Tết của phóng viên, nhà báo

06:01, 30/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đêm giao thừa và những ngày Tết là thời gian quý báu để gia đình quây quần bên nhau, để thăm người thân, bè bạn, du xuân... Nhưng những người làm báo, nhất là phóng viên thì phần lớn không có được khoảng thời gian thư thả đó.

Giao thừa: Xông đất  nhà mình

(Báo Quảng Ngãi)- Đêm 30 Tết, ai chẳng muốn được về với gia đình, nhưng từ nhiều năm nay rất nhiều nhà báo, phóng viên của Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Quảng Ngãi (chủ yếu bộ phận báo điện tử) chỉ trở về nhà khi đồng hồ đã chỉ gần 2 giờ sáng mùng 1 Tết. Nhà báo Minh Toàn, Phó trưởng Phòng báo điện tử (Báo Quảng Ngãi) chia sẻ: “Với anh em làm báo in còn đỡ, bởi sau khi cật lực làm xong số báo Tết âm lịch (phát hành khoảng 20 tháng Chạp) và số tất niên thì công việc có phần thư thả hơn. Nhưng với báo điện tử thì hầu như cả lãnh đạo và phóng viên không có thời gian nghỉ Tết. Đơn cử như năm ngoái, sau khi tác nghiệp về dựng video clip, làm xong chương trình đón giao thừa thì đến gần 2 giờ sáng anh em mới về đến nhà”.

 

Phóng viên Báo Quảng Ngãi điện tử đang tác nghiệp tại hội chợ hoa xuân TP.Quảng Ngãi.
Phóng viên Báo Quảng Ngãi điện tử đang tác nghiệp tại hội chợ hoa xuân TP.Quảng Ngãi.


Còn với anh em phóng viên, nhà báo của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh thì càng gần Tết họ càng tất bật với công việc. Đặc biệt, từ khi Đài thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp lễ hội đón Giao thừa hằng năm, thì lực lượng biên tập viên, phóng viên, phát thanh viên và kỹ thuật viên của Đài càng nhọc sức hơn.

Ngay từ chiều 30, ê-kíp của Đài đã phải có mặt tại hiện trường để chuẩn bị. Ngoài nhóm làm truyền hình trực tiếp, Đài còn cắt cử một nhóm phóng viên thời sự phản ánh lễ hội Giao thừa và không khí Tết để phát sóng trong những ngày Tết. Và sau khi lễ hội kết thúc, ê-kíp tại hiện trường lo thu dọn máy móc, một số phóng viên khác phải dựng phóng sự ngay sau đó rồi mới về nhà.

Thế nên chuyện “vắng nhà” trong đêm giao thừa đối với họ nhiều khi đã trở thành… thông lệ.  “Mặc dù công việc trong những ngày cuối năm rất vất vả, nhưng đã chọn nghề báo hình thì ai cũng phải có trách nhiệm với công việc”- Đông Hải, phóng viên Đài PTTH tỉnh tâm sự. Cùng là người “trong nghề” nên tôi thấu hiểu áp lực công việc và nỗi vất vả khi phải bươn chải tác nghiệp trong những ngày cuối năm- những ngày mà không khí Tết rộn ràng hơn bao giờ hết. Trước đây, khi chưa đi làm báo, cũng qua đài, báo phản ánh tôi cứ ngỡ chỉ những người “lao công” (công nhân công ty môi trường đô thị), hoặc các chiến sĩ công an, bộ đội là không đón giao thừa cùng gia đình. Nhưng khi vào nghề này, tôi biết thêm còn có những người làm báo.

Những ngày Tết: Sẵn sàng tác nghiệp

Giao thừa bận rộn, những ngày Tết với anh em làm báo cũng chẳng được thư thả nghỉ ngơi. Phóng viên phải đi về các địa phương, các điểm vui xuân để phản ảnh không khí vui Xuân, đón Tết của nhân dân. Rồi đến mùng ba Tết thì lại vượt chặng đường hơn 60 km về Sa Huỳnh (Đức Phổ) và xuống các xã ven biển Nghĩa An-Nghĩa Phú (Tư Nghĩa), Bình Chánh (Bình Sơn) theo lễ hội ra quân nghề cá đầu năm. Bên cạnh đó, các hoạt động như Tết trồng cây, ra quân lao động sản xuất đầu năm… cũng được anh em làm báo phản ảnh kịp thời đến độc giả. Không chỉ những phóng viên trực tiếp tác nghiệp ở hiện trường vất vả, mà bộ phận hậu trường của Đài PTTH, báo điện tử- những người thầm lặng phía sau, cũng phải nỗ lực không ít trong những ngày lễ, Tết lẽ ra được nghỉ ngơi.
    
Trong những ngày Tết, anh em làm báo luôn có tâm thế “cảnh giác” cao độ, để nghe có chuyện là phải lao đi ngay nhằm mang về những tin tức thời sự nóng hổi phục vụ độc giả đọc báo, nghe đài, xem truyền hình. Hằng năm, vào dịp Tết đến, khán giả truyền hình thường được thưởng thức những thông tin, hình ảnh đặc sắc về Tết của đồng bào các dân tộc thiểu số; về không khí đón Tết của các địa phương trong tỉnh, cũng như các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân khắp nơi… Để có được những chất liệu hình ảnh đó mang đến dịp đầu Xuân cho khán giả, các phóng viên Đài PTTH Quảng Ngãi đã lặn lội cả trăm cây số để “nằm vùng”  đón Tết sớm cùng đồng bào dân tộc thiểu số, hoặc sum vầy cùng ngư dân vùng biển, đảo sau một năm mưu sinh trên biển. Việc phải “chạy sô” để làm phóng sự phát chương trình Tết năm nào cũng diễn ra.

Riêng đối với những người làm báo điện tử (Báo Quảng Ngãi), để phản ánh nhanh nhạy những thông tin thời sự được giao, họ phải “chạy sô” trong dòng người đông nghịt đêm Giao thừa để ghi nhận tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông, chụp lại những hình ảnh xúc động về các anh chị công nhân của Công ty Môi trường Đô thị đang tất bật dọn dẹp trong đêm. Một bộ phận khác thì đến bệnh viện để ghi lại tình hình tai nạn giao thông, khám chữa bệnh, bệnh nhân đón Tết... Đến những ngày tiếp theo, họ tiếp tục không để bỏ sót những thông tin nóng xảy ra trên địa bàn. Thậm chí lúc nào cũng phải kè kè laptop, máy ảnh và USB 3G bên mình, kể cả khi đi chúc Tết bà con, để khi gặp chuyện hay nghe có tin nóng là phải lao đi ngay...


Bài, ảnh: Phạm Danh

 


.