Tưng bừng khí thế khai xuân

02:02, 09/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày Tết cổ truyền Giáp Ngọ - 2014 rộn rã, tưng bừng sắp đi qua. Nhà nhà lại trở về với cuộc sống lo toan thường nhật. Nông dân ra đồng, công nhân vào xưởng, ngư dân vươn khơi với khí thế hân hoan, phấn khởi hứa hẹn một năm mới thắng lợi mới.

Đất đảo rộn ràng

7 giờ 5 phút mùng 3 Tết Giáp Ngọ, tàu của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh “mở hàng” tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn từ đất liền ra đảo thăm, chúc Tết, tổ chức “Tết trồng cây”. Sóng êm, biển lặng, hành trình vượt biển chẳng mệt nhọc là mấy. Cả tàu rộn rã tiếng nói cười, chúc tụng năm Ngọ “mã đáo thành công”. Đại tá Trần Xi Noa - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trưởng đoàn công tác thông báo: Đến đảo, đoàn sẽ tập kết tại Đại đội Pháo mặt đất xông đất đầu năm, phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác. Sau đó, đoàn sẽ thăm, chúc xuân một số đơn vị bộ đội, kiểm tra tình hình tổ chức cho bộ đội ăn Tết năm nay như thế nào.

Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác vào sáng mùng 3 Tết Giáp Ngọ tại  Đại đội pháo mặt đất huyện đảo Lý Sơn.
Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác vào sáng mùng 3 Tết Giáp Ngọ tại Đại đội pháo mặt đất huyện đảo Lý Sơn.


Ngày thứ 3 của năm Giáp Ngọ, tại Đại đội pháo mặt đất mai, đào tự tạo vẫn còn “nở” rất đẹp trong phòng, ngoài cổng doanh trại, những anh lính  trẻ đã chỉnh tề trang phục, hàng ngũ ngay ngắn, sẵn sàng chờ lệnh như thể “mùa huấn luyện” vậy. Khi Phó Chính ủy Trần Xi Noa vừa phát lệnh “Tết trồng cây”, khẩn trương cuốc, thuổng, bàng vuông, bàng phễu, sanh, si, sộp, bồ đề… được đưa đến quả đồi lớn phía sau doanh trại. Cán bộ, nhân dân, thanh niên, dân quân huyện Lý Sơn cũng tham gia đông đảo cùng bộ đội trồng cây gây rừng trên đảo.

Với nông dân Lý Sơn, ba ngày Tết sau lễ cúng tổ tiên, ông bà, họ lại tỏa ra đồng để chăm sóc tỏi. Tỏi mùa này vì thế xanh ngút mắt, hứa hẹn một mùa vụ bội thu. Chị Nguyễn Thị Mười, thôn Đông, xã An Hải bảo rằng: “Tỏi đang trong giai đoạn cần phải thúc, nên không thể thiếu nước. Vui Tết quá đà, lơ là tỏi sẽ hư ngay”. Ngư dân Lý Sơn làm nghề đánh bắt gần bờ, hầu như Tết này không nghỉ. Họ giong tàu xuyên Tết để đem những con cá tươi ngon giúp cho mâm cơm ngày Tết của mọi nhà thêm thi vị, ấm cúng, đủ đầy. Tất cả họ từ anh bộ đội, đến người nông dân, anh ngư dân trên đất đảo đang vui góp cho khí thế khai xuân tưng bừng, hứa hẹn một năm mới may mắn, thành công.

Vạn chài rộn rã

Sáng sớm mùng 4 Tết Giáp Ngọ, chúng tôi có mặt tại xã Bình Châu (Bình Sơn) để cùng ngư dân đón mùa tôm nhí, cá cơm. Anh Nguyễn Tấn Hơn, ngư dân làng chài này sau một đêm “chong đèn” ngoài cửa biển đã thu được 30 con tôm nhí (tôm hùm con). Dù tôm chỉ nhỏ bằng cọng bún, trong veo, nhưng giá bán tới 300.000 - 400.000 đồng. Anh Hơn nhẩm tính: “Đêm qua, mình được khoảng 10 triệu đồng”.

Năm nay, mùa tôm nhí về đúng vào những ngày Tết nên không bỏ lỡ cơ hội làm ăn, nhiều gia đình ngư dân mang cả Tết lên tàu ra biển neo chờ đàn tôm nhí. “Được mùa tôm nhí vui không kém Tết. Ăn Tết cùng tôm nhí còn vui gì bằng” – ngư dân Nguyễn Tấn Diêu, làng chài Châu Thuận nói vui với chúng tôi.

