Tết đến, lòng lại nhớ quê hương...

10:02, 03/02/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Mỗi khi Tết đến, Xuân về, nỗi nhớ quê cha, đất mẹ của người Việt xa xứ càng thêm da diết. Đón Tết cổ truyền nơi xứ người, họ vẫn cố gắng giữ gìn những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc để tìm lại chút bóng dáng của quê hương; để con cháu, bạn bè quốc tế biết, hiểu thêm về những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt và vơi đi phần nào nỗi nhớ.
 
[links()]
 
Bồi hồi nhớ Tết quê
 
Chị Nguyễn Phương Thảo (32 tuổi), quê ở xã Bình Nguyên (Bình Sơn), hiện đang định cư tại tiểu bang Michigan ở vùng Đông Bắc của nước Mỹ. Đã 13 năm xa xứ, lần sau cùng chị trở về quê hương Quảng Ngãi, tính đến nay đã 8 năm. Đôi lần vợ chồng chị có dự định đưa gia đình trở về quê hương đón Tết nhưng bận bịu với con nhỏ, lại ảnh hưởng của dịch bệnh, kế hoạch dời lại để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong nhà. Chính vì thế, nỗi nhớ quê hương cứ da diết trong lòng, đặc biệt là vào những dịp như Tết.
 
Lướt mạng xã hội, thấy bạn bè, người thân quê nhà cập nhật liên tục về Tết ở quê nhà, lòng chị lại rộn ràng, bâng khuâng bao nỗi nhớ. Nhìn đâu chị cũng thấy nhớ quê hương. “Tôi nhớ hương vị bánh mứt, nồi bánh tét của bà; hương hoa cúc khoe sắc được tạo nên từ đôi bàn tay của cha. Tôi nhớ những buổi lang thang chợ quê cùng mẹ và cả hơi ấm tình thân mà mọi người dành cho nhau vào mỗi dịp cuối năm, tất bật để lo Tết cho gia đình chu toàn nhất”, chị Thảo chia sẻ.
 
Gia đình chị Thảo giữ gìn truyền thống mặc áo dài cùng các con đi chúc Tết ông bà vào những ngày đầu năm.
Gia đình chị Thảo giữ gìn truyền thống mặc áo dài cùng các con đi chúc Tết ông bà vào những ngày đầu năm.

 

Những đứa trẻ cùng gia đình viếng chùa đầu năm.
Những đứa trẻ cùng gia đình viếng chùa đầu năm.

Xa quê hương đã lâu, giờ đây cha mẹ cũng sang định cư cùng gia đình chị, nhưng nỗi nhớ quê vẫn cứ khắc khoải. Ký ức về lần đầu tiên xa Tết quê, đón Tết ở xứ sở cờ hoa sẽ khiến chị luôn nhớ mãi. Năm ấy, ngày Tết cổ truyền của dân tộc (người bản xứ gọi là Lunar New Year) rơi vào mùa đông, gió tuyết dữ dội. Do không phải là Tết của người phương Tây nên hầu hết mọi người đều đi làm như ngày bình thường, không khí Tết buồn tẻ. Gió tuyết lạnh lẽo càng khiến chị không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về quê nhà. Chị thèm nắng ấm sáng mai, cây cối đâm chồi, nảy lộc vươn mình, mai vàng nở rực khắp nơi trong mùa xuân mới.
 
"Rất may mắn khi cha mẹ chồng là những người lớn tuổi thuộc thế hệ trước nên những giá trị truyền thống trong gia đình vẫn được gìn giữ. Mọi người cũng cố gắng dành thời gian, làm những món ăn truyền thống, cùng tôi đi chùa đầu năm, du xuân, gặp gỡ đồng hương nên cũng vơi bớt phần nào nỗi nhớ quê”, chị Thảo trải lòng.
 
Giữ gìn Tết cổ truyền
 
Theo chị Thảo, như bao kiều bào người Việt trên toàn thế giới, hơn 10 triệu kiều bào Quảng Ngãi ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức các hoạt động đón Tết cũng là để mọi người tìm lại chút bóng dáng quê nhà. Hai năm vừa qua là hai năm khó khăn đối với tất cả mọi người vì dịch bệnh, nhưng Tết đến ai cũng mong chờ khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, đặt nhiều hy vọng cho một năm bình an. 
 
