Tết này hoài niệm tết xưa

02:01, 27/01/2017
.

Người thành phố mê mải với công việc cho đến tận ngày cuối cùng của năm mới đổ ào ra phố sắm Tết. Tiện lợi đấy mà cũng bâng khuâng lắm…



Vậy là đã lại vào Xuân. Mùa Xuân năm nay đến sớm, ngày 26 tháng Chạp đã là tiết Lập Xuân. Nắng mưa ấm lạnh đỏng đảnh suốt mùa, nhưng đến Lập Xuân thì như có hẹn, đào lại e ấp hé, quất lại óng ả vàng như chưa từng có những cơn trở giời trái gió.

Xuân thì đến sớm, ấy vậy mà Chạp lại thiếu mất một ngày, để Tết thành ra vội. Chỉ một ngày thôi nhưng là năm cùng tháng tận, nên bao nhiêu lo toan tất bật, bao nhiêu hối hả vội vàng dường như dồn cả vào đấy. Dẫu rằng đã từ vài chục năm trở lại đây đời sống khấm khá, cái không khí rục rịch đón Tết như những xa xưa lâu lắm cũng không còn thấy.

Mọi thứ đều sẵn, thành thử nhiều người cũng đã quên rồi bóng dáng những chiếc xe tải chở đầy lá dong và ngất ngưởng những cành đào rừng từ miền ngược ùn ùn kéo về từ giữa Chạp… Cảnh xếp hàng chen chúc bán bán mua mua cũng hết. Vườn đào, vườn quất trên Nhật Tân, Quảng Bá từng là nơi lưu giữ rõ nét nhất bóng dáng của Tết xưa giờ cũng đã vật đổi sao dời.

Chưa kể đến việc những công trình, những khu đô thị mới, và đặc biệt là cây cầu thế kỷ mang tên Nhật Tân đã từ chen chân rồi đến thành thay thế hẳn những gốc hoa xù xì cổ kính, đưa những khu vườn ngút ngát một màu hồng se sắt dịch ra tận bãi sông, chỉ còn lại cái chợ hoa đầy tự phát trên mặt đê mỗi năm xuất hiện một lần vào dịp Tết, tràn ra cả mặt đường, vừa chật chội nhưng cũng lại đầy những bâng khuâng trì níu…

Chỉ riêng cái cảnh các loại ôtô, xe máy, hay đơn giản nhất là cả một đội ngũ xe “ôm” chuyên nghiệp chở thuê, đã làm vãn đi rất nhiều cái thư thái của những cành hoa đổ về thành phố trên những chiếc xe đạp thong dong thuở nào. Duy chỉ ánh mắt buồn hiu hắt của những người trồng hoa trong những trận gió mùa đông bắc lạc mùa chiều cuối năm là vẫn nguyên vẹn nét xưa.

Người thành phố mê mải với công việc cho đến tận ngày cuối cùng của năm mới đổ ào ra phố, ùa vào các siêu thị. Chỉ cần một buổi là đã có đủ một cái Tết tươm tất. Tiện lợi đấy mà cũng bâng khuâng lắm…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


 Lại thấy nhớ năm nào…


Thời ấy, Tết gọi là Tết ăn, chủ yếu là tập trung vào các gia đình. Cuộc sống thời bao cấp, người người, nhà nhà đều tăm tắp như nhau, từ bộ quần áo đến bữa cơm, từ những đồ dùng sinh hoạt cho đến cả tiếng pháo rộn ràng ngày Tết… tất cả đều được Nhà nước cung cấp.


Ngày Tết, mỗi gia đình được phân phối một túi hàng, trong đó đầy đủ những thứ để dùng trong dịp này. Những ngày cuối năm, cũng là hối hả, cũng là tất bật, nhưng xét cho cùng, cũng chỉ là để lo cho mấy bữa ăn ngày Tết thêm tươm tất, đủ đầy… “Đói quanh năm, no ba ngày Tết”. Tâm thế người Việt ngày ấy là vậy.

Ở nông thôn thì còn có chuyện “đụng” nhau con lợn, chia nhau mớ cá dưới ao… chứ ở thành phố, có lẽ cái chung nhất chỉ là những câu chuyện bên vòi nước công cộng, cái “giếng làng” của người phố thị, khi đã bắt đầu thấp thoáng những chiếc lá dong xanh…

Quất, đào ngày ấy cũng khiêm nhường. Khiêm nhường đến thành tinh tế. Nhật Tân, Quảng Bá khi ấy vẫn đương là làng. Người ta đem hoa về phố, chứ ít người rời phố tìm hoa…


 Qua thời Tết ăn đến thời Tết chơi. Ấy là khi cuộc sống đã đủ đầy. Ấy là khi mà bữa cơn không còn là điều lo lắng mỗi ngày trong mỗi gia đình, thì cái tất bật, vội vã của đời sống hình như lại trải đều suốt năm, đặc biệt là những ngày giáp Tết, là lúc người ta bắt đầu gói ghém lại mọi thứ, để rồi Tết đến, chỉ nháo nhào một buổi là đâu vào đấy.

