Làng quê rộn ràng đón Tết

09:01, 28/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này, về những vùng quê, nơi xóm nhỏ, chợ quê... sẽ cảm nhận được không khí Tết đang ngập tràn. Nhà thì lo sửa sang nhà cửa, sân vườn, bày mâm cúng tất niên, người thì tranh thủ những ngày giáp Tết để làm cho xong món dưa món, bánh mứt, sắm cho bọn trẻ vài bộ quần áo mới… Ai cũng hân hoan, tất bật chuẩn bị mọi thứ cho thật tươm tất và đầy đủ nhất để đón một mùa xuân tươi vui, sung túc hơn.

TIN LIÊN QUAN


Cũng như bao gia đình ở thôn La Hà 1, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), những ngày cận Tết, chị Nguyễn Thị Hải Âu (40 tuổi) tranh thủ làm vài món mứt để đãi khách. Nhanh tay xếp từng lát gừng ra chiếc mâm nhỏ, chị Âu vừa tranh thủ trò chuyện: “Món mứt gừng, mứt bí, mứt dừa có từ lâu rồi, cứ đến Tết là bà, mẹ tôi lại làm nên tôi cũng theo thế mà học hỏi, làm thôi. Tết nhất thì nhà ai cũng phải có bánh mứt, trà ngon để tiếp khách nên vừa gieo sạ xong mấy sào ruộng là tôi tranh thủ làm mứt Tết. Tuy mứt làm ở nhà không đẹp, bắt mắt như ở tiệm, nhưng thơm ngon và rất đậm đà”.

Những ngày cuối năm, chợ quê trở nên tấp nập, đông đúc hơn.
Những ngày cuối năm, chợ quê trở nên tấp nập, đông đúc hơn.


Đối với người dân nông thôn, công việc đồng áng tuy vất vả, cực nhọc nhưng lại có thời gian linh hoạt, thế nên họ thường tận dụng những khoảng thời gian nông nhàn tranh thủ chuẩn bị những món ăn truyền thống, dân dã và thơm ngon nhất để dành cho ngày Tết. Đối với họ, chẳng thức gì ngon bằng đôi bàn tay mình làm ra, lại vừa rẻ và chứa chan tình người. Thế nên từ các món mặn như thịt muối, chả thủ, cho đến các món ăn kèm như dưa món, dưa chua… người dân quê đều tự tay làm.

Còn ở các gia đình đông con, nhiều thế hệ như gia đình bà Nguyễn Thị Điểu (68 tuổi) ở thôn 3, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) thì ngày Tết là dịp vô cùng đặc biệt, bởi đây là lúc con cháu tề tựu, quây quần. Vậy nên, dù đã lớn tuổi nhưng bà vẫn cố làm 2 sào ruộng, nuôi thêm vài con heo, con gà để lo Tết. Bà tâm sự: “Nhà đông con cháu, nên năm nào cũng phải lo nuôi heo, chừng 22 âm lịch, mổ thịt là vừa. Lúc đó, tụi nhỏ tập trung đông đủ, cúng tất niên rồi cùng nhau làm món thịt heo muối, gói bánh chưng, bánh tét vui lắm. Còn dưa món, dưa chua thì tôi đã muối được vài ngày rồi. Tết tuy có vất vả chút nhưng vui, năm chỉ có một lần, mình mà không làm, con nó cũng không biết làm, cái gì cũng mua sẵn thì đâu còn ý nghĩa”.

Theo quan niệm của người xưa, ngày đầu năm mới thì cái gì cũng phải sạch sẽ, mới mẻ và tươm tất như thế thì cả năm làm ăn mới khấm khá, sung túc. Vậy nên, những ngày nay, ở các khu chợ quê luôn đông đúc người mua, bán. Từ những sản phẩm “cây nhà lá vườn” như hoa, các loại rau cho đến các loại hàng cao cấp, thời trang...  mặt hàng nào cũng có mặt ở nơi đây.

Và khi đi dọc những con đường quê vào những ngày gần cuối năm, sẽ thấy những cánh cổng, tường rào được quét vôi, sơn mới, những đám cỏ mọc trước nhà đang được chủ nhà phát quang, dọn dẹp gọn gàng. Ông Nguyễn Xuân Hải ở thôn An Bình, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) đang cùng con trai dọn vệ sinh trước sân nhà, bộc bạch: Tết ở quê thì cái gì cũng tự các thành viên trong nhà làm, từ lau bàn thờ gia tiên, lau bộ lư đồng, cho đến quét vôi tường rào, dọn cỏ... Tôi vừa làm, vừa hướng dẫn mấy đứa con làm theo, để cho chúng biết Tết là như thế nào, phải chuẩn bị ra sao. Đây là dịp để con trẻ hiểu rõ thêm về nguồn cội, tổ tiên, về những giá trị văn hóa truyền thống.


   Bài, ảnh: H.THU-Đ.SƯƠNG



 


.