Tết quê hương của người xa xứ

01:02, 17/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tết cổ truyền là dịp để gia đình sum vầy, quây quần bên nhau. Đối với những kiều bào xa quê, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ gia đình và hương vị Tết ấm áp đã thôi thúc họ vượt chặng đường xa để về với quê nhà.

TIN LIÊN QUAN

Trở về từ đất nước của xứ sở món ăn kim chi (Hàn Quốc), ông Phạm Tấn Kim (quê Châu Ổ, huyện Bình Sơn) đã về quê đón Tết cổ truyền của dân tộc bên người mẹ già, anh chị em và họ hàng, làng xóm sau nhiều năm xa cách. Ông Kim định cư ở Mỹ được 30 năm, sau đó được điều chuyển công tác về làm việc tại Hàn Quốc gần 2 năm nay. “Mẹ đã trên 90 tuổi rồi, nên năm nào tôi cũng sắp xếp công việc để về quê vui Tết cùng bà”, ông Kim nói. Dù xa quê hương đã lâu, nhưng hương vị và các lễ vật của ngày Tết cổ truyền vẫn không mất đi trong ông. Ông Kim đã tự tay cùng mẹ và anh chị bày biện sửa soạn bàn thờ, chuẩn bị những món ăn truyền thống của dân tộc như bánh chưng, bánh tét, dưa món... dâng lên tổ tiên. Không khí Tết quê hương cùng với những ngày được sống bên cạnh người mẹ, anh em, bà con xóm giềng đã làm ông vui và ấm áp rất nhiều, quên đi những bộn bề, lo toan của cuộc sống mưu sinh nơi xứ người.

Quang cảnh buổi gặp mặt kiều bào về quê đón Tết Bính Thân.
Quang cảnh buổi gặp mặt kiều bào về quê đón Tết Bính Thân.
Ông Lê Trung Việt – Chủ tịch Hội Thân nhân người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 8.000 kiều bào đang sinh sống tại 33 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Lượng kiều hối của tỉnh ta năm 2015 là 36,5 triệu đô la Mỹ, góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống gia đình, thân nhân kiều bào. Trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 có khoảng 150 kiều bào trở về quê hương đón Tết cùng gia đình.

Còn đối với ông Trần Quang Thường (91 tuổi) – Việt kiều Mỹ thì Tết là dịp để về với tổ tiên, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Hơn 20 năm sinh sống xa quê tại tiểu bang Cali (Mỹ) với con cái, nhưng ông luôn dành nhiều tình cảm đặc biệt đối với quê hương Việt Nam. Hằng năm, ông đều trở về quê để đón Tết cổ truyền của dân tộc. Ông Thường tâm sự: “Tết là điều rất thiêng liêng. Vì thế, tôi luôn về quê đón Tết cùng gia đình mỗi khi xuân về. Những năm không sắp xếp được công việc, thì vẫn cùng gia đình ở Mỹ ăn Tết cùng cộng đồng người Việt. Dù không bằng nơi quê nhà nhưng chúng tôi đều cố gắng để có một cái Tết có ý nghĩa nhất, cũng có bánh chưng, giò chả... Mỗi lần được về quê đón Tết, được đoàn tụ bên họ hàng, thắp nén nhang cho bố mẹ, ông bà tổ tiên, trò chuyện với bà con xóm giềng bằng thứ tiếng quê hương chân thành, mộc mạc thì không có gì hạnh phúc bằng”.

Điều đáng mừng là, dù sống ở nước ngoài nhưng nhiều gia đình vẫn thường xuyên tổ chức những bữa ăn trong gia đình như người Việt ở quê hương, dạy con cái nói tiếng mẹ đẻ. Ông Nguyễn Văn Minh – Việt kiều Canada là một trong rất nhiều gia đình như thế. Ông dạy các con nói tiếng Việt, ăn món ăn Việt, lưu giữ những nền nếp, tập tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Năm nào gia đình có điều kiện ông Minh đều trở về quê ở huyện Mộ Đức để được đón Tết cổ truyền của dân tộc. “Ở nước ngoài bây giờ vẫn có đầy đủ bánh mứt, các món ăn ngày Tết, nhưng ăn Tết Việt mà không ăn ở quê hương mình thì tâm hồn vẫn cứ nôn nao, cứ khoắc khoải. Về quê ăn Tết, nhìn thấy quê hương mình ngày càng phát triển, niềm vui nhân lên gấp bội”, ông Minh bảo.

Nhiều năm xa quê hương, nhưng cho dù đi đâu thì trong tâm thức của những kiều bào vẫn luôn nhớ về quê hương, nhớ về cội nguồn dân tộc. Ngày Tết cổ truyền là dịp để họ trở về với quê cha đất tổ, cùng ước nguyện và cùng góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Mỗi lần trở về quê ông Thường đều góp tiền để mua gạo tặng cho bà con xóm giềng, người nghèo. Ông bảo: “Năm nào tôi cũng góp ít tiền để mua gạo, nhu yếu phẩm cho bà con mình ăn Tết, dù ít ỏi nhưng vậy là ấm lòng rồi”.

 Không chỉ tặng quà, làm từ thiện, nhiều kiều bào còn góp sức xây dựng các công trình an sinh, như năm 2014 ông Phạm Tấn Kim cùng gia đình đã đóng góp hơn 2 tỷ đồng để xây dựng Phân hiệu Trường Tiểu học Bình An với 8 lớp học và khu vực nhà vệ sinh thay thế ngôi trường cũ xuống cấp, giúp học sinh nơi đây yên tâm học tập. Điều đó cho thấy, kiều bào ta luôn hướng về quê hương, Tổ quốc với niềm hy vọng vào tương lai phát triển của đất nước và vui mừng khi quê hương ngày một thay da đổi thịt.             

Bài, ảnh: VŨ  YẾN

 


.