Cái Tết bắt đầu mất dần đi sự náo nức mong chờ, thậm chí có người còn thấy ngại, khi nhịp thời gian bỗng thành áp lực. Nhưng lại cũng có những người cảm thấy thiêu thiếu, thấy bâng khuâng trong một niềm hoài cổ mỗi độ Xuân về.

Mà bâng khuâng cũng phải. Sự phát triển kinh tế quá “nóng” sau một thời gian dài thiếu thốn đói khổ đã kích thích và dung dưỡng nhu cầu vật chất mà bỏ quên những nhu cầu về đời sống tinh thần của con người.

Đời sống vật chất thay đổi từng ngày theo hướng hiện đại, tiện nghi hơn, nhưng đời sống văn hóa tinh thần thì như bị đẩy lùi vào quá vãng, từ những ứng xử trong gia đình ra xã hội, từ lối sống đến giá trị đạo đức… đã khiến cho cả mùa Xuân như cũng phải gồng mình lên mà làm dịch vụ.

Đến độ này, nhiều thú chơi bắt đầu được quan tâm trở lại, trong đó có cả cái thú tao nhã là thưởng hoa. Nói thưởng hoa không phải là mua hoa về ngắm, mà rõ là “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa” - (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Nhật Tân, Quảng Bá trở thành điểm đến nô nức của nhiều người…
Nhưng với nhiều người khác, một làng hoa nổi tiếng khi xưa đã mãi thành hoài niệm. Mùa xuân bây giờ, vườn đào Nhật Tân không còn nữa. Nơi ấy đã mọc lên một khu đô thị mới. Nhưng đối với người Hà Nội, đào Nhật Tân vẫn luôn là nỗi nhớ tràn đầy ký ức mỗi khi Tết đến xuân về.

Trước cái mất người ta bao giờ cũng có những cảm giác hẫng hụt, bâng khuâng, như đứng trước sự chảy trôi không ngừng nghỉ của thời gian, đặc biệt là khi một mùa Xuân mới đang về thay thế cho một năm cũ đã lùi xa…

Hiểu được điều ấy, hiểu được cái được và cái mất chính là những điều không thể khác trong cuộc sống, để từ đó tự tin và cẩn trọng hướng đến tương lai cũng chính là một thành quả của lòng người. Vậy nên cái bâng khuâng hoài niệm hôm nay, nói cho cùng, cũng giống như một chiếc neo để neo lại lòng mình vào những thiện căn…

Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh một cụ già tuổi ngoài 80, cứ nhất quyết bắt đứa cháu đưa lên tận cầu Nhật Tân trong ngày khánh thành, cũng vào dịp những ngày đầu Xuân năm trước, để được tận mắt ngắm cây cầu như một dải lụa vắt ngang sông Hồng, với những cột trụ vẽ lên những nét lộng lẫy và phóng khoáng giữa trời xanh... Niềm vui, niềm khao khát của một đời người nhiều khi chỉ giản đơn như vậy, thế mà có khi phải trọn một kiếp người…

 Vậy là đã lại vào Xuân. Một chiều lang thang giữa thành phố đầy những kỷ niệm nhưng lại rất trẻ trung hồ hởi trong một tâm thế vừa lạ vừa quen, như một người vắng xa lâu ngày trở về, để vừa ngạc nhiên lại vừa gần gụi, để vừa thân thuộc lại vừa không khỏi ngỡ ngàng trước bao điều đã biết, bao điều chưa biết cùng bao điều vừa chợt đến...

Và rồi chỉ những cánh hoa đào mỏng tang, tinh khiết là mở lòng rạng rỡ đón mình như một người bạn cũ, bền bỉ, thuỷ chung. Vâng, hoa đào sẽ mãi mãi gắn bó đến tận cùng với đất đai, sông núi, với mùa xuân trên mảnh đất này, vì theo như cách nói của một người bạn; Đũa cong không ăn được, bụng cong không ở được... Mà lòng hoa thì bao giờ cũng vậy, dẫu muôn đời vẫn thơm thảo, chân thành...

Cuộc sống cũng như mùa Xuân, đang lặng lẽ trở về, y hẹn và lộng lẫy./.

Theo Lương Ngọc An/VOV.VN

 


.