho Tết

09:01, 17/01/2012
.

Bữa ăn ngày tết với nhiều thịt, cá sẽ dễ ngán và đầy bụng. Các món chế biến nhiều rau tươi giúp bữa ăn thêm ngon và dễ tiêu hoá. Kèm thêm trái cây tráng miệng bổ sung vitamin, tăng sức đề kháng cơ thể, nhờ đó có thể vui tết trọn vẹn hơn.
 
Để hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và nhận được nhiều nhất các dưỡng chất từ thực phẩm là rau, trái, việc chọn mua, bảo quản và chế biến cần hết sức chú ý.
 
Thận trọng rau, trái tươi ngon bất thường
 
Nên chọn rau, trái theo mùa vì nhiều dưỡng chất và rẻ. Hơn nữa, trồng theo mùa sẽ dễ dàng phát triển mà không cần nhiều phân bón hay hoá chất bảo vệ thực vật. Các loại rau, trái trái mùa thường đắt và có thể chứa nhiều hoá chất. Chọn loại rau, trái còn nguyên, màu sắc tự nhiên, cầm chắc nặng tay, không giập hoặc nứt vỏ, không héo úa. Rau, trái nội địa sẽ rẻ và tươi, ít sử dụng chất bảo quản. Đối với trái cây ngoại nhập, nên mua ở những cửa hàng uy tín, được bảo quản mát.
 
Nên chọn mua rau, trái còn nguyên, màu sắc tự nhiên, cầm chắc nặng tay, không giập hoặc nứt vỏ, không héo úa. Ảnh: Hồng Thái
Nên chọn mua rau, trái còn nguyên, màu sắc tự nhiên, cầm chắc nặng tay, không giập hoặc nứt vỏ, không héo úa. Ảnh: Hồng Thái
 
Muốn biết trái cây có tươi không, hãy quan sát phần cuống. Nếu cuống trái cây còn tươi xanh thì khi dùng tay kéo nhẹ, cuống sẽ vẫn dính chặt vào phần trái. Trường hợp cuống tươi xanh mà trái đã chín, tức là trái chín cây, sẽ bổ dưỡng hơn trái đã hái xuống từ lâu. Trái cây có vỏ như cam, bưởi, quýt, chuối, thanh long… sẽ an toàn hơn trái không bỏ vỏ như nho, ổi, sơri… 
 
Cần thận trọng với các loại rau, trái có màu sắc quá mỡ màng, vỏ láng bóng, tươi ngon một cách bất thường. Hạn chế mua các loại rau củ quả gọt vỏ cắt sẵn nhìn bắt mắt nhưng có thể không đảm bảo vệ sinh và chất dinh dưỡng, do thường sử dụng phần còn lại của rau củ kém tươi, nguồn nước ngâm rửa không sạch, thậm chí có thể ngâm hoá chất cho trắng và giòn.
 
Ăn nhiều loại để giảm nguy cơ ngộ độc
 
Rau, trái trước khi ăn cần rửa sạch để giảm thiểu hoá chất còn tồn đọng và làm trôi trứng giun sán. Nước dùng rửa rau, trái phải bảo đảm sạch, không nhiễm bẩn. Đầu tiên, rửa trong thau nước đầy và thay nước vài lần để trôi đất cát.
 
Nhặt từng bẹ lá riêng rẽ, không sử dụng phần kẽ lá vì nơi đây rất dễ ứ đọng hoá chất bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng. Ngâm trong nước 5 – 10 phút để các hoá chất tan và trôi theo nước. Sau đó, rửa sạch dưới vòi nước nhiều lần để trôi trứng giun sán và hóa chất tồn đọng. Cuối cùng, ngâm rau trong nước muối pha loãng khoảng 10 – 15 phút.
 
Vớt rau để ráo nước, cắt vừa ăn và chế biến. Các thao tác rửa rau cần hết sức nhẹ nhàng để tránh giập vì rau giập rất dễ mất các loại vitamin tan trong nước. Nên chế biến rau bằng cách luộc sơ, xào sơ… hơn là hầm nhừ để giữ lại được các vitamin. Khi xào nấu nên mở nắp để loại bớt hoá chất bảo vệ thực vật qua bốc hơi. 
 
 
 
Rau, trái không thể thiếu trong chế độ ăn hàng ngày của con người do là nguồn thực phẩm cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ đáng kể. Bữa ăn có kèm rau, trái sẽ thêm ngon miệng và giúp đường tiêu hoá hoạt động tốt, đặc biệt các loại rau gia vị như hành, tỏi, gừng… Trái cây còn là nguồn cung cấp thêm chất đường cho cơ thể nên là bữa ăn phụ rất tốt.
 
Theo lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, mỗi người nên ăn khoảng 300g rau và 2 – 3 phần trái cây mỗi ngày. Tuy nhiên, thực hiện lời khuyên này quả thật không dễ bởi vấn nạn lạm dụng hoá chất bảo vệ thực vật trong quá trình trồng và bảo quản. Dư lượng các hoá chất này có thể gây ngộ độc cho người ăn, cấp thời hoặc lâu dài sau này. Để hạn chế nguy cơ ngộ độc, bữa ăn nên có nhiều loại rau củ quả khác nhau.
 
Hiếm khi nào tất cả các loại rau củ quả khác nhau đều cùng nhiễm hoá chất. Hơn nữa, ăn đa dạng nhiều màu sắc sẽ hấp dẫn, ngon miệng và cung cấp nhiều dưỡng chất hơn. Nếu cảm nhận thức ăn có mùi vị lạ thì tốt nhất không nên ăn. Đối với rau cải, phần lá sẽ ít bị nhiễm hoá chất hơn phần cuống, do hoá chất đi từ rễ lên cuống và chứa ở đây, nếu trụng hoặc nấu qua nước sôi sẽ loại bớt hoá chất.
 
 
Theo SGTT

.