Ấm áp bữa cơm ngày Tết

10:02, 03/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu không phải phong tục, lễ nghi nhưng mâm cơm ngày Tết đã trở thành truyền thống, một nét văn hóa được gìn giữ từ lâu, mang đậm hồn dân tộc của mỗi người con đất Việt.

Một năm bôn ba nơi xứ người, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuân, quê xã Bình Minh (Bình Sơn) hầu như không có lấy một bữa cơm gia đình đúng nghĩa. Chỉ khi được về quê trong mấy ngày Tết, vợ chồng anh mới cảm nhận được bữa cơm sum vầy là thế nào. Đó là thời khắc mà tất cả thành viên trong gia đình tụ họp, cùng nhau san sẻ những miếng ngon và bày tỏ niềm vui, nỗi buồn, để rồi động viên nhau phấn đấu cho một năm mới với bao hy vọng.

 Bữa cơm ngày Tết luôn ấm áp tình thân.
Bữa cơm ngày Tết luôn ấm áp tình thân.


 Anh Tuân tâm sự: “Vì cuộc sống mưu sinh phải xa quê nên chẳng có thời gian cũng như cơ hội để cả gia đình được quây quần bên nhau. Do đó, tôi chỉ mong sao đến Tết để được nghỉ ngơi, về quê đón Tết và sum họp với gia đình. Với tôi như thế là hạnh phúc rồi!”.

Không xa hoa, cầu kỳ nhưng Tết ở gia đình ba thế hệ của ông Nguyễn Bảy, 82 tuổi, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) lại trọn vẹn và đầm ấm với tiếng nói cười của ông bà, cha mẹ và con cháu. Những món ăn truyền thống trong ngày Tết chưa bao giờ thiếu ở gian bếp nhà ông Bảy. Thịt kho tàu, thịt heo thả mắm, khổ qua dồn thịt hay các món dưa món, củ kiệu ăn cùng bánh tét luôn sẵn sàng phục vụ các thành viên trong gia đình và khách đến nhà chúc Tết.

Ngoài ra, một điểm đặc biệt ở gia đình ông Bảy, con cháu dù đi chơi ở đâu, bữa cơm chiều trong những ngày Tết đều có mặt đông đủ, ấm áp. Đó cũng là “phong tục” mà gia đình ông Bảy lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Bữa cơm đoàn viên của người Việt còn thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, đồng thời khơi dậy lòng tự hào về gia đình, dòng họ. Ông Lê Văn Hậu, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) cho biết: “Con cháu đều đi làm ăn xa. Nên với tôi, bữa cơm gia đình đúng nghĩa chính là bữa cơm chiều 30 Tết. Đó là lúc nỗi niềm nhớ mong con cháu của ông bà được bù đắp. Ngoài những tình cảm yêu thương, quan tâm chăm sóc lẫn nhau qua việc chuẩn bị món ăn, trong bữa cơm, tôi còn nhắc nhở cháu con về phong tục, tập quán của quê hương, về ý nghĩa của mâm cơm cúng gia tiên, sự sum họp của gia đình ngày Tết để cháu con luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn".

Giữa nhịp sống hiện đại ngày nay, nhiều người bị cuốn vào guồng quay của công việc mà chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà khá giản đơn. Nhưng dẫu sao, mọi người vẫn giữ gìn và xem bữa cơm ngày Tết như một nét văn hóa không thể thiếu vào mỗi độ Tết đến, xuân về là điều rất đáng quý. Bởi, chỉ có bữa cơm gia đình ngày Tết mọi người mới cảm nhận hết sự ấm áp, yêu thương và quý báu của hai tiếng gia đình. Đó là lý do vì sao những người con tha phương luôn thấy trống vắng, nuối tiếc trong niềm nhớ thương da diết khi không được cùng gia đình ăn bữa cơm ngày Tết.

Bài, ảnh: AN NHIÊN
 


.