Những người giữ lửa nghề bánh chưng, bánh tét

08:01, 29/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đang đến rất gần, những người giữ lửa nghề truyền thống bánh chưng, bánh tét đang vội vã từng phút, từng giây thổi hồn vào những chiếc bánh để kịp đưa ra thị trường các mẻ bánh phục vụ Tết.

TIN LIÊN QUAN

* Quanh năm đỏ lửa
 
Những ngày cuối tháng Chạp, những chuyến xe chở bà con về quê ăn Tết lần lượt nối đuôi nhau cập bến khiến không khí Tết rạo rực trong từng ngõ xóm, ngôi nhà. Tìm đến nhà bà Mai Thị Phương ở xóm Phú Mỹ, thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu (Sơn Tịnh), chúng tôi nhận thấy không khí tất bật của những ngày cận Tết. 
 
Chỗ này thì vo nếp, chỗ kia gói bánh, chỗ nọ làm nhân bánh… Cả khuôn viên nhà bà Phương đều dành chỗ cho công việc làm bánh. Ở giữa phòng khách, bốn con người tay đang thoăn thoắt gấp nếp chiếc bánh và xếp cẩn thận ở giữa nhà để kịp có bánh nấu gửi cho các tiểu thương ở tận TP. Hồ Chí Minh.

 

Bà Mai Thị Phương một trong những chủ lò bánh chưng, bánh tét nổi tiếng của tỉnh.
Bà Mai Thị Phương, một trong những chủ lò bánh chưng, bánh tét nổi tiếng trong tỉnh.
 
Kế thừa nghề gói bánh chưng, bánh tét truyền thống của cha mẹ, sau 25 năm gắn bó đến nay lò bánh chưng bánh tét của bà và em gái là Mai Thị Liên đã tạo tạo thương hiệu lớn, không chỉ nổi tiếng khắp nơi trong tỉnh mà còn ở ngoại tỉnh.
 
Bà Phương cho biết, chỉ trừ ngày mùng 1 Tết nghỉ ngơi cúng ông cúng bà, thăm họ hàng, người thân, từ ngày mùng 2 Tết trở đi, nhà bà quanh năm đỏ lửa. Ngày thường gia đình bà tiêu thụ từ 15 đến 30kg nếp, nhưng vào dịp Tết thì lượng nếp tiêu thụ lên đến hàng tạ. Đặc biệt, những ngày cận Tết, lò bánh của bà đỏ lửa cả ngày lẫn đêm và cho ra thị trường cả vài thiên bánh chưng, bánh tét phục vụ Tết. 
 
Vì vậy, nhà bà Phương và cũng như nhà bà Liên phải huy động nhân công từ con gái, cháu gái, cháu trai, con trai đến rể và hàng xóm lên đến vài chục người phụ giúp mới kịp bánh bán. Mọi người đều xắn tay vào công việc.

 

Cả nhà từ trai đến gái đều được huy động vào công việc làm bánh để kịp cho ra thị trường bán Tết.
Cả nhà từ trai đến gái đều được huy động vào công việc làm bánh để kịp cho ra thị trường bán Tết.
 
Theo kiểu dây chuyền, mỗi người chuyên trách một việc, người cho gạo vào lá bánh, người gói các nếp cho vuông vức, người cột lạt…“Thoạt nhìn rất đơn giản nhưng để có được chiếc bánh thơm ngon không dễ chút nào, phải kỹ lưỡng trong khâu chuẩn bị và thứ quan trọng nhất là nếp”- bà Liên thổ lộ.
 
* Cái tâm của người làm bánh
 
Những chiếc bánh chưng, bánh tét nơi đây không chỉ nổi tiếng đối với người dân Quảng Ngãi mà còn được ưa chuộng ở các tỉnh ngoài như Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội…
 
Để bánh cất giữ được lâu, người làm bánh phải rất cẩn thận, tỉ mĩ tường công đoạn.
Để bánh cất giữ được lâu, người làm bánh phải rất cẩn thận khi làm nhân bánh.
 
Theo bà Phương, để tạo được thương hiệu nghề truyền thống này không có bí quyết gì đặc biệt, nhưng người làm bánh phải có cái tâm. Từ khâu chọn nguyên liệu đến làm nhân, gói bánh, nấu bánh đều phải sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đúng kỹ thuật. 
 
Quan trong nhất là phải chọn loại nếp thơm, ngon, không tạp lẫn, sau đó là chế biến nhân bánh. Đậu xanh được ngâm và xả đến khi hết vỏ và bọt. Bánh nhân mặn, thịt heo làm sạch và luộc chín ướp với bột ngọt, tiêu, muối để khi mỡ tan vào bánh làm bánh có vị béo và thơm ngon.
 
Bánh chưng, bánh tét được gói trong lá chuối chát (sứ) đã được rửa hoặc lau sạch để khi luộc chín vẫn giữ được màu xanh của lá mà không bị đỏ. Để chiếc bánh chưng có dáng vuông vức dùng khuôn bằng gỗ, cho một phần ba số nếp xuống trước rồi cho nhân vào, sau đó cho hai phần ba số nếp còn lại, nhờ vậy, nhân sẽ luôn nằm ở tâm của chiếc bánh và không nên buộc bánh quá chặt hoặc quá lỏng để đảm bảo độ chín của chiếc bánh. 

 

Sau nhiều giờ đồng hồ đỏ lửa, những chiếc bánh chưng, bánh tét thơm ngon
Sau nhiều giờ đồng hồ đỏ lửa, những chiếc bánh chưng, bánh tét đậm đà hương vị  quê nhà được vớt ra để chuẩn bị xuất bán.
 
Bánh chưng nấu khoảng 4 giờ đồng hồ là vừa còn bánh tét phải mất từ 7-12 giờ. Làm đúng quy trình như vậy bánh sẽ giữ được hương vị đậm đà cả nửa tháng mà không bị mốc, bị chua, hư hỏng.
 
Bà Liên chia sẻ: “Nghề này vất vả vì phải thức đêm dậy sớm, nhưng không bao giờ lo thất nghiệp vì thương hiệu bánh chưng, bánh tét của mình được nhiều người biết đến”.
 
Đây là nghề truyền thống mà cha mẹ truyền lại và nhờ nó cuộc sống của gia đình bà vươn lên khấm khá, con cái được ăn học tới nơi tới chốn, dựng vợ gả chồng, đời sống đủ đầy. Bên cạnh đó, lò bánh còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông nhàn trong xóm.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 
 

.