Rời thôn Châu Thuận, tình cờ chúng tôi có dịp gặp anh Nguyễn Văn Tàu – chủ cơ sở cung cấp ngư lưới cụ, xăng dầu “kiêm” đóng, sửa chữa tàu cá ở Bình Châu. Anh Tàu bảo: “2 ngày qua, tôi xuất hơn 1.300 cây đá và nhiều thực phẩm khô cho tàu cá vươn khơi. Họ đi biển từ ngày mùng 1 Tết. Năm nay, nhiều ngư dân không nghỉ Tết. Tiết trời ấm, cá cơm về nhiều, ngư dân phải tập trung làm ăn”. Câu chuyện của chúng tôi kéo dài chỉ hơn 15 phút nhưng bị gián đoạn rất nhiều lần do khách đến mua đồ đi biển. May mắn, tôi có dịp được tận mắt “chiêm ngưỡng” những cây đọc bằng kim loại dài hơn 1 mét dùng làm “vũ khí” đi “săn” cá dưới lòng đại dương. Anh Nguyễn Văn Âu, ngư dân Bình Châu chuyên nghề lặn, nói với tôi: “Cây đọc này giá chỉ 100.000 đồng nhưng nếu biết sử dụng nó sẽ mang lại tiền triệu, thậm chí tiền tỷ đấy”.

Vùng cao tất bật

Mùng 2 Tết Giáp Ngọ, nhiều nhà máy thu mua chế biến gỗ dăm đã khai trương. Những chuyến xe keo vì thế đã bắt đầu nổ máy chở keo xuôi về nhà máy. Chuyến xe keo tôi bắt gặp đầu tiên trong năm mới Giáp Ngọ tại xã Sơn Hạ (Sơn Hà). Anh Đinh Văn Viên, chủ nhân xe keo bảo: “Nghe nhà máy mở cửa, mình tranh thủ đốn keo bán. Keo đến tuổi rồi, bán sớm, giải phóng đất để trồng lứa keo khác. Với lại mình bán sớm, nhà máy họ cũng ưu tiên trả giá cao hơn”.

Trên các cánh đồng dọc theo tuyến Tỉnh lộ 623 chạy qua xã Sơn Hạ, Sơn Thành và thị trấn Di Lăng, nhiều nông dân ra đồng chăm sóc lúa. Có lẽ họ đang rất lo cho cây lúa vụ đông xuân này. “Mình thăm đồng xem nước còn nhiều trong ruộng không. Nước cạn là chuột phá dữ lắm” – bà Đinh Thị Trỉa, thôn Hà Thành, xã Sơn Thành nói. Hơn 3 sào lúa của bà Trỉa góc bờ sạch cỏ, lúa một màu xanh mát. Bà Trỉa bảo rằng gạo ăn của cả nhà bà 4 người đều trông chờ vào ruộng lúa này. Vì thế bà lo lắm, không dám rời ruộng một ngày, dù là ngày Tết.

Tại huyện miền núi Sơn Hà, như đã thành thông lệ, cứ sáng mùng một Tết, sau lễ chào cờ đầu năm là ra quân thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”. Những hàng cây xanh cao vút trong công viên, ngoài khuôn viên hàng rào các cơ quan, đường phố vì thế hằng năm đều được “chèn” thêm nhiều cây xanh non sau mỗi mùa Tết trồng cây. Bí thư Huyện ủy Sơn Hà Đặng Ngọc Dũng cho biết: “Chúng tôi muốn nhân Tết trồng cây này sẽ động viên, nhắc nhở nhân dân trong toàn huyện, nhất là người dân thị trấn trồng thêm cây xanh. Có cây xanh, phố thêm xinh, cảnh quan xanh mát, góp phần hoàn thành tiêu chí cây xanh cho Di Lăng trở thành đô thị loại 5 vào năm 2015”.

Năm mới Giáp Ngọ mới chỉ bắt đầu ít ngày, nhưng với sự khẩn trương vào guồng lao động, sản xuất ngay trong những ngày khai xuân đã cho chúng ta niềm tin tưởng, kỳ vọng năm mới nhân dân tỉnh nhà sẽ đạt nhiều thắng lợi mới.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.