Ngày nay, kiều bào xa xứ dễ dàng tìm mua những đặc sản nổi tiếng của quê nhà trong các khu chợ của người Việt.
Kiều bào xa xứ dễ dàng tìm mua những đặc sản nổi tiếng của quê nhà trong các khu chợ của người Việt.
 
Những giá trị truyền thống tốt đẹp của Tết cổ truyền vẫn được đại đa số kiều bào kế thừa và giữ gìn. Gia đình chị Thảo đã đón một cái Tết đầy ấm cúng và sum vầy trong ngày đầu năm. Đêm giao thừa, ba thế hệ trong gia đình quây quần bên nhau, mở các kênh truyền hình, lên mạng để đón xem các chương trình truyền hình của người Việt, cùng đếm ngược khoảnh khắc đón chào năm mới và thưởng thức những món ăn truyền thống đã chuẩn bị trước như bánh tét, củ kiệu, canh khổ qua, thịt heo muối... 
 
Ngày Mùng một Tết, chị mặc áo dài, cùng gia đình xuất hành, dâng hương ở chùa và về lại gia đình ông bà nội của các con để chúc Tết và mừng tuổi, nhận lì xì.
 
Đặc biệt, từ trước đến nay, dù nhà nằm gần khu chợ của người Việt Nam, ở đó có đầy đủ các món ngon, đặc sản do chính người Việt Nam đưa vào tiêu thụ nhưng chị vẫn thích tự tay chuẩn bị mọi thứ từ gói bánh tét, làm dưa kiệu, bánh mứt truyền thống; chuẩn bị đầy đủ các lễ vật để cúng ông bà, cúng cơm bữa theo phong tục.
 
“Dù không được cảm nhận trọn vẹn không khí đón Tết như ở quê nhà, nhưng tổ chức đón Tết ở xứ người cũng là giây phút để các thành viên trong gia đình được xôm tụ bên nhau, tình thân càng thêm thắm thiết. Hơn thế nữa, con trẻ cũng có cơ hội biết và cảm nhận được Tết quê hương, hướng về nguồn cội. Có những năm, khi dịch Covid-19 chưa xảy ra, gia đình còn mời thêm láng giềng, những người thân thiết cùng tham gia vào các hoạt động đón Tết. Đó cũng là cách để quảng bá Tết với những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt”, chị Thảo chia sẻ.

Gia đình chị Bùi Thị Ngọc Trinh (24 tuổi), hiện đang định cư tại tiểu bang California (Mỹ) cũng đã có 12 năm đón Tết nơi xứ người. Ngày Tết, chị cũng phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa và đến khu chợ của người Việt chọn mua hoa lay ơn, hoa cúc, hoa mai để trang trí bàn thờ gia tiên. 

Lì xì cho nhau trong ngày đầu năm.
Chị Trinh (bên phải) lì xì cho các em trong ngày đầu năm.

 

 Mọi người quây quần bên nhau chơi bầu cua, tôm cá.
Mọi người quây quần bên nhau chơi bầu cua.
 
 
“Tết đến, có hoa thì năm mới mới rực rỡ, bình an, hoan hỉ. Sau khi dọn dẹp, trang trí nhà cửa xong, tôi còn tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi cho các em nhỏ cùng tham gia, như lì xì đầu năm, chơi bầu cua… Tôi cùng mẹ và những người thân bên gia đình ngoại còn nấu nướng, tổ chức buổi tiệc nhỏ để chúc mừng năm mới và không quên gọi điện về chúc Tết người thân ở quê nhà. Sau đó, tôi đi thăm đồng hương, bạn bè là người Quảng Ngãi từng sang Mỹ du học, ở lại làm việc”, chị Trinh cho hay.
 
Những hoạt động của cộng đồng người Việt vào ngày Tết cổ truyền đã phần nào xoa dịu nỗi nhớ quê, mang đến những ngày Tết trọn vẹn tình thân, sung túc hơn trong năm mới. Mọi người cùng nhau cầu mong dịch bệnh Covid-19 không còn nữa, cuộc sống trở lại bình thường và có thể gặp nhau sum vầy, đoàn tụ bên nhau và sớm trở về quê hương trong một dịp gần nhất. 
 
GIA NGHI
 
 

.