Vùng cao đón Tết

04:01, 31/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hòa quyện vào nét chung của Tết cổ truyền dân tộc, các dân tộc anh em ở miền núi Quảng Ngãi cũng có một cái Tết tươm tất và tràn đầy niềm vui trong mùa Xuân này.

TIN LIÊN QUAN

Xuân đến. Cây trái dọc các sườn đồi miền tây Quảng Ngãi đâm chồi nẩy lộc xanh biếc. Thấp thoáng sau những nếp nhà sàn, mùi khói bếp lan tỏa cùng với mùi hương nếp chín, mùi của rượu đoác, rượu cần đã tô điểm cho bức tranh ngày xuân trên non thêm thi vị.

Đồng bào Hrê Minh Long cúng thần sông dịp cuối năm.                                                                                                                                                                            Ảnh: TRÍ PHONG
Đồng bào Hrê Minh Long cúng thần sông dịp cuối năm. Ảnh: TRÍ PHONG


Tạm gác những lo toan đời thường, nghệ nhân ưu tú Hồ Văn An, ở thôn 2, xã Trà Thuỷ (Trà Bồng) cùng con cháu lau những bộ chiêng quý và nhạc cụ truyền thống của đồng bào Cor để phục vụ lễ hội ngày Tết. “Năm mới con cái về đông đủ, nên phải chuẩn bị đầy đủ bánh, heo, gà để gia đình sum vầy. Ơn Đảng, Bác Hồ, đồng bào Cor mang họ Bác năm nào đến Tết cổ truyền cũng vui vẻ, đoàn kết, cùng nhau ngồi lại tấu chiêng, ca hát để mừng một năm mưa thuận gió hòa, con cái khỏe mạnh”, ông An phấn khởi nói.
 

Tết cổ truyền luôn có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng người Cor ở Trà Bồng. Dù có đôi nét khác nhau trong phong tục nhưng có chung một ý nghĩa, đó là ngày mà tất cả mọi người ở đây đều hướng về cội nguồn của người Việt, với Đảng và Bác Hồ".
Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng NGUYỄN XUÂN BẮC

Ăn Tết theo người Kinh là nét văn hóa cộng hưởng, tự giác của đồng bào dân tộc Cor cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta. Anh Hồ Văn Chín ở xã Trà Thủy chia sẻ: Tết đến không thể thiếu rượu đoác, một loại rượu hoàn toàn tự nhiên được chiết lấy từ nước của thân cây đoát mọc trong rừng, có vị thơm, ngọt. Còn phụ nữ thì chuẩn bị rượu chuối, gói bánh đót, bánh ống. Đây là dịp để đồng bào quây quần bên nhau, cùng nắm tay nhau xóa bỏ hiềm khích, mong một năm mới an bình. Cũng như người Kinh, năm mới đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao của Quảng Ngãi cũng đến từng nhà chúc Tết, thưởng thức bánh, kẹo và nâng chén đón xuân. Người Cor rất mến khách, họ quan niệm, Tết có nhiều khách đến chơi cả năm sẽ may mắn, hạnh phúc.

Để lưu giữ và phát huy những giá trị  văn hóa truyền thống dân tộc Cor, Trà Bồng đã mời những nghệ nhân có kinh nghiệm trực tiếp truyền dạy lại cho con cháu những kỹ năng, kỹ thuật đánh chiêng, làm nhạc cụ truyền thống, hát dân ca, dân vũ... Nhờ vậy, tiếng cồng chiêng, tiếng đàn Bro, đàn Kata, đàn môi, sáo Talia, kèn Amáp và các làn điệu dân ca Xàru, Agiới, Càlu,  Alát... cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay lễ hội lại có dịp ngân vang, thấm sâu vào trong tâm khảm của thế hệ trẻ.

Các bà, các chị đồng bào  dân tộc Cor cùng gói bánh đót, bánh ống trong các dịp lễ, Tết.     Ảnh: T.P
Các bà, các chị đồng bào dân tộc Cor cùng gói bánh đót, bánh ống trong các dịp lễ, Tết. Ảnh: T.P


Đến với đồng bào Hrê huyện Minh Long, Sơn Hà, Ba Tơ không khí đón Tết của đồng bào nơi đây cũng khá nhộn nhịp. Xưa kia, Tết truyền thống của dân tộc Hrê thường được tổ chức vào tháng 3 hằng năm khi mùa hoa gạo nở. Nhưng những năm gần đây,  người Hrê cùng chung đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Văn Thuần, phấn khởi cho biết: “Nhờ chuyển đổi các mô hình kinh tế, cây con giống hợp lý, cộng với lợi thế đồi rừng người dân đã phát triển cây nguyên liệu, đời sống người dân ngày càng cải thiện, ăn Tết cổ truyền của dân tộc đầm ấm hơn, nhưng cũng không quên gìn giữ bản sắc riêng của dân tộc mình”.

Chị Phạm Thị Lanh, ở xã Ba Thành (Ba Tơ) cho biết: “Tết đến, người Kinh gói bánh tét, bánh chưng, còn chị em phụ nữ Hrê thì gói và nấu bánh lá dong bằng gạo nếp- món bánh không thể thiếu trong dịp Tết”. Ẩm thực trong ngày Tết của người Hrê không thể thiếu món thịt nấu xà bần, cá niên, cá muối chua, gà rừng và quan trọng hơn nữa là rượu cần. Dân làng tập trung vui hát Ta lêu, Ca choi. Con trai trổ tài đánh chiêng, chơi đàn Vroat, Talía, các cô gái trổ tài nhảy múa, vỗ đàn Vinvút khoe váy áo thổ cẩm truyền thống rực rỡ.

Ông Phạm Văn Hoàng, ở xã Ba Ngạc (Ba Tơ) cho biết: “Giờ bà con Hrê ăn Tết truyền thống không còn kéo dài như trước. Tết của người Hrê vẫn giữ được truyền thống của dân tộc mình. Ăn Tết cùng lúc với người Kinh là để đảm bảo cho con cái đến trường, bà con tham gia lao động sản xuất sau Tết”.

Khi màn sương buông xuống trên các sườn núi, mọi người cùng quây quần bên các đống lửa lớn. Họ ngồi sát lại bên nhau, lắng nghe những tiếng đàn điệu hát, những cái nắm tay thân mật như tăng thêm tình đoàn kết, để cùng nhau bước sang một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc.
 

TRÍ PHONG

